Lần đầu tiên có hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với thanh niên, các mô hình kinh tế tập thể, các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, việc hỗ trợ nguồn lực…. Những chương trình, hành động cụ thể, thiết thực của Tỉnh đoàn Yên Bái thời gian qua để giúp đoàn viên thanh niên tự tin lập thân, lập nghiệp.
Đồng chí Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị đối thoại trực tuyến với thanh niên năm 2022.
ĐỐI THOẠI GIỮA CHỦ TỊCH UBND TỈNH VỚI THANH NIÊN: LẮNG NGHE, TRÁCH NHIỆM, SẺ CHIA
Thực hiện Nghị định số 13 ngày 1/3/2021 của Chính phủ quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, vừa qua, đồng chí Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc đối thoại với thanh niên. Đây cũng là năm đầu tiên UBND tỉnh tổ chức Hội nghị này.
Hội nghị diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn, là hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm phổ biến cho thanh niên những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là cầu nối, diễn đàn giúp thanh niên bày tỏ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng cũng như đề xuất những sáng kiến, kiến nghị liên quan đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm và không khí thảo luận dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với thanh niên trên với chủ đề: “Thanh niên tỉnh Yên Bái với phát triển kinh tế – xã hội, khởi nghiệp, lập nghiệp” đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Đây là tiền đề quan trọng để Hội nghị tiếp tục được tổ chức, trở thành hoạt động thường niên.
Tại Hội nghị, đã có gần 20/40 câu hỏi, thắc mắc của thanh niên tập trung vào 10 nhóm vấn đề: công tác cán bộ, lĩnh vực đào tạo nghề và lao động việc làm; khởi nghiệp, lập nghiệp; chế độ, chính sách; nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên; khoa học công nghệ, thông tin, an ninh mạng… được người đứng đầu chính quyền tỉnh cũng như các cấp, các ngành của tỉnh trả lời cụ thể, thỏa đáng, đáp ứng cơ bản nguyện vọng của thanh niên.
Cụ thể như: giải pháp khai thác hiệu quả nhất những ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên; hướng dẫn thanh niên tiếp cận nguồn vốn, thị trường; việc làm cho thanh niên nông thôn, dân tộc thiểu số vươn lên làm giàu chính đáng; đầu ra cho những sản phẩm của thanh niên…
Hầu hết các nội dung câu hỏi đều thiết thực, sát thực tế, thể hiện rõ tâm tư, nguyện vọng của thế hệ trẻ trong tỉnh trước những vấn đề có tác động trực tiếp đến thanh niên, phong trào thanh niên, đặc biệt là phát huy vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế – xã hội, khởi nghiệp, lập nghiệp.
Lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ với thanh niên các dân tộc trong tỉnh, đồng chí Trần Huy Tuấn nhấn mạnh vào 3 lĩnh vực: phát triển kinh tế – xã hội, khởi nghiệp, lập nghiệp; phát triển thanh niên; phong trào thanh niên và phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Đồng chí yêu cầu, cấp ủy, chính quyền các cấp phải thường xuyên quan tâm chăm lo bồi dưỡng, giáo dục và phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thế hệ trẻ; tạo điều kiện cho thanh niên học tập, phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ Yên Bái, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển.
Các địa phương nghiên cứu, triển khai tổ chức các diễn đàn, hội nghị đối thoại với thanh niên, ưu tiên lựa chọn các chuyên đề sâu như: thanh niên khởi nghiệp; xây dựng gia đình hạnh phúc, thôn, bản, tổ dân phố, xã, phường hạnh phúc; chuyển đổi số; phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương…
Qua đó, để thanh niên có cơ hội giao lưu, bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng và những đề xuất của mình với các cấp, các ngành; được định hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho những ý tưởng khởi nghiệp, những cách làm sáng tạo, hiệu quả để thanh niên có thêm ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Các sở, ban, ngành của tỉnh cần nghiêm túc tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của thanh niên, từ đó nghiên cứu, đề xuất những giải pháp, dự án, đề án phát triển thanh niên trong giai đoạn mới; quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy thanh niên đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong bối cảnh sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số hiện nay.
Tập trung các giải pháp đào tạo thanh niên trở thành lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới; quan tâm động viên, hỗ trợ thanh niên học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, ngoại ngữ, nghề nghiệp; nâng cao năng lực hội nhập…
Được biết, để phát huy tính sáng tạo, khởi nghiệp của tuổi trẻ các dân tộc, trước đó, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu xây dựng thế hệ thanh niên Yên Bái phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có lý tưởng cách mạng; ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa; có trình độ học vấn, nghề nghiệp và việc làm.
