CTTĐT – Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái, qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cho thấy, tình hình vi phạm trong kinh doanh hàng cấm, nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn xảy ra. Tháng 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã xử lý 59 vụ, giảm 61 vụ so với tháng 1/2019 và giảm 37 vụ so với cùng kỳ năm 2018.
Lực lượng chức năng bắt giữ nhiều kg pháo lậu
Tổng giá trị thực hiện đạt trên 226 triệu đồng. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là quần áo, giầy dép, bánh, kẹo, nước giải khát, nông sản, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm, đồ điện tử, hàng sắt, thuốc lá điếu nhập lậu. Trong đó xử lý: 8 vụ vi phạm về kinh doanh hàng nhập lậu, 4 vụ vi phạm về buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng cấm kinh doanh; 12 vụ vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; 27 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá, đầu cơ găm hàng…
Điển hình như ngày 16/1/2019, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 phối hợp với Đội CSGT số 4 – Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Yên Bái kiểm tra xe ô tô tải biển kiểm soát 21D-001.40 do ông Nguyễn Văn Thọ, địa chỉ tổ 3, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái là lái xe kiêm chủ hàng điều khiển. Qua kiểm tra phát hiện trên xe có 44 chai dầu nhờn không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp và có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Qua xác minh làm việc, đã xác định toàn bộ số hàng hóa trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu HONDA. Đội đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt đối với ông Thọ về hành vi bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu với số tiền xử phạt 6 triệu đồng, buộc tiêu hủy số hàng hóa trên ước trị giá 2,8 triệu đồng.
Ngày 16/1/2019, Đội QLTT số 5 phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra xe ô tô tải biển kiểm soát 20B-004.30 do ông Nguyễn Hữu Huân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên điều khiển, trên xe đang vận chuyển 265 chiếc quần áo, 60 đôi giày, 72 bộ đồ chơi, 360kg nho khô do Trung Quốc sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Quá trình làm việc, xác minh lô hàng hóa trên của 2 chủ hàng là ông Nguyễn Văn Thi và ông Nguyễn Văn Tài, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Đội đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 chủ hàng trên về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu với số tiền 12 triệu đồng, tịch thu bán sung công quỹ nhà nước toàn bộ số hàng trên trị giá gần 30 triệu đồng.
Ngày 21/1/2019, Đội QLTT số 7 phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra cơ sở kinh doanh Tuấn Nhung do ông Lương Quốc Tuấn làm chủ, địa chỉ tại phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái. Tại cửa hàng, đoàn đã kiểm tra phát hiện mặt hàng bánh kẹo gồm: 1.571 gói bim bim, bánh, kẹo và 7kg thạch, 16 lon nước giải khát đã hết hạn sử dụng. Đội đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt đối với ông Tuấn về hành vi kinh doanh hàng hóa là thực phẩm quá hạn sử dụng. Phạt hành chính với số tiền 5 triệu đồng, buộc tiêu hủy số hàng hóa trên theo quy định, giá trị hàng tiêu hủy trên 9,6 triệu đồng.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2019, Cục QLTT Yên Bái đã kiểm tra 250 vụ, xử lý 214 vụ vi phạm trong kinh doanh hàng cấm, nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; phạt hành chính trên 252,5 triệu đồng; bán hàng tịch thu gần 180 triệu đồng; trị giá hàng tiêu hủy trên 89 triệu đồng.
Công tác phối hợp với các ngành, các địa phương trong việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh, buôn bán được thực hiện khá tốt, qua đó đã phát hiện, nhắc nhở và xử lý nhiều cơ sở vi phạm, góp phần đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Thời gian tới, Cục QLTT tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đội QLTT tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng hết hạn sử dụng, kém chất lượng; phối hợp với các lực lượng chức năng khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch lở mồm long móng gia súc; xử lý nghiêm, triệt để vụ việc vi phạm, không để việc buôn bán, vận chuyển lợn bị bệnh lở mồm long móng ra vùng lân cận; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển các loại động, thực vật hoang dã quý, hiếm.