Virus H5N6 lây nhiễm từ gia cầm cho người qua dịch tiết ở mũi, miệng gia cầm bệnh, song không lây từ người sang người.
Cúm gia cầm H5N6 chưa ghi nhận trường hợp nào lây từ người sang người.
16 ổ dịch cúm gia cầm, gồm 14 ổ dịch H5N6 và hai ổ dịch H5N1, xuất hiện những ngày qua tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Trà Vinh. Trước đó một tuần, gần 30.000 gia cầm mắc cúm H5N6 được tiêu hủy tại Hà Nội và Thanh Hóa. Tổng cộng số gia cầm chết, tiêu hủy đến nay trên 55.000.
Các chuyên gia y tế cảnh báo cúm H5N6 có thể lây truyền cho người.
Cúm gia cầm là một loại bệnh cúm do virus từ các loài gia cầm (hay chim) gây ra, có thể xâm nhiễm một số loài động vật có vú. Virus này được phát hiện lần đầu tiên là tại Italy vào đầu thập niên 1990, hiện xuất hiện ở hầu hết các nơi trên thế giới. Cúm gia cầm có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài như gà, vịt, ngan, chim cút… gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người chăn nuôi.
Virus cúm gia cầm có tên khoa học là avian influenza (AI) thuộc nhóm virus cúm A họ Orthomyxciridae. Chủng H5N6 được xem là loại cúm gia cầm có khả năng gây bệnh thấp
Tiến sĩ Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong.
Tháng 5/2014, Trung Quốc thông báo ca nhiễm bệnh và tử vong đầu tiên do phân nhóm cúm gia cầm H5N6. Bệnh nhân 49 tuổi ở tỉnh Tứ Xuyên trước khi tử vong đã tiếp xúc với gia cầm chết và được chẩn đoán viêm phổi với các triệu chứng sốt, ho, đau đầu, qua đời vào ngày thứ 10 sau khi phát bệnh. Các xét nghiệm sâu cho thấy bệnh nhân nhiễm H5N6.
Virus H5N6 lây truyền từ gia cầm sang người qua tiếp xúc với phân hoặc từ các dịch tiết ở mũi, miệng hoặc mắt gia cầm bị nhiễm bệnh. Nguyên nhân dẫn đến bùng phát dịch là do các vấn đề liên quan đến xử lý gia cầm bị nhiễm bệnh chưa thực hiện tốt. Ngoài ra, virus cúm A H5N6 có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, như ăn phải gia cầm và các sản phẩm gia cầm bị bệnh trong quá trình chế biến, nấu nướng không chín, ăn tiết canh.
Theo tiến sĩ Nghĩa, cúm H5N6 lây từ gia cầm sang người nhưng chưa ghi nhận trường hợp lây từ người sang người.
Các chủng virus cúm A H5N1, H5N6… cư trú trong những tế bào nằm sâu trong phổi, không thể gây nhiễm ở đường hô hấp trên và không lây lan qua động tác ho hoặc hắt hơi như các loại virus cúm khác. Điều này lý giải tại sao đường lây truyền người – người của loại virus cúm gia cầm này đến nay vẫn chưa xảy ra.
Hiệp hội quốc tế về bệnh truyền nhiễm ProMED-mail cho rằng ca tử vong vì H5N6 ở Trung Quốc là đơn lẻ và nguy cơ lây truyền từ người sang người là thấp.
Để chủ động phòng, chống, các địa phương tăng cường giám sát, điều tra phát hiện sớm các ổ dịch. Khi phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm A/H5N6 ở người cần thông báo kịp thời tình hình dịch cho ngành y tế để phối hợp giám sát phát hiện.
Ngành y tế cần chú ý giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trên người, đặc biệt nơi có ổ dịch cúm gia cầm. Với trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi nặng, có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm chết thì cần lưu ý lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.
Để đảm bảo an toàn, các hộ chăn nuôi cần tiêm phòng cho gia cầm. Các chủng của virus cúm gia cầm có thể lây nhiễm cho nhiều loại động vật khác nhau, lan truyền nhanh từ trại chăn nuôi này sang trại chăn nuôi khác… Giải pháp tiêu hủy toàn đàn với gia cầm là biện pháp hiệu quả để ngăn chặn sự lan truyền virus từ gia cầm qua người. Ngoài ra, thức ăn từ gia cầm cần được làm sạch và nấu chín kỹ.
(Theo VnExpress)