Yên Bái: Mở rộng cơ hội cho các HTX nông nghiệp phát triển

0
533

         Trong điều kiện hội nhập hiện nay, để mở rộng cơ hội cho HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, con đường tất yếu là xây dựng những HTX kiểu mới, liên kết mạnh mẽ với doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị, góp phần bảo đảm hiệu quả sản xuất.

HTX Nông nghiệp Minh Bảo là HTX hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp; Sản phẩm mật ong đa hoa tự nhiên của HTX được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận OCOP đạt 3 sao

 

          Đến tháng 11 năm 2020, tỉnh Yên Bái có 496 HTX, trong đó HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là 299, chiếm hơn 60% tổng số HTX trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, nhiều mô hình HTX nông, lâm nghiệp vừa cung cấp dịch vụ, vừa tổ chức nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm, sản xuất rau an toàn, trồng và bảo tồn, phát triển cây dược liệu…được thành lập. Các HTX đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến; thực hiện nhiều dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thành viên và nhân dân như: Cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bao tiêu một phần sản phẩm đầu ra cho nông dân (quế, chè, gỗ, măng tre,…), các dịch vụ sau thu hoạch, chế biến….Thông qua các khâu dịch vụ, các HTX nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân tiến hành sản xuất, gieo cấy, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa.

        Với gần 9.000 thành viên, trên 5.000 lao động làm việc thường xuyên trong HTX, hiện doanh thu của HTX trong lĩnh vực nông nghiệp khoảng 1.480 triệu đồng/HTX; lãi bình quân khoảng 330 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân người lao động khoảng 3,5 – 4,5 triệu đồng/người/tháng.

HTX Thanh Long ruột đỏ Minh Quân, huyện Trấn Yên được thành lập tháng 7, năm 2020 với ngành nghề kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng cây ăn quả Thanh Long ruột đỏ, nhân và chăm sóc giống cây, hoạt động dịch vụ trồng trọt)

 

         Tuy nhiên, theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, số hợp tác xã nông, lâm, ngư nghiệp hoạt động hiệu quả cũng chỉ chiếm khoảng 55% các HTX trong lĩnh vực. Tỷ lệ các HTX trong lĩnh vực này hoạt động kém hiệu quả còn cao trên 40%, đa phần số HTX này được thành lập trước khi có Luật HTX năm 1996 và hầu hết đã tạm ngừng hoạt động nhưng chưa giải thể được do còn vướng mắc về tài sản, vốn và nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

        Chính vì vậy, trong giai đoạn vừa qua, Tỉnh Yên Bái đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát về phát triển Kinh tế tập thể, HTX, chú trọng việc phát triển các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, củng cố các HTX nông nghiệp hoạt động yếu kém bằng những giải pháp căn cơ sau:

           Thứ nhất: Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách đối với HTX nông nghiệp

Tổ chức bộ máy và cán bộ quản lý nhà nước của tỉnh đối với HTX trên địa bàn tỉnh nói chung đã được kiện toàn và thực hiện bài bản từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Về tổ chức bộ máy và cán bộ quản lý nhà nước đối với HTX nông nghiệp, tỉnh đã thành lập Chi cục Phát triển Nông nghiệp nông thôn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN &PTNT) để theo dõi, quản lý các HTX nông nghiệp. Ở cấp huyện giao phòng NN &PTNT theo dõi, phụ trách các HTX nông nghiệp. Chế độ báo cáo và phân loại HTX nông nghiệp được thực hiện theo Thông tư 09/2017/TT-BNNPTNT hướng dẫn phân loại, tiêu chí và phương pháp đánh giá HTX nông nghiệp; Thông tư 06/2019/TT-BNNPTNT ngày 19/7/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hoạt động đặc thù, chế độ báo cáo đối với HTX nông nghiệp.

        Thứ hai: Về cơ chế, chính sách: Giai đoạn 2018-2020, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo về phát triển Kinh tế tập thể, HTX, như:  Đề án củng cố, phát triển HTX, THT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển KTTT giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch phát triển Kinh tế tập thể hàng năm và giai đoạn… Trong đó, tỉnh Yên Bái đã ban hành chính sách đặc thù đối với các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh, đó là: Hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao nhận thức, hỗ trợ nguồn nhân lực có trình độ về làm việc tại HTX; hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ; hỗ trợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ thành lập mới HTX, tổ hợp tác; vốn, quỹ… Đặc biệt, trong năm 2019, tỉnh đã triển khai Chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho các HTX nông nghiệp theo Thông tư số 15/2016/TT-BNNPTNT về hướng dẫn điều kiện và tiêu chí thụ hưởng hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với HTX nông nghiệp, với 22 dự án đã được triển khai hỗ trợ cho 18 HTX nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, tổng số kinh phí là trên 94 tỷ đồng.

       Thứ ba: Về phát triển sản phẩm OCOP: Tỉnh đã ban hành Quyết định số 1158/QĐ-UBND ngày 01/7/2019 về việc phê duyệt đề án ”Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu phấn đấu năm 2020, tỉnh sẽ phát triển 75 sản phẩm OCOP, giai đoạn 2020-2025, phát triển/nâng cấp 30 sản phẩm, trong đó: Nâng cấp 20 sản phẩm thế mạnh và phát triển thêm 10 sản phẩm mới. Giai đoạn 2026-2030, phát triển từ 60-80 sản phẩm, trong đó 25-30 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3-5 sao cấp tỉnh, lựa chọn và đầu tư phát triển 3-5 sản phẩm cấp quốc gia. Trong đó, trên 65% sản phẩm là của các HTX nông nghiệp, bao gồm đầy đủ cây, con chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh như: cam, bưởi, miến, gạo, măng tre bát độ, chè Shan tuyết, gà đen, lợn bản địa, thịt trâu sấy, một số sản phảm cá hồ Thác Bà…hiệu quả của Chương trình OCOP của tỉnh hướng tới tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao và thương hiệu ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, hình thành các tổ chức kinh tế OCOP dưới dạng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, Tổ hợp tác đăng ký kinh doanh, góp phần tạo thêm nhiều việc làm ở khu vực nông thôn.

      Thứ tư: Đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý nhà nước và HTX

Hàng năm, UBND tỉnh Yên Bái giao kinh phí và chỉ tiêu hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho Liên minh HTX tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX và thành viên theo Ðề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mỗi năm đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo nghề cho hàng ngàn lượt cán bộ, thành viên HTX nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng. Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái đã triển khai, thực hiện việc hỗ trợ đưa cán bộ trẻ về làm việc tại HTX theo nội dung Đề án củng cố, phát triển HTX, THT giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1218/QĐ-UBND ngày 03/7/2017. Đến nay, đã hỗ trợ 23 cán bộ trẻ có trình độ từ cao đẳng trở lên về làm việc tại các HTX nông nghiệp.

         Thứ năm:Tỉnh Yên Bái đề xuất với Chính Phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT: Hằng năm bố trí kinh phí tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đối tượng là cán bộ quản lý nhà nước cấp tỉnh về Kinh tế tập thể, HTX. Bố trí nguồn kinh phí riêng để đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý HTX nông nghiệp. Đồng thời, quan tâm bố trí kinh phí thực hiện xây dựng và nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp địa phương.

        Có thể thấy, với những cơ chế, chính sách phù hợp, tỉnh Yên Bái đã tạo động lực cho các HTX nông nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, đóng góp quan trọng vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh./.