Liên kết sản xuất ở vùng trồng dâu, nuôi tằm lớn nhất Yên Bái

0
198

Thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hiện nay ở tỉnh miền núi Yên Bái đã hình thành những sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả cao. Câu chuyện tại vùng trồng dâu, nuôi tằm lớn nhất địa phương này ở huyện nông thôn mới Trấn Yên là một ví dụ.

Thay đổi cách thức nuôi tằm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho bà con nông dân.

Thay đổi cách thức nuôi tằm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho bà con nông dân.

 

 

Toàn xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái) có trên 300 hộ dân trồng dâu nuôi tằm, với tổng diện tích trên 135 ha, tập trung ở các thôn Đồng Sâm, Đồng Danh, Đồng Ghềnh, Đồng Bưởi. Xã cũng đã thành lập được 5 hợp tác xã với 25 tổ hợp tác trong sản xuất. Năm 2022, nhân dân trong xã nuôi trên 300 vòng tằm, sản lượng kén gần 300 tấn, mang lại nguồn thu khoảng 25 tỷ đồng. Cây dâu, con tằm trở thành cây, con chủ lực ở đây.
Nghề trồng dâu nuôi tằm hiện không vất vả như xưa, bởi được áp dụng khoa học, kỹ thuật; các công đoạn sản xuất đều được chuyên môn hóa cao. Anh Nguyễn Văn Tư ở thôn Đình Xây, xã Báo Đáp cho biết, nuôi tằm nói là khó thì cũng rất khó với những người chưa biết: nhưng nếu nắm vững kỹ thuật rồi thì lại rất dễ; điều quan trọng nhất là phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ khu chăn nuôi, đồng thời phải sát sao trong quá trình nuôi để sớm phát hiện tằm có bị bệnh hay không để kịp thời xử lý. Khi chuyển sang cây tằm rất là ổn định về kinh tế, tằm nuôi một năm thì khả năng vượt hơn các loại cây trồng khác tầm gấp ba, gấp bốn lần.
Cũng là hộ có thu nhập khá từ trồng dâu nuôi tằm, bình quân mỗi lần gia đình chị Nguyễn Thị Hải ở thôn Đồng Xây, xã Báo Đáp thu từ 250 đến 300 kg kén. Chị Hải chia sẻ, gia đình đã mạnh dạn áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào trong chăn nuôi, như chuyển từ né tre sang né gỗ vuông, mang lại những hiệu quả thiết thực, rút ngắn thời gian cắm né mà tơ thu được lại rất đẹp và năng suất, sản xuất ra là hợp tác xã bao tiêu ngay. Nếu mà cứ kén đạt như bây giờ thì trồng dâu nuôi tằm hiệu quả hơn là trồng lúa và nhiều loại hoa màu khác.
Ông Trần Đức Tiến, Chủ tịch UBND xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên cho biết: Để mở rộng và phát triển hơn nữa nghề trồng dâu nuôi tằm, thời gian qua, xã đã tích cực chỉ đạo, phân công cán bộ xuống địa bàn hướng dẫn nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; vận động bà con tiến hành trồng cây dâu hữu cơ không sử dụng chất hóa học; đưa máy móc hiện đại vào các quy trình làm đất, làm cỏ cho cây dâu…
Trước đây bà con dân làm theo truyền thống, tự học nhau thế nhưng gần đây thì bà con dân hết sức tích cực trong việc tham gia tập huấn khoa học kỹ thuật và trực tiếp và ứng dụng vào nhà mình. Hộ nào không hiểu là người ta cũng có lên tận chính quyền địa phương đề nghị chính quyền địa phương và cán bộ Trung tâm dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp huyện xuống tận nơi hướng dẫn hộ gia đình trực tiếp tại hộ luôn, ông Tiến nói.
Bên cạnh vận động người dân đổi mới cách thức sản xuất, các địa phương ở Trấn Yên cũng tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn thành lập các Hợp tác xã, Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm. Đây chính là các đầu mối trung gian kết nối giữa hộ nông dân với doanh nghiệp trong thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ông Đặng Quốc Vương, Cán bộ phụ trách kinh tế xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên chia sẻ, Hợp tác xã liên kết với công ty dâu tằm tơ để thu mua toàn bộ kén tằm của các hộ dân thì nó mang lại hiệu quả, đó là cái giá cả thị trường ổn định khác trước đây so với tư thương.
Để tiêu thụ sản lượng kén tằm cho bà con nông dân trong huyện, vừa qua, Dự án nhà máy ươm tơ tự động tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đã được xây dựng trên diện tích 2 ha, với tổng số vốn đầu tư 50 tỉ đồng. Nhà máy do Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái quản lý, đến nay đã cơ bản hoàn thành lắp đặt 2 dàn máy ươm tơ và bắt đầu đi vào hoạt động với công suất 150 tấn tơ/năm, tương đương với 1.100 tấn kén. Sau khi chế biến, các sản phẩm tơ tằm sẽ được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Nhật Bản và các nước khối EU.
Ông Đinh Xuân Trường, Giám đốc Công ty dâu tằm tơ Yên Bái cho biết: Với quy mô thiết kế, nhà máy có thể thu mua toàn bộ số lượng kén của các hộ nuôi tằm trên địa bàn huyện Trấn Yên thông qua việc ký hợp đồng với các hợp tác xã và thương lái với giá ổn định (hiện đang từ 170 – 180 nghìn đồng/kg). Ngoài ra, công ty còn là đơn vị kết nối, giới thiệu các đơn vị cung ứng trứng tằm giống, vật tư nuôi tằm cho các hợp tác xã và các hộ nuôi tằm trên địa bàn; hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi tằm để nâng cao chất lượng kén.
Người dân xã Báo Đáp chăm tằm.
Công ty đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm cho 8 hợp tác xã trên địa bàn huyện, cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm bà con làm ra. Để đảm bảo phục vụ cho nhà máy hoạt động, công tác thu mua nguyên liệu của công ty triển khai thu mua qua hợp tác xã và qua các tư thương nhưng công ty chủ trương là tập trung vào thu mua của các hợp tác xã nhiều hơn để đảm bảo cho các xã viên và các hội viên trong hợp tác xã có nguồn thu ổn định, ông Trường khẳng định.
Hiện nay vùng dâu tằm của huyện Trấn Yên rộng trên 300 ha với 1.500 hộ dân tham gia canh tác. Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2023 này, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển, mở rộng diện tích; đưa các giống dâu mới có năng suất, chất lượng cao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, nâng cao năng suất, giá trị, hiệu quả kinh tế. Toàn huyện phấn đấu trồng mới 102 ha dâu, sản lượng kén tằm đạt khoảng 1.400 tấn.
Theo Báo Yên Bái