Yên Bái không tái đàn lợn bằng mọi giá

0
730

Để tái đàn và chăn nuôi an toàn, tỉnh Yên Bái chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy định và hướng dẫn trong việc chăn nuôi lợn…

Không tái đàn lợn bằng mọi giá.

Do tác động của dịch tả lợn châu Phi, hiện nay, giá lợn hơi tăng cao khiến nhiều người chăn nuôi ở Yên Bái nóng lòng tái đàn sau dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, theo chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh Yên Bái, việc tái đàn, phát triển chăn nuôi trong thời điểm dịch chưa được khống chế hoàn toàn chỉ được thực hiện ở các hộ, các cơ sở chăn nuôi lợn áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và tái đàn trong các cơ sở chăn nuôi an toàn chưa xảy ra dịch bệnh.

Gần một năm bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát, ở tỉnh Yên Bái tổng số lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy đến thời điểm này là hơn 28.000 con, trọng lượng gần 1.300 tấn. Tổng số tiền tỉnh hỗ trợ thiệt hại cho các hộ chăn nuôi, hỗ trợ cho người tham gia phòng chống dịch là trên 54 tỷ đồng.

Tại tỉnh Yên Bái hiện đã có gần 110 xã qua 30 ngày không có thêm lợn mắc bệnh, công bố hết dịch. Đáng chú ý là có 16 trang trại, cơ sở chăn nuôi lợn ở Yên Bái vẫn an toàn, không mắc dịch tả lợn châu Phi. Đây là những trang trại, cơ sở áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn.

Hiện việc tái đàn, thúc đẩy chăn nuôi đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong và sau Tết Nguyên đán là một việc làm cần thiết. Tuy nhiên, để tái đàn và chăn nuôi an toàn, tỉnh Yên Bái chỉ đạo các ngành và các địa phương thực hiện nghiêm các quy định và hướng dẫn trong việc chăn nuôi lợn vào thời điểm này.

Cụ thể, chỉ tái đàn đối với các hộ, các cơ sở chăn nuôi lợn áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và chỉ tái đàn trong các cơ sở chăn nuôi an toàn chưa xảy ra dịch bệnh. Đối với các hộ, các cơ sở chăn nuôi lợn nhỏ lẻ không áp dụng được chăn nuôi an toàn sinh học thì chuyển hướng sang chăn nuôi các loại vật nuôi khác để bù đắp số lượng thịt lợn bị thiếu.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: “Đối với các cơ sở bị dịch và dịch đã qua 30 ngày, công bố hết dịch trên địa bàn thì việc tái đàn phải hết sức cẩn trọng và theo từng đợt. Tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở và sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các xét nghiệm đều âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi thì khi đó mới nuôi tái đàn cho đủ quy mô cần nuôi”.

Nguồn: Theo VOV