Yên Bái thực hiện Luật Hợp tác xã 2012 – những đòi hỏi từ thực tiễn – Bài 1: Những chuyển động từ kinh tế hợp tác

0
646

Hợp tác xã (HTX) kiểu mới là các HTX thực hiện theo Luật HTX 2012. Thực tế tại Yên Bái, nhiều mô hình HTX kiểu mới nổi bật, điển hình với cách làm mới, phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị đã hình thành và phát triển, kinh doanh hiệu quả, thay vì HTX kiểu cũ vốn chỉ là nơi xã viên đến “đánh trống, ghi tên”.

Lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Yên Bái thăm khu chế biến măng tre Bát độ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình. (Ảnh: K.T)

Lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Yên Bái thăm khu chế biến măng tre Bát độ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình. (Ảnh: K.T)

 

 

Luật Hợp tác xã (HTX) 2012 được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013 và bước đầu đã làm thay đổi nhận thức trong hệ thống chính trị và người dân về vai trò quan trọng của phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX trong các thành phần kinh tế của nền kinh tế quốc dân.
Sau 10 năm thực hiện Luật HTX 2012, KTTT mà nòng cốt là các HTX trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực về cả lượng và chất; đồng thời, khẳng định vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Nhiều mô hình HTX nổi bật, điển hình với cách làm mới, phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị đã hình thành và kinh doanh hiệu quả.
“Làn gió mới” từ các HTX kiểu mới
HTX kiểu mới là các HTX thực hiện theo Luật HTX 2012. Đây cũng là cách để phân biệt với các HTX kiểu cũ từng biết đến như “HTX ghi danh” vốn chỉ là nơi xã viên đến “đánh trống, ghi tên”. HTX Nông nghiệp hữu cơ Mù Cang Chải là một trong số điểm sáng trong phát triển HTX kiểu mới trên địa bàn vùng cao Mù Cang Chải. Được thành lập từ năm 2018, với 13 thành viên.
Đúng như tên gọi, ngay khi thành lập, HTX lựa chọn phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Thông qua HTX, người dân liên kết khai thác về điều kiện tự nhiên, sản phẩm chủ lực của địa phương, góp vốn, góp sức để tổ chức sản xuất.
Đến nay, HTX có gần 4 ha rau màu xen canh cây ăn quả theo hướng hữu cơ; chăn nuôi 20 lợn nái. Cùng đó, phối kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ cao trong nông lâm nghiệp thuộc Trường Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên trồng thử nghiệm 0,3 ha cây dược liệu và bước đầu đã tạo nên mô hình trồng trọt, chăn nuôi khép kín tập trung, tạo ra được một số sản phẩm có giá trị thương mại như: dưa nương của người Mông, quả su su, bí ngô, khoai sọ nương, bắp cải trái vụ… được thị trường ưa chuộng.
Lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh thăm mô hình sản xuất rau an toàn của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Mù Cang Chải.  
Bà Bùi Thị Hồng – Giám đốc HTX cho biết: “Hiện, HTX tạo việc làm thường xuyên cho 10 thành viên và nhiều lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 – 6 triệu  đồng/người/tháng; tạo trên 1.000 ngày công lao động thời vụ cho đồng bào Mông trên địa bàn với mức thu nhập 200.000 đồng/công, góp phần tích cực trong xóa đói, giảm nghèo tại địa phương”.
Bên cạnh trở thành “bà đỡ” cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực có quy mô lớn và sức lan tỏa. Trong số này, phải kể HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận ở xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn.
Được thành lập năm 2004, với 12 xã viên, vốn điều lệ 800 triệu đồng, ngành nghề chính là thu mua, chế biến chè xanh, chè đen các loại. Sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012, thành viên HTX đã tăng lên trên 54 người, vốn điều lệ là 3,9 tỷ đồng. HTX đã mạnh dạn đầu tư 2 nhà máy với 2 dây chuyền sản xuất chè đen Orthodox công suất 30 tấn chè búp tươi/ngày, 1 dây chuyền chế biến chè xanh công suất 10 tấn/ngày và nhiều trang thiết bị hiện đại sản xuất chế biến chè xuất khẩu, tạo việc làm mới cho gần 100 lao động có thu nhập ổn định.
Ông Đỗ Văn Lừng – Giám đốc HTX cho biết: “Vào HTX, các thành viên và hộ liên kết được hoạch định chiến lược phát triển, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu đầu ra. Để phát triển vùng nguyên liệu bền vững, HTX đã tiến hành ký hợp đồng cung cấp dịch vụ và bao tiêu sản phẩm với từng thành viên và các hộ dân liên kết với giá cao hơn từ 300 – 500 đồng/kg”.
Nhờ mạnh dạn đổi mới công nghệ tìm kiếm đối tác, chú trọng chất lượng nguồn nguyên liệu, sản phẩm của HTX không chỉ khẳng định chỗ đứng tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu thành công đến nhiều thị trường khó tính như: Nga và Hoa Kỳ.
Doanh thu HTX năm sau cao hơn năm trước, tạo việc làm thường xuyên, có thu nhập ổn định cho các thành viên và hàng nghìn người lao động gián tiếp trên địa bàn xã Bình Thuận và các xã lân cận của huyện Văn Chấn, Trấn Yên với thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt 6,5 – 7 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 60% so với khi chưa chuyển đổi (năm 2014).
Bên cạnh đó, nhiều HTX trở thành mắt xích quan trọng để nông dân liên kết với doanh nghiệp làm tăng dịch vụ và tăng doanh thu. Trong đó, phải kể đến mô hình liên kết giữa HTX Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca, huyện Trấn Yên với Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình.
Ông Hà Văn Lâm – Giám đốc HTX cho biết: “Với lợi thế nằm trong vùng nguyên liệu tre măng Bát độ của tỉnh, năm 2018, HTX đã mở rộng sản xuất, kinh doanh, ký hợp đồng với Công ty cổ phần Yên Thành sơ chế măng tre Bát độ, vận hành chưng cất tinh dầu quế đảm bảo hiệu quả, tăng doanh thu cho HTX”.
Chính nhờ sự liên kết này, 3 năm trở lại đây doanh thu hàng năm của HTX đạt trên 3 tỷ đồng, lợi nhuận 500 – 600 triệu đồng. HTX giải quyết việc làm trực tiếp tại nhà máy cho gần 20 lao động với mức lương bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng, bao tiêu sản phẩm măng tre Bát độ, cành lá quế cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn xã Hồng Ca và các xã lân cận. Sự liên kết đầu tư theo chuỗi giá trị của HTX đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc tại địa phương.
Hạt nhân quan trọng phát triển “tam nông”
Theo Liên minh HTX tỉnh, ước đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 590 HTX, tăng 83,2% so với 01/7/2013; trong đó, có 550 HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012; 40 HTX ngừng hoạt động, chưa chuyển đổi tổ chức theo Luật HTX.
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, chất lượng các HTX thành lập mới và tổ chức lại đã từng bước được nâng lên, thành viên đã nhận thức được nhu cầu và mục đích tham gia HTX; tình trạng “HTX toàn dân” vốn chỉ là nơi xã viên đến “đánh trống, ghi tên” dần loại bỏ, tính dân chủ trong HTX ngày càng thể hiện rõ nét, hội đồng quản trị đã xây dựng quy chế hoạt động; trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
Đặc biệt, từ khi Luật HTX 2012 có hiệu lực cùng với chính sách hỗ trợ phát triển của tỉnh như: hỗ trợ về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới, thành lập mới, tổ chức lại hoạt động của HTX… đã tạo được nguồn lực hỗ trợ cho KTTT, HTX phát triển.
Nhiều mô hình HTX nổi bật, điển hình với cách làm mới, phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị đã hình thành và phát triển, kinh doanh hiệu quả như mô hình sản xuất chè đen thành phẩm xuất khẩu của HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, HTX Vạn Hoa (Văn Chấn); mô hình sản xuất quế hữu cơ xuất khẩu của HTX Quế Hồi Việt Nam; mô hình sản xuất măng tre Bát độ của các HTX tại huyện Trấn Yên; mô hình chưng cất tinh dầu quế và sả của các HTX ở huyện Văn Yên và huyện Trạm Tấu; mô hình chăn nuôi gà của HTX Dịch vụ tổng hợp MQ và nhiều mô hình sản xuất các sản phẩm thế mạnh, đặc sản của tỉnh. Khu vực KTTT gồm HTX, tổ hợp tác (THT) của tỉnh đã thu hút gần 60.000 thành viên tham gia.
Các HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 9.000 lao động, với thu nhập bình quân 4,0 đến 5,0 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh giải quyết việc làm đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương, các HTX còn là hạt nhân quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các HTX đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị; nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã thay đổi tư duy, sáng tạo, lựa chọn sản phẩm của mình theo hướng đi riêng, đặc thù gắn với Chương trình OCOP của tỉnh.
Đến hết năm 2020, có  khoảng trên 60% HTX hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên và đã có trên 70% số sản phẩm của các HTX được xếp hạng OCOP 3 sao đến 4 sao (tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh là 83 sản phẩm).
Đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 130/150 xã đã hoàn thành tiêu chí số 13 (xã có HTX hoạt động hiệu quả) đạt 86,7% số xã, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên toàn tỉnh là 75 xã, chiếm 50% số xã.
Chủ tịch Liên Minh HTX tỉnh – Đỗ Nhân Đạo đánh giá: các HTX kiểu mới góp phần tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp; kinh tế HTX đã có bước phát triển mới về số lượng, chất lượng hoạt động được nâng cao, ngành nghề kinh doanh đa dạng với nhiều loại hình dịch vụ đã thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.
Hơn nữa, HTX đã tích cực, chủ động liên doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Nhiều HTX chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, đề án về tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tham gia, đóng góp tích cực vào các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM; phối hợp giải quyết các vấn đề xã hội… Hoạt động của HTX, tổ hợp tác góp phần quan trọng phát triển văn hóa cộng đồng, đề cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương trợ trong cuộc sống, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Ước đến 31/12/2021, doanh thu bình quân của HTX đạt 2,1 tỷ đồng, tăng 20% so với 01/7/2013; lợi nhuận bình HTX ước đạt 430 triệu đồng/HTX, tăng 9,9 lần so với 01/7/2013; thu nhập bình quân của HTX đạt 60 triệu đồng/người/năm; các HTX đóng góp vào ngân sách Nhà nước đạt khoảng 40,0 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với 01/7/2013.
Nguồn: Liên minh HTX tỉnh

 

 

PV Văn Thông: Báo Yên Bái