Yên Bái: Khát vọng đổi đời từ mô hình trồng xen canh cam và chè

0
1015

Cuộc sống bần hàn, trẻ nhỏ không được đầu tư học hành, người già trong nhà không được chăm sóc sức khỏe thường xuyên là niềm day dứt, nỗi đau nhưng cũng là động lực để vợ chồng chị Hà Thị Lan, thôn 9, xã Tân Thịnh, Văn Chấn, Yên Bái quyết tâm thay đổi cách thức canh tác để cải thiện thu nhập cho gia đình.

Trước đây gia đình chị Lan trồng 1 ha chè, giỏi lắm cũng chỉ được gần chục tấn chè tươi, với giá bán là 5.000 đồng/kg, tính ra được vài chục triệu/năm. Quanh năm vất vả cũng không đủ tiền đầu tư cho các con học hành, chăm sóc sức khỏe cho cha mẹ. Thế rồi bố đẻ chị Lan mất đột ngột vì tai biến, bố chồng mất vì đột quỵ, cuộc sống của gia đình chị tưởng như bị đảo lộn và lâm vào bế tắc hoàn toàn. Khó khăn lại chồng chất khó khăn, làm thế nào để 2 đứa con có đủ điều kiện học hành, chăm sóc sức khỏe cho 2 người mẹ già, ý nghĩ ấy cứ quẩn quanh trong tâm trí của vợ chồng chị.

Sau những ngày đau buồn, không đầu hàng số phận, vợ chồng chị quyết tâm phải đứng vững để còn làm tốt vai trò người con, làm tốt vai trò của người cha, người mẹ, làm điểm tựa cho gia đình.

Sau đó, chị Lan có dịp được tham dự khóa tập huấn do Liên minh hợp tác xã tỉnh tổ chức cho phụ nữ xã Tân Thịnh (Văn Chấn) về kỹ thuật trồng cam – loại cây mũi nhọn của địa phương và được chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về mô hình trồng xen canh cam với các loại cây, các gương điển hình phát triển kinh tế theo mô hình trồng xen canh trong và ngoài tỉnh. Sau khóa tập huấn, chị suy nghĩ và bàn bạc với chồng tận dụng mảnh đất của gia đình để cải tạo, dần thực hiện kế hoạch sản xuất để nâng cao thu nhập, trồng xen canh cam và chè thay vì chuyên canh cây chè.

Ban đầu, vợ chồng chị cũng do dự, sợ trồng cam không thành lại làm hỏng cả chè thì mất hết nguồn thu của gia đình. Song sự eo hẹp về kinh tế, những khó khăn của gia đình thôi thúc, cuối năm 2016, vợ chồng chị quyết tâm, mạnh dạn bỏ ra 10 triệu đồng mua giống cam về trồng thử trên 5.000m2 đất canh tác, xen canh với cây chè. Mới trồng, cam lên xanh tốt, những tưởng như vậy là khó khăn đã được giải quyết nhưng ngày qua ngày, cam có dấu hiệu úa vàng, sinh trưởng kém và chết gần một nửa diện tích.

Khó khăn trăm bề nhưng vợ chồng chị không bỏ cuộc, quyết tâm đầu tư thời gian, công sức, đi tới các hộ có kinh nghiệm trồng cam trên địa bàn học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ khó khăn của gia đình. Nhờ đó, vợ chồng chị tìm ra nguyên nhân cam nhà mình sinh trưởng kém do mật độ cây trồng chưa đảm bảo, lượng phân bón cũng như cách bón phân chưa phù hợp.

Chị Hà Thị Lan chia sẻ: “Mới trồng cam chúng tôi sốt ruột cứ nghĩ bón nhiều phân cho cây mau lớn, tháng nào vợ chồng tôi cũng bón phân cho cây nhưng hỏi những người có kinh nghiệm mới biết cam mới trồng chỉ cần bón phân thúc 4-5 lần/năm vào các tháng 2, 4, 6, 10 và tháng 12. Lượng phân chia đều trong các lần bón.”

Tìm được nguyên nhân, vợ chồng chị quyết tâm đầu tư trồng lại những gốc cam chết nhưng trong nhà lúc đó lại không còn tiền, chị Lan quyết định đi vay nhóm tiết kiệm và vay vốn thôn bản của hội Phụ nữ mà chị là hội viên, được 5 triệu đồng về đầu tư mua giống trồng dặm lại, cứ 2 hàng chè thì trồng xen một hàng cam. Đến nay, gia đình anh chị  đã có 1ha đất trồng xen canh cam và chè, 600 gốc cam đã bắt đầu cho thu hoạch, chè nhờ vào dưỡng chất đầu tư cho cây cam nên cũng cho năng suất, chất lượng cao hơn.

Chị Lan đang hái chè trong vườn trồng xen canh cam và chè của gia đình

Chị Lan cho biết: “Giá trị thu được từ việc trồng xen canh cam và chè tăng nhiều so với chuyên canh cây chè. Cam nhà tôi khi đến tuổi thu hoạch đại trà thu được khoảng 200 triệu/năm, chè thu hoạch 6 tháng/năm cũng được gần 100 triệu đồng”

Chị Lan cũng tâm sự thêm: Nhờ thành công trong việc trồng xen canh cam và chè, vợ chồng tôi có điều kiện tốt hơn để quan tâm, chăm sóc gia đình. Con trai lớn của chúng tôi vừa đỗ khoa xây dựng của trường Đại học Kiến trúc, con trai út đang học lớp 5, mẹ chúng tôi có điều kiện để khám bệnh định kỳ nên sức khỏe cũng tốt hơn.”

Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia