Nhằm khảo sát những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc về mô hình Hợp tác xã (HTX) nông, lâm, thủy sản hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và Liên kết chuỗi giá trị phát triển HTX nông, lâm, thủy sản hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM), vừa qua, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT Tp.HCM, cùng các đơn vị trực thuộc của Sở gồm: Chi Cục Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt Bảo vệ thực vật, Chi cục chăn nuôi Thú Y, Chi cục Thủy sản và Trung tâm Khuyến nông và Liên minh HTX nông nghiệp Tp.HCM.
Qua buổi làm việc, đại diện các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Tp.HCM đưa ra các đề xuất, kiến nghị, để thời gian tới Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ ban hành những chính sách mới về hoạt động HTX nông nghiệp phù hợp và sâu sát hơn với thực tiễn.
Theo đó, Chi Cục Phát triển nông thôn TP đã thống kê tình hình hoạt động các HTX nông nghiệp tại TP, tính đến 22/4/2019 TP có 104 HTX và 01 Liên Hiệp HTX đăng ký hoạt động nông nghiệp, trong đó có 82 HTX đang hoạt động nông nghiệp với 2.368 thành viên (bình quân 29 thành viên HTX), tổng vốn điều lệ 371.363 triệu đồng (bình quân 4.529 triệu đồng/HTX). Năm 2018, thành lập mới 23 HTX và đến thời điểm tháng 4/2019 thành lập mới 07 HTX.
Các đơn vị tham gia buổi làm việc đều thống nhất đưa ra những đề xuất kiến nghị với các cơ quan liên ngành như:
Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét hướng dẫn thủ tục giải thể bắt buộc HTX theo Khoản 2, Điều 54 Luật HTX năm 2012 đối với trường hợp đại diện HTX không hợp tác với chính quyền địa phương để thành lập hội đồng giải thể.
Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét và tham mưu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ, ưu đãi về đất đai cho HTX nông nghiệp (giao đất, cho thuê đất);
Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể việc sử dụng ngân sách địa phương thực hiện thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp tại Tp.HCM; Hướng dẫn chi tiết triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ; Hướng dẫn chi tiết nội dung cấp phép cho người dân, HTX là doanh nghiệp xây dựng công trình phụ trợ (nhà màng, nhà lưới, nhà kính, nhà xưởng, nhà sơ chế, phòng thí nghiệm nuôi cấy mô, các công trình phục vụ du lịch,…) phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao trên đất sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, xem xét và có hướng dẫn cụ thể cho Tp.HCM được sử dụng ngân sách địa phương để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp.
Ngoài ra, đại diện lãnh đạo các đơn vị còn bổ sung thêm những đề xuất, kiến nghị theo từng chuyên môn.
Bà Nguyễn Thị Liễu Kiều – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tp.HCM cho biết: “Thực tế thị trường sẽ quyết định sự sống còn của HTX, nhưng tâm lý người dân khi tham gia phải có lợi ích rõ ràng về sản phẩm đầu ra, giá cả hợp lý,… mới tham gia. Nên cần phải có quy chế hoạt động HTX rõ ràng, nhằm ràng buộc nghĩa vụ, trách nhiệm của từng thành viên khi tham gia để nâng cao hoạt động HTX trong thời gian tới”.
Đại diện Liên minh HTX Tp.HCM và Chi Cục Thủy Sản Tp.HCM cho biết, ngoài những đề xuất kiến nghị trên, nên có nhiều chính sách đào tạo cán bộ trẻ, thu hút nhân tài, nâng cao năng lực hoạt động của HTX, đáp ứng tốt nhu cầu thực tế của từng thành viên,…
Đại diện Chi cục Trồng trọt Bảo vệ thực vật còn đưa thêm kiến nghị phải xây dựng mô hình tín dụng nội bộ HTX vì hiện tại Tp.HCM chưa có HTX nào thực hiện được mô hình này.
- Phùng Giang Hải – đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết: “Thực trạng, khó khăn vướng mắc của các HTX tại Tp.HCM cũng giống với những địa phương khác, do đó đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn ghi nhận những ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các đơn vị, báo cáo với Bộ để thời gian tới sẽ có những chính sách ban hành, bổ sung làm mới, phù hợp hơn và sát thực hơn với thực tiễn, góp phần nâng cao hoạt động HTX nông nghiệp và thực trạng liên kết chuỗi giá trị nông sản của cả nước nói chung và Tp.HCM nói riêng một cách khoa học và bền vững”.
Nguồn: Trung tâm Khuyến nông quốc gia