YÊN BÁI VỚI CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂNG ĐỘNG, HIỆU QUẢ, BỀN VỮNG

0
667

Kỳ 1:

DUY TRÌ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH,

CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI DỊCH COVID-19

 

Một số sản phẩm OCOP 3 sao của các HTX được UBND tỉnh công nhận năm 2020

 

 

Vừa qua, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả Kinh tế tập thể tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo lần thứ 30 để sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021.Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát gây tác động đến phát triển kinh tế – xã hội, đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân; song, cùng với quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự cố gắng của các ngành, cộng đồng doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế;các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, các doanh nghiệp thành viên đã phát huy nội lực, duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động, linh hoạt ứng phó với dịch COVID-19, góp phần cùng tỉnh Yên Bái thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”.

 Đóng góp vào kết quả thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm, có sự cố gắng, nỗ lực và những kết quả đáng ghi nhận của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong tỉnh.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả Kinh tế tập thể tỉnh Yên Bái, 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã thành lập mới được 685 Tổ hợp tác (tăng 71,25% so với cùng kỳ) và 51 HTX (tăng 59,38% so với cùng kỳ); khu vực kinh tế tập thể đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 79,1 tỷ đồng. Tổng vốn Điều lệ của các HTX đạt 1.328,4tỷ đồng, tổng số thành viên HTXtrên 29.000 thành viên (tăng 11%). Doanh thu bình quân của HTX đạt 945 triệu đồng/HTX (tăng 14,1%); Lợi nhuận bình quân của HTX đạt 195 triệu đồng/HTX (tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2020). Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX 6 tháng đầu năm 2021 đạt 4,65 triệu đồng/người/tháng.Đã đăng ký 07 sản phẩm tiêu biểu của các HTX để hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP trong năm 2021.

Toàn tỉnh có 566 đơn vị tham gia thành viên Liên minh HTX (trong đó, có 449 Hợp tác xã, 13 Tổ hợp tác, 104 Doanh nghiệp). Số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm phần lớn (với 334 HTX hoạt động, khoảng 60% tổng số HTX), còn lại là các HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, giao thông vận tải, Quỹ tín dụng nhân dân và một số lĩnh vực khác…

Toàn tỉnh hiện có 5.126 tổ hợp tác với trên 30.000 thành viên, có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo mối liên kết, hợp tác giữa những cơ sở sản xuất nhỏ với nhau; hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật, thị trường; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên.

Trong 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác; thường xuyên phối hợp với các sở, ngành thành viên, các địa phương triển khai các giải pháp phát triển kinh tế tập thể phù hợp với thực tiễn và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tham mưu, đề xuất với tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phát triển Kinh tế tập thể; tham gia xây dựng các Nghị quyết của tỉnh có liên quan tới khu vực Kinh tế tập thể. Chủ động tư vấn, định hướng và hỗ trợ các HTXtriển khai có hiệu quả các chính sách trên; hỗ trợ thành lập mới, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ vốn, tiếp cận tín dụng; hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng các mô hình HTX kiểu mới liên kết gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Phát huy vai trò tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các HTX thành viên; chủ động, tích cực trong việc giúp đỡ, hướng dẫn các HTX trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ nhiều HTX vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, hỗ trợ làm các sản phẩm OCOP…

Hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực. Nổi bật là: Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Thiên An (Thôn Cây Tre, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình) có 7 chuồng trại với tổng diện tích 2.700m2, chăn nuôi 150 con trâu, bò/ lứa, hàng năm xuất trên 1.000 con trâu, bò thịt ra thị trường; doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm.Tạo việc làm thường xuyên cho 8 – 10 lao động với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Mù Cang Chải (Tổ 1, Thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải), thành lập năm 2018 với 9 thành viên; được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ mô hình đổi mới khoa học công nghệ và hỗ trợ cán bộ trẻ về làm việc tại Hợp tác xã; kết nối với Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam hỗ trợ đề tài khoa học về phục hồi, phát triển lợn Mán (lợn bản địa) với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng… Diện tích trồng trọt của HTX là 6 ha (với các sản phẩm chủ yếu là rau, củ, quả các loại), sản lượng khoảng 30 đến 40 tấn/năm; doanh thu hàng năm đạt 700 đến 800 triệu đồng. Tạo việc làm thường xuyên và lao động thời vụ cho 15 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đến 4,5 triệu/lao động/tháng. Hợp tác xã.

Hợp tác xã Hương Chanh (xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu), thành lập năm 2013 với 8 thành viên và hơn 70 hộ là thành viên liên kết. Ngành nghề chủ yếu là chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm từ gỗ; trồng sả và chưng cất tinh dầu sả.Hợp tác xã đã liên kết và hỗ trợ 100% giống, thuốc kích rễ, hướng dẫn kỹ thuật trồng sả cho trên 70 hộ dân tại hai xã (Bản Mù và Hát Lừu) với diện tích 110 ha. Sản lượng đạt 8 đến 10 tấn tinh dầu sả/năm; doanh thu hàng năm đạt 500 đến 600 triệu đồng/năm. Tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động tại cơ sở sản xuất, với thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/lao động/tháng.

Công ty Cổ phần Yên Thành (Thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình), thành viên của Liên minh HTX.Ngành nghề kinh doanh: Chế biến măng tre Bát Độ; Sản xuất gỗ ván ép. Đã thực hiện liên kết theo chuỗi sản xuất măng tre Bát Độ(với HTX dịch vụ tổng hợp Kiên Thành; HTX dịch vụ tổng hợp  Hồng Ca; HTX tre măng bát độ Hưng Khánh; HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Phúc Lợi…). Sản lượng măng tre Bát Độ đạt 5000 tấn/năm; sản phẩm măng tre Bát Độ được xuất khẩu đi các nước Nhật Bản, Đài Loan.Liên kết theo chuỗi sản xuất gỗ (với HTX Hoàng Nam; HTX dịch vụ tổng hợp Mông Sơn và các tổ hợp tác chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh). Sản lượng gỗ ván ép7.000m3. Sản phẩm gỗ ván ép được xuất khẩu đi các nước Ấn Độ, Hàn Quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong phát triển kinh tế tập thể, HTX thời gian qua, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đó là:Tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể vẫn còn thấp, tỉ lệ đóng góp vào GDP của tỉnh chưa cao. Số lượng HTX tăng nhanh song phần lớn có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, hạn chế về khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Sự gắn kết lợi ích giữa thành viên và HTX còn chưa cao, thiếu tính bền vững. Việc liên kết, liên doanh giữa HTX với các thành phần kinh tế khác còn hạn chế, chưa thực sự hiệu quả. Giá trị sản phẩm xuất khẩu và cạnh tranh trên thị trường còn thấp. Trình độ đội ngũ cán bộ quản lý HTX chưa đáp ứng được yêu cầu trong trong thời kỳ hội nhập kinh tế.

Một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX và việc tháo gỡ khó khăn về vốn, hỗ trợ vốn còn có những khó khăn, vướng mắc, có thời điểm chưa được giải quyết kịp thời. Tuy đã có nhiều cố gắng, song công tác tìm kiếm nguồn lực để hỗ trợ cho Kinh tế tập thể của Liên minh HTX tỉnh chưa đáp ứng với mong đợi của thành viên…

                                                                                   

                                                                                                          Hồng Thanh Tâm