HTX và sức mạnh của hợp tác, liên kết

0
139

Trong suốt chiều dài phát triển đất nước, Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng đến phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, coi đây là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế xã hội bền vững. Trong đó, liên kết hợp tác phát triển kinh tế theo mô hình HTX luôn mang lại giá trị trường tồn và đã được khẳng định suốt nhiều năm qua.

 

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tuy vẫn có những HTX giải thể nhưng không ít HTX được thành lập mới trên cả nước. Cụ thể như năm 2022 đã có 564 HTX giải thể nhưng có tới 2.600 HTX thành lập mới.

Điều này cho thấy, HTX vẫn là một trong những mô hình kinh tế hoạt động hiệu quả, thu hút được nhiều người tham gia, nhất là những HTX nông nghiệp hoạt động theo chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp.

“Khoảng trống” cơ sở pháp lý

Tuy nhiên, các HTX đang đứng được nghịch lý, đó là dù có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng khu vực này chưa thể bình đẳng được so với doanh nghiệp. Điều đó là do thể chế, chính sách về kinh tế tập thể rất khó ứng dụng vào thực tiễn so với doanh nghiệp.

Ngay như Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ không có từ nào về kinh tế tập thể, HTX, chỉ có quy định về doanh nghiệp. Hay một số nghị định của Chính phủ hướng dẫn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong thời gian gần đây cũng không có đối tượng điều chỉnh là HTX. Điều này rất khó cho HTX trong tiếp cận các nguồn lực và đầu tư về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vì không có cơ sở pháp lý.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tập thể phát triển, các quỹ tín dụng nội bộ đang đóng góp không nhỏ trong việc giải quyết nguồn vốn cho HTX.

Theo thống kê, cả nước có 1.179 quỹ hoạt động trên 57 tỉnh, thành. Các quỹ này đang phù hợp với nhu cầu vay vốn của các HTX có quy mô nhỏ và vừa, vì nhiều HTX, tổ hợp tác có nhu cầu vay vốn ở mức độ vừa phải nên rất muốn vay vốn từ các quỹ tín dụng. Đặc biệt là thủ tục pháp lý khi vay tín dụng nội bộ cũng đơn giản hơn so với vay vốn ở các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, hiện các quỹ tín dụng nội bộ này gặp nhiều khó khăn trong hoạt động vì trước đây, các quỹ tín dụng nội bộ hoạt động theo Thông tư 15/VBHN-NHNN nhưng thông tư này đã hết hạn mà đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể nào từ Ngân hàng Nhà nước thay thế.

Bên cạnh đó, Điều 53 của dự thảo Luật HTX (sửa đổi) hiện nay cần xem xét các quy định cụ thể về quỹ tín dụng nội bộ. Nếu quy định “cho vay trong tín dụng nội bộ không phải là hoạt động của ngân hàng” thì sẽ tiếp tục gây khó khăn cho khu vực kinh tế tập thể, HTX trong tiếp cận nguồn vốn. Bởi quy định này đã loại bỏ vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong giải quyết vốn cho khu vực kinh tế tập thể.

Ngoài vấn đề về vốn, chính sách hỗ trợ về kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2012-2025 hiện vẫn chưa đi vào thực tiễn. Cụ thể là Quyết định 1804/QĐ-TTg đã ban hành và hướng dẫn triển khai thực hiện. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022 chưa bố trí kinh phí để triển khai thực hiện.

-7782-1680877724.jpg

HTX chưa thể bình đẳng được so với doanh nghiệp vì nhiều chính sách pháp lý chưa đi vào thực tiễn.

 

 

 

Quyết định 1804/QĐ-TTg cũng chỉ quy định xây dựng khung, nội dung chương trình đào tạo trực tuyến, trong khi đó, việc đào tạo trực tiếp cũng cần khung chương trình, giáo trình đào tạo. Đặc biệt HTX nông nghiệp, các thành viên là nông dân, có trình độ hạn chế, việc tiếp cận hình thức đào tạo trực tuyến trong thời gian dài sẽ gặp nhiều khó khăn, hạn chế, chưa thực sự mang lại hiệu quả cho chính các HTX.

Phát biểu tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX ngày 7/4, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng Quyết định 1804 quy định việc đào tạo nhân lực HTX do Trung ương quản lý, không phân cấp, giao cho các tỉnh hoặc các sở ngành liên quan.

