Tìm cơ chế đầu tư hạ tầng hợp tác xã

0
607

Số lượng hợp tác xã (HTX) nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng gia tăng, đang dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững.

Ngoài những hỗ trợ hiện nay, cần vận dụng các cơ chế để xã hội hóa đầu tư hạ tầng HTX. Ảnh: Lê Tiên

Ngoài những hỗ trợ hiện nay, cần vận dụng các cơ chế để xã hội hóa đầu tư hạ tầng HTX. 

Tuy nhiên, hạ tầng của HTX vẫn rất nghèo nàn, lạc hậu, khó đáp ứng yêu cầu của phương thức sản xuất mới. Theo các chuyên gia và nhà quản lý, một trong những “nút thắt” cần tháo gỡ chính là tìm cơ chế đầu tư hạ tầng HTX.

Thống kê của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX cho thấy, năm 2018, cả nước có khoảng 1.200 HTX tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Song kết quả này được đánh giá là vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của HTX. Trên thực tế, nhiều HTX, liên hiệp HTX vẫn gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, cơ sở vật chất, hạ tầng đầu tư cho HTX vẫn rất nghèo nàn, lạc hậu, khó đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường.

Hiện nay, hỗ trợ kết cấu hạ tầng cho phát triển HTX nông nghiệp được triển khai từ các nguồn kinh phí như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; nguồn ngân sách địa phương; Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững; Dự án Nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học… Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư và chính sách đầu tư từ các chương trình, dự án trên cho hạ tầng HTX vẫn chậm triển khai trong thực tế và còn nhiều hạn chế nên nhiều HTX phải chật vật, loay hoay, thậm chí là bế tắc trong việc tìm cơ chế đầu tư cho hạ tầng HTX.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2018, nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư đã hỗ trợ 113 HTX nông nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng với số tiền 156 tỷ đồng. Năm 2019, các tỉnh đang triển khai hỗ trợ từ các nguồn này cho 103 HTX nông nghiệp với kinh phí 114 tỷ đồng. Bình quân mỗi HTX được hỗ trợ 1,25 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, HTX đóng góp đối ứng thông thường từ 20 – 59% tổng mức đầu tư.

Các hạng mục công trình hạ tầng HTX thường được đầu tư gồm: nhà kho; cửa hàng kinh doanh vật tư; lò sấy; cơ sở thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; công trình thủy lợi, giao thông nội đồng; khu làm việc và trưng bày sản phẩm; trụ sở làm việc; nhà xưởng giết mổ gia súc, gia cầm; hệ thống điện 3 pha; trạm bơm điện…

Trên thực tế, các chính sách hỗ trợ hạ tầng HTX đã có từ năm 2014, nhưng đến năm 2018 các địa phương mới triển khai thực hiện và số lượng HTX được hưởng lợi từ chính sách này còn ít, kinh phí hỗ trợ so với nhu cầu vẫn rất hạn chế. Nhiều HTX nông nghiệp có trụ sở ở khu vực các phường, thị trấn không được hỗ trợ đầu tư hạ tầng, trong khi đây là những HTX có vị trí thuận lợi để phát triển tiêu thụ sản phẩm, kết nối vùng nguyên liệu, xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, ngoài việc bố trí nguồn vốn theo các chương trình, dự án hỗ trợ cho phát triển hạ tầng HTX, tháng 4/2018, Bộ đã có văn bản số 2367/BKHĐT-HTX về việc hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, các địa phương cũng đã đề xuất các dự án phân bổ vốn dự phòng trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để bố trí vốn cho hỗ trợ kết cấu hạ tầng đối với HTX nông nghiệp năm 2019.

Theo Bộ KH&ĐT, để giải quyết bài toán vốn đầu tư cho hạ tầng HTX, ngoài việc tập trung nguồn lực ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, cần phải tăng cường hợp tác quốc tế, vận dụng các cơ chế để xã hội hóa đầu tư hạ tầng phát triển HTX như kêu gọi, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, đối tác, tổ chức trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ nâng cao năng lực cho HTX, thực hiện đầu tư, liên kết với HTX nông nghiệp, kêu gọi đầu tư vào HTX theo hình thức đối tác công – tư…

Theo báo Đấu Thầu