Nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã

0
296

Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, hoạt động của hợp tác xã (HTX) ngày càng khởi sắc, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế, làm thay đổi bộ mặt nông thôn tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh Hà Giang.

Thanh niên Lý Đức Dân giới thiệu sản phẩm Chè chốt 468 của Hợp tác xã Trồng và chế biến chè Thanh Thủy (Vị Xuyên).

Thanh niên Lý Đức Dân giới thiệu sản phẩm Chè chốt 468 của Hợp tác xã Trồng và chế biến chè Thanh Thủy (Vị Xuyên).

 

 

Theo thống kê của Liên minh HTX Hà Giang, toàn tỉnh hiện có trên 790 HTX với trên 22.100 thành viên và 1.451 tổ hợp tác, với 21.000 thành viên. Các HTX và tổ hợp tác đã phát huy được vai trò trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thúc đẩy sự liên kết giữa các HTX với nhau, giữa HTX với các doanh nghiệp, thành phần kinh tế khác. HTX trên địa bàn tỉnh có nhiều giải pháp, biện pháp khắc phục khó khăn, điều chỉnh kế hoạch sản xuất và có các phương án đối phó với tình hình dịch bệnh, duy trì tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều HTX đã mở rộng được các địa điểm giao dịch, giới thiệu sản phẩm và các điểm bán hàng, phát triển các đại lý phân phối sản phẩm, liên kết để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa với các cá nhân và doanh nghiệp tại địa phương, đồng thời phát triển ra các tỉnh trong cả nước.
Theo đại diện Liên minh HTX tỉnh, trong năm 2022 Liên minh đã tăng cường nắm tình hình, kết hợp kiểm tra, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết một số đề xuất, kiến nghị của thành viên, trực tiếp đến trên 60 HTX, đơn vị thành viên thăm, làm việc. Nhiều HTX thay đổi phương thức bán hàng, các giải pháp như bán hàng trực tuyến thông qua mạng xã hội, liên kết để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa với các cá nhân và doanh nghiệp tại địa phương. Hoạt động của các HTX ngày càng ổn định và có bước phát triển mới, xuất hiện thêm nhiều HTX kiểu mới, liên kết hiệu quả, từng bước khẳng định vai trò, vị trí nòng cốt trong phát triển kinh tế của địa phương.
HTX Trồng và chế biến chè Thanh Thủy, thôn Nà Toong, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) là một mô hình hoạt động rất hiệu quả, anh Lý Đức Dân đại diện HTX Trồng và sản xuất chè Thanh Thủy cho biết: HTX ra đời năm 2020, với 13 thành viên, số vốn ban đầu là 222 triệu đồng. Qua nhiều năm hoạt động đến nay tổng diện tích nguyên liệu của HTX là 150 ha, trung bình mỗi năm bán khoảng 1,8 – 2,5 tấn chè khô, thu nhập một năm khoảng 180 – 230 triệu đồng. HTX còn có sản phẩm Ocop Chè chốt 468 hộp 200 gr, từ đó tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, góp phần ổn định đời sống cho bà con nơi đây. Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư hệ thống máy móc phục vụ sản xuất chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời phát triển thêm dịch vụ, thu hút nhiều khách hàng tiềm năng, khẳng định thương hiệu chè Hà Giang trên thị trường trong nước.
Các HTX trong lĩnh vực Nông – Lâm nghiệp, duy trì tốt các hoạt động cung ứng các dịch vụ đầu vào cho các thành viên phục vụ sản xuất hàng hóa, đồng thời có các giải pháp tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên, tập trung sản xuất các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ tại chỗ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày như sản phẩm rau quả, thực phẩm qua chế biến. Nhóm HTX sản xuất các sản phẩm hàng hóa từ Nông – Lâm sản, sản xuất đồ lưu niệm do nguyên liệu sản xuất bị khan hiếm, lượng tiêu thụ sản phẩm cũng bị sụt giảm, lượng khách du lịch mua hàng hạn chế, chính vì vậy nhiều HTX đã kịp thời điều chỉnh, giảm kế hoạch sản xuất, kinh doanh và thay đổi phương thức bán hàng theo hình thức trực tuyến. Bên cạnh những thành quả đạt được, nhiều HTX có quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp, thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất, nên khả năng cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác còn nhiều hạn chế, chủ yếu tập trung vào các dịch vụ truyền thống nên hiệu quả chưa cao, lợi ích mang lại cho thành viên chưa nhiều.
Để HTX phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò của HTX; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm quản lý và tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh cho cán bộ và thành viên các HTX; tạo điều kiện cho HTX tham gia vào chương trình, dự án phát triển KT – XH của địa phương. Từng bước khẳng định vai trò trong tổ chức sản xuất, kinh doanh mô hình kinh tế tập thể hiệu quả, từ đó đóng góp tích cực cho sự phát triển KT – XH.
Theo VCA.org