Chính vì vậy mà các địa phương muốn đầu tư, trích ngân sách thực hiện cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho HTX nhưng lại không có cơ sở pháp lý nên chưa huy động được các nguồn lực một cách tối ưu cho khu vực kinh tế tập thể, HTX.

Cấp thiết có sự điều chỉnh

 

Có thể thấy, các chính sách về phát triển kinh tế tập thể, HTX hiện chưa đủ mạnh, chưa đủ dài để khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển bền vững.

PGS.TS Chu Tiến Quang, Giảng viên khoa Kinh tế quản lý, Trường Đại học Hải Dương cho rằng, chúng ta nói nhiều về kinh tế tập thể nhưng độ hiểu về kinh tế tập thể, HTX còn chưa sâu nên chưa tận dụng và phát huy được vai trò của mô hình này trong nền kinh tế.

Trong đó, Nghị quyết 13-NQ/TW đề cập đến nội dung “kinh tế tập thể, HTX phát triển dựa trên 2 hình thức sở hữu tập thể và sở hữu thành viên nhưng chưa có văn bản nào thừa nhận sở hữu tập thể. “Vậy HTX dựa vào đâu để phát triển, mỗi thành viên vào HTX không có cơ sở để cống hiến”, PGS.TS Chu Tiến Quang đặt câu hỏi.

Đặc biệt, điểm đặc trưng của HTX đó là hoạt động có tính kép: HTX vừa có thành viên chính thức và thành viên liên kết để mở rộng thị trường nội bộ để HTX phát triển giao dịch nội bộ.

Nhưng theo PGS.TS Chu Tiến Quang, do chính sách hỗ trợ HTX không đi vào thực tiễn nên không thu hút được thành viên chính thức và thành viên liên kết. Từ đó, HTX mãi nhỏ về quy mô và mãi không phát triển được.

Chính vì vậy, nếu khẳng định kinh tế tập thể, HTX cùng với kinh tế nhà nước là nòng cốt của nền kinh tế thị trường thì phải giúp nòng cốt ấy làm chủ các chuỗi, liên kết được với các thành phần khác thì mới phát triển chủ động và bền vững.

Theo các chuyên gia, muốn HTX phát triển được, các chính sách về kinh tế tế tập thể, HTX phải “mở”. Cụ thể là các Quỹ tín dụng nhân dân đã có ở các tỉnh thành phố nhưng chưa được khai thác hết. Và muốn HTX hoạt động hiệu quả thì phải đảm bảo các yếu tố quan trọng, đó là đất đai và vốn.

Trong đó, muốn giải quyết khó khăn về vốn, thì phải phát triển các quỹ tín dụng nhân dân. Vì các phương thức cho vay của các ngân hàng thương mại hiện chưa phù hợp với HTX do luôn đòi hỏi tài sản thế chấp. Điều này, các ngân hàng thương mại nên học hỏi kinh nghiệm của Ngân hàng chính sách xã hội khi cho người nghèo vay vốn nhưng không cần tài sản thế chấp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng “tuy có quy định cho vay trong tín dụng nội bộ không phải là hoạt động của ngân hàng” nhưng Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ ngành khác cũng cần tham gia vào hoạt động tín dụng nói chung và tín dụng nội bộ nói riêng để tháo gỡ những khó khăn và tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tập thể, HTX tiếp cận nguồn vốn theo quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng cho biết Nghị quyết 20 đã quy định “hướng dẫn thực hiện tín dụng nội bộ tại các tổ chức kinh tế tập thể có đủ điều kiện” nên việc tạo điều kiện cho các quỹ tín dụng nội bộ phát triển là điều cần thiết để các HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp mở rộng phát triển theo chuỗi giá trị.

Có thể thấy, các HTX muốn mạnh phải dựa trên phát triển quy mô và thu hút thành viên. Nhưng chính sách hiện nay chưa hướng đến việc mở rộng quy mô HTX. Cụ thể, trong Nghị định 98 về hỗ trợ HTX phát triển theo chuỗi nhưng các quy định hỗ trợ HTX liên kết, mở rộng quy mô lớn chưa đi vào thực tiễn.

Chính vì vậy, ngoài chính sách về tín dụng nội bộ, các chính sách khác về tín dụng, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, thuế, liên kết chuỗi… cũng cần nhanh chóng sửa đổi để kinh tế tập thể, HTX phát triển cả về số lượng và chất lượng.

 

 

Theo Thời báo kinh doanh