Yên Bái: Tái đàn có kiểm soát và bảo đảm an toàn sinh học

0
781

Gần đây, giá lợn hơi trong tỉnh tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, khiến các hộ chăn nuôi phấn khởi và nóng lòng muốn tái đàn. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, người chăn nuôi nên thận trọng khi tái đàn. Việc tái đàn cần phải có kiểm soát và theo hướng an toàn sinh học, bởi dịch bệnh vẫn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp.

Nhiều hộ dân có lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn Châu Phi hiện nay chưa đủ điều kiện để tái đàn

Tại các địa phương trong tỉnh, giá lợn hơi trung bình đang ở mức trên 60.000 đồng/kg. Với giá bán hiện nay, người chăn nuôi lợn lãi tiền triệu/1 con lợn. Cùng với lợn thương phẩm, giá lợn giống đang ở mức trên dưới 1 triệu đồng/con, tăng gần gấp ba so với thời điểm cách đây 2 tháng. Giá lợn tăng cao đột biến, trong khi tết Nguyên đán đang cận kề, nên người chăn nuôi nóng lòng muốn tái đàn.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, trong bối cảnh trên địa bàn vẫn còn 87 xã ở tất cả các địa phương có bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) chưa qua 30 ngày; các địa phương còn lại đều nằm trong vùng uy hiếp, giám sát dịch bệnh, đặc biệt là mầm bệnh, vẫn còn lưu hành, dẫn tới nguy cơ cao tái phát ổ dịch mới; do đó, người chăn nuôi không nên nóng vội tái đàn ở thời điểm này.

Các cơ sở chăn nuôi khép kín theo hình thức tự sản xuất con giống tại chỗ (nuôi lợn nái, lợn đực giống và nuôi lợn thịt), đồng thời áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh thì có thể bổ sung, tái đàn.

Ông Nguyễn Chí Thanh ở thôn Cao 1, xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn cho biết: “Gia đình tôi chăn nuôi quy mô lớn trong chuồng lúc nào cũng có trên 150 con lợn thịt, 31 lợn nái và 1 con lợn đực giống nên mặc dù xã có BDTLCP nhưng đàn lợn nhà tôi vẫn khỏe mạnh, an toàn. Nhờ áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học nên gia đình bảo đảm đủ con giống để gối đàn liên tục”.

Ngành chuyên môn khuyến cáo đối với các địa phương qua 45 ngày mà không phát sinh dịch bệnh, đủ điều kiện an toàn vệ sinh thì nghiên cứu, xem xét, cân nhắc việc tái đàn lợn và nên thực hiện với tỷ lệ 10% ban đầu; sau một tháng thấy không có các biểu hiện của bệnh thì mới tái đàn với số lượng lớn. Khi tái đàn, người chăn nuôi phải tăng cường vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc.

Cùng với đó, thúc đẩy hình thức liên kết chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ các nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra và tiêu thụ. Việc tái đàn lợn là có thể nếu các địa phương giám sát chặt chẽ và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn sinh học. Khi tái đàn, người chăn nuôi phải thực hiện khai báo với chính quyền địa phương.

Sau đó, chính quyền địa phương phải đến trực tiếp cơ sở kiểm tra, nếu đảm bảo yêu cầu thì mới cho phép tái đàn; đồng thời, phải giám sát rất chặt chẽ và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn sinh học. Phải sử dụng con giống chất lượng, rõ nguồn gốc, tuyệt đối không sử dụng con giống trôi nổi trên thị trường, không có xác nhận của ngành chức năng và hạn chế chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ.

Ông Đàm Duy Đức – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để tái đàn phải đảm bảo các điều kiện: lợn khỏe mạnh, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc; có kết quả âm tính với BDTLCP. Cơ sở nhập lợn về nuôi phải đảm bảo an toàn dịch bệnh hoặc được tham gia giám sát dịch bệnh hoặc thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đối với các trường hợp tái đàn không đúng quy định làm lây lan dịch bệnh sẽ buộc tiêu hủy và bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật Thú y và Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y”.

Hiện nay, BDTLCP vẫn chưa có vắc – xin và vẫn chưa được khống chế; do đó, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại là rất cao. Trên thực tế, đến nay có 24 xã, phường trong tỉnh có BDTLCP qua 30 ngày nhưng vẫn phát sinh trở lại. Do đó, nếu tái đàn ồ ạt, không kiểm soát sẽ dẫn đến bùng phát dịch bệnh, cùng đó là không kiểm soát được cung cầu. Người chăn nuôi nên thận trọng tái đàn, cần áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học và đây được coi là giải pháp số một để bảo vệ đàn lợn trước BDTLCP.

Nguồn: Báo Yên Bái.