Đồng thời, có khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, tiên phong, gương mẫu đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; có tinh thần nhân ái, chia sẻ vì cộng đồng; có ý thức bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc… Có thể thấy, thanh niên đã, đang và sẽ được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nguồn lực con người; phát huy vai trò thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo đi đầu.
Thời gian tới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh sẽ luôn quan tâm, khuyến khích, đồng hành cùng với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế – xã hội. Tin tưởng rằng, thế hệ thanh niên Yên Bái sẽ tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện và nhiệt huyết của tuổi trẻ, không ngừng vươn lên nắm lấy thời cơ và vận hội mới, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, ngày càng xuất hiện thêm nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong thanh niên; nghiêm túc nhìn nhận vai trò, trách nhiệm của mình, chủ động vào cuộc tất cả các phong trào; nhận diện lại bản thân mình để phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu, tư duy đúng, đặt mục tiêu và quyết tâm hành động để thành công.
Mong muốn của lãnh đạo tỉnh cũng như nhân dân các dân tộc Yên Bái là tuổi trẻ các dân tộc trong tỉnh phát huy cao tinh thần sáng tạo, xung kích, tình nguyện vì cộng đồng để góp phần thay đổi vị thế của tỉnh trong tương lai.
Mai Linh
ĐỘNG LỰC ĐỂ THANH NIÊN KHỞI NGHIỆP
Toàn tỉnh hiện có trên 185.000 thanh niên; trong đó, thanh niên trực tiếp tham gia lao động, sản xuất chiếm 76%, bằng 27,1% tổng số lao động toàn tỉnh. Những năm qua, để tạo điều kiện giúp đoàn viên thanh niên (ĐVTN) có động lực vươn lên phát triển kinh tế, cùng với sự quan tâm của tỉnh, Tỉnh đoàn Yên Bái đã triển khai nhiều chương trình, hành động cụ thể, thiết thực, giúp ĐVTN tự tin lập thân, lập nghiệp, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Những tháng đầu năm 2022, Tỉnh đoàn Yên Bái triển khai xây dựng mới 10 mô hình kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác) tại thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Yên, huyện Yên Bình và huyện Mù Cang Chải; xây dựng 3 mô hình du lịch văn hóa cộng đồng do thanh niên làm chủ tại các huyện: Văn Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải.
Mô hình “Vườn ươm thanh niên” của đoàn viên thanh niên thành phố Yên Bái mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để phát huy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phát động, tổ chức Cuộc thi “Ý tưởng, khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên tỉnh Yên Bái lần thứ II năm 2022”, đến nay, nhận được 43 ý tưởng tham gia cuộc thi.
Cùng với đó, Tỉnh đoàn đã tổ chức 3 lớp tập huấn tuyên truyền về kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã, khởi sự kinh doanh; tổ chức tập huấn xây dựng, phát triển mô hình kinh tế tập thể cho hơn 200 ĐVTN tại huyện Mù Cang Chải, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Yên Bình; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 16 hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm tại các trường THPT cho 6.470 học sinh lớp 12, qua đó giúp các em lựa chọn ngành, nghề, việc làm phù hợp sau khi học xong chương trình THPT.
Đặc biệt, để tạo điều kiện giúp ĐVTN có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh còn phối hợp tốt với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân vốn vay cho thanh niên với tổng dư nợ đến 30/5/2022 là trên 713 tỷ đồng.
Thông qua các hoạt động hỗ trợ, đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 1.080 mô hình thanh niên phát triển kinh tế; thành lập được 317 tổ hợp tác, 41 hợp tác xã và 37 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ.
Nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên đã khai thác hiệu quả thế mạnh địa phương, xây dựng, phát triển thành những hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Tiêu biểu như: Hợp tác xã Sản xuất dược liệu Viễn Sơn do đoàn viên Phạm Văn Hậu làm Giám đốc với 15 thành viên tham gia được Huyện đoàn Văn Yên vận động thành lập năm 2019 với nguồn vốn ban đầu 500 triệu đồng, doanh thu hàng năm trên 1 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải thành lập tháng 1/2020 do đoàn viên Giàng A Dê làm Giám đốc đã vận động sáng tạo, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông để phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng Hello Mù Cang Chải đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước; tổ hợp tác phát triển kinh tế du lịch cộng đồng thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình do đoàn viên Lý Thị Sam Sung – chủ homestay Vũ Linh Family sáng lập đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao thu nhập cho đời sống người dân địa phương và quảng bá hình ảnh đẹp về du lịch Yên Bái tới du khách thập phương.
