Yên Bái xây dựng mô hình Kinh tế tập thể, HTX tiên tiến, đổi mới, phát triển

0
111

Tính đến tháng 9/2024, toàn tỉnh Yên Bái có 814 HTX với 33.551 thành viên, 5.744 Tổ hợp tác với trên 28.700 thành viên. Doanh thu bình quân của HTX 1.200 triệu đồng/HTX; lãi bình quân 250 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân của lao động trong HTX là 5,4 triệu đồng/người/tháng.

Các HTX trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã phát triển với nhiều hình thức đa dạng, dần thích ứng với những thay đổi của thị trường. Vai trò của Kinh tế tập thể (KTTT) trong thực hiện các chính sách an sinh, xã hội và giảm nghèo các chủ trương về phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới được phát huy tích cực, góp phần xây dựng đời sống văn hóa nông thôn ngày càng phát triển. Các tổ chức KTTT đã từng bước khẳng định được vị trí trong xã hội và là nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo an ninh xã hội, ổn định trật tự ở cơ sở và phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh, qua việc tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho trên 20 ngàn lao động địa phương và nỗ lực nâng cao chỉ số hạnh phúc cho trên 60 nghìn thành viên và người lao động và có đóng góp tích cực vào Ngân sách Nhà nước.

Triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trên địa bàn tỉnh Yên Bái, hàng năm đã thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh hiện có 247 sản phẩm OCOP (25 sản phẩm đạt 4 sao, 222 sản phẩm đạt 3 sao). Theo đó, các tổ chức KTTT là chủ thể chính tham gia Chương trình OCOP của tỉnh với khoảng 160 sản phẩm OCOP từ 3 – 4 sao, chiếm 65% sản phẩm OCOP tỉnh Yên Bái là của các HTX, Tổ hợp tác.

Sản phẩm OCOP 3 sao Cá mương sấy Hồ Thác Bà Hiền Vinh (HTX chế biến nông, lâm sản Tây Bắc Hiền Vinh) được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Yên Bái năm 2023

 

Để tiếp tục nâng cao vai trò và hiệu quả của KTTT, HTX trên địa bàn, mới đây UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch phát triển KTTT, HTX năm 2025 với quan điểm: Phát triển KTTT, HTX phải phù hợp với thực tiễn, các chỉ tiêu, kế hoạch phải khả thi, phù hợp với chỉ tiêu, kế hoạch dài hạn của địa phương. Ngoài các chỉ tiêu số lượng, cần chú trọng các chỉ tiêu phản ánh chất lượng, hiệu quả.

Theo đó, mục tiêu cụ thể năm 2025 trên địa bàn tỉnh thành lập mới 80 HTX trở lên, khuyến khích các HTX xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực, xây dựng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ phát triển; Thành lập 300 Tổ hợp tác (THT) trở lên, khuyến khích các THT đủ điều kiện phát triển thành HTX; 100% HTX thành lập mới được tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật HTX 2023; Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động trong HTX đạt 66 triệu đồng/người/năm trở lên, đối với THT đạt 54 triệu đồng/người/năm, tạo việc làm cho trên 10.300 lao động thường xuyên trong các HTX.

Song song với phát triển về số lượng, tỉnh yêu cầu duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX đảm bảo có 62% trở lên tổng số HTX đang hoạt động đạt từ loại khá trở lên. Đồng thời, xử lý dứt điểm các HTX ngừng hoạt động trên địa bàn.

Ngoài ra, tỉnh cũng đặt mục tiêu 100% thành viên làm công tác quản lý trong các tổ chức KTTT thành lập mới hàng năm được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ; 100% HTX đang hoạt động được tuyên truyền, phổ biến Luật HTX 2023; có 25% trở lên thành viên làm công tác quản lý Hợp tác xã tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở lên trong tất cả các ngành, lĩnh vực.

Bên cạnh đó, tỉnh lựa chọn, hỗ trợ hoàn thiện một số HTX thí điểm và nhân rộng các mô hình HTX chuyển đổi số hoạt động hiệu quả. Đồng thời, phát triển đa dạng và bền vững các mô hình HTX trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn, xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh./.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here