Sách trắng HTX Việt Nam dự kiến công bố vào cuối tháng 3/2020

0
639

Nội dung dự kiến của Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam năm 2020 bao gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển hợp tác xã cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2018…

Cuộc họp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với đại diện các bộ, ngành và các đơn vị liên quan thống nhất một số nội dung của Sách trắng. Nguồn: MPI.

Tiếp nối thành công của Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2019, từ năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì biên soạn và công bố Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam thường niên.

Tại cuộc họp với đại diện các bộ, ngành và các đơn vị liên quan để thống nhất một số nội dung của Sách trắng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Lâm, đơn vị được giao chủ trì xây dựng Sách trắng, cho biết, hiện có ba nguồn thông tin để biên soạn Sách trắng, gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Nội dung dự kiến của Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam năm 2020 gồm: Những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển hợp tác xã cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2018, gồm: Bối cảnh phát triển hợp tác xã năm 2018; Tổng quan phát triển hợp tác xã Việt Nam năm 2018 và giai đoạn 2016-2018; Đề xuất giải pháp phát triển hợp tác xã; Bộ chỉ tiêu phát triển hợp tác xã năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 cả nước; Bộ chỉ tiêu phát triển hợp tác xã năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 các địa phương.
Do đây là năm đầu tiên biên soạn và công bố Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam trong khi có nhiều nguồn thông tin, số liệu còn chênh lệch, do vậy, Tổng cục Thống kê dự kiến sử dụng các biểu số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gồm số hợp tác xã đang hoạt động; số hợp tác xã thành lập mới; số thành viên hợp tác xã. Chỉ tiêu số hợp tác xã trong tất cả các biểu cũng như các chỉ tiêu liên quan quy định là tổng hợp từ hợp tác xã đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh.
Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam năm 2020 dự kiến có hơn 20 biểu số liệu về hợp tác xã phân theo quy mô lao động, ngành kinh tế và số liệu hợp tác xã của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có số hợp tác xã đang hoạt động đến thời điểm ngày 31/12 theo địa phương; số hợp tác xã đang hoạt động, có kết quả sản xuất kinh doanh đến thời điểm ngày 31/12 theo quy mô lao động, theo ngành kinh tế; số hợp tác xã hoạt động; lao động của hợp tác xã; thu nhập bình quân của người lao động trong hợp tác xã; hiệu suất sử dụng lao động trong hợp tác xã; nguồn vốn, doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế của hợp tác xã; tỷ lệ hợp tác xã kinh doanh có lãi, lỗ;…
Tham gia thảo luận, các đại biểu bày tỏ nhất trí với cách tiếp cận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các chỉ tiêu được đưa ra tại Dự thảo. Đồng thời đề nghị Dự thảo thể hiện “đậm nét” hơn về kinh tế hợp tác xã trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản theo tinh thần Nghị quyết 32/2016/QH14 ngày 23/11/2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đối với từng chỉ tiêu, ngoài việc phân tổ nên có chỉ tiêu về ngành kinh tế, để thuận tiện trong việc so sánh chỉ tiêu kinh tế giữa các ngành, lĩnh vực…

Theo Doanh nhân Việt