Từ những kết quả đạt được, để tiếp tục phấn đấu đạt được mục tiêu đến năm 2030 có 80% thanh niên được tư vấn hướng nghiệp và việc làm, 60% thanh niên được đào tạo nghề gắn với việc làm; hàng năm ít nhất có 14.000 -15.000 thanh niên được hỗ trợ giải quyết việc làm, 30% số ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên là học sinh, sinh viên được kết nối với doanh nghiệp, được nhận hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp, 100% học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, nghề nghiệp được giáo dục hướng nghiệp… theo Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2030 do UBND tỉnh vừa ban hành, thời gian tới, Tỉnh đoàn Yên Bái sẽ tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để thanh niên đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu khoa học – công nghệ; ứng dụng nhanh những ý tưởng, sáng tạo vào thực tiễn để khởi nghiệp, lập nghiệp.
Đồng thời, tăng cường giới thiệu, chia sẻ các mô hình, cách làm hay, điển hình trong triển khai phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo”, khởi nghiệp, lập nghiệp; hỗ trợ và triển khai các mô hình hiệu quả; kịp thời phát hiện những tài năng trẻ để hỗ trợ, bồi dưỡng, nhân rộng; phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu tạo cơ chế thuận lợi cho thanh niên tham gia đăng ký, đảm nhận, triển khai các chương trình, đề án, dự án về đổi mới khoa học công nghệ, sáng tạo…
QUAN TÂM THỰC HIỆN QUYỀN, LỢI ÍCH CỦA THANH NIÊN
■ Ông Nguyễn Đức Điển – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các cá nhân trong việc xây dựng các mô hình, dự án sản xuất, kinh doanh, hiện nay, tỉnh đã ban hành một số chính sách, đề án mà các bạn thanh niên có thể tiếp cận để xây dựng các mô hình khởi nghiệp như: Nghị quyết số 69 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 – 2025; Đề án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 – 2025…
Cùng với đó, để tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm, các mô hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh nói chung và của thanh niên nói riêng cần phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng được thương hiệu, xúc tiến thương mại.
Do vậy, cần phải nghiên cứu, tập trung vào việc xây dựng mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng sản xuất nông nghiệp VietGAP, hữu cơ gắn với đẩy mạnh công nghiệp chế biến sâu để nâng cao giá trị, tăng sản phẩm; thực hiện các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; áp dụng linh hoạt các hình thức tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là áp dụng chuyển đổi số, minh bạch hóa trong quá trình sản xuất…
|
Do vậy, cần phải nghiên cứu, tập trung vào việc xây dựng mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng sản xuất nông nghiệp VietGAP, hữu cơ gắn với đẩy mạnh công nghiệp chế biến sâu để nâng cao giá trị, tăng sản phẩm; thực hiện các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; áp dụng linh hoạt các hình thức tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là áp dụng chuyển đổi số, minh bạch hóa trong quá trình sản xuất…
■ Ông Lê Văn Lương – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:
Để hỗ trợ, giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học nói riêng và người lao động trên địa bàn tỉnh nói chung, hiện nay, tỉnh triển khai nhiều giải pháp như: kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn vào đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực; trong đó, có các chính sách thu hút sinh viên đại học tốt nghiệp loại khá, giỏi về công tác tại tỉnh thuộc tất cả các lĩnh vực; chỉ đạo các cơ quan liên quan chủ động phối hợp giải ngân kịp thời nguồn vốn vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và nguồn vốn xuất khẩu lao động; khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tiếp cận với thị trường lao động các nước phát triển để tuyển dụng, đưa sinh viên mới ra trường đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài; tăng cường tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh ngay từ khi còn học THCS, THPT…
■ Ông Trần Xuân Tùng – Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Yên Bái:
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh đang triển khai thực hiện cho vay 10 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi. Trong đó, chủ yếu là các chương trình để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; trong số các khách hàng đang vay vốn có nhiều người là ĐVTN.
Để tiếp tục đáp ứng nhu cầu vay vốn của ĐVTN, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng cơ sở phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác quan tâm dành vốn giúp các ĐVTN thực hiện có hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, tự tin khởi nghiệp, lập nghiệp thành công.
■ Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái:
Với mục tiêu trở thành một trong 70 trường đào tạo nghề chất lượng cao của cả nước vào năm 2025 và trở thành một trong những trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao của khu vực, hiện nay, nhà trường đang tăng cường thực hiện các hình thức đào tạo theo địa chỉ, theo nhu cầu, theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp liên kết trong đào tạo, hợp tác nghiên cứu từ công tác xây dựng chương trình, giáo án đến tham gia vào quá trình đào tạo, kiểm tra, đánh giá chất lượng đầu ra của học sinh, sinh viên.
Hiện tại, trung bình mỗi năm, nhà trường đào tạo khoảng trên 3.000 học sinh, sinh viên và hợp tác với trên 20 doanh nghiệp trong và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hàng năm, các học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp, hầu hết đều được nhà trường giới thiệu việc làm và có việc làm ổn định sau đó.
Theo Báo Yên Bái