Hướng đi mới cho huyện vùng cao Mù Cang Chải

0
338

Vốn là vùng đất khó, khí hậu khắc nghiệt, có nơi chỉ canh tác được một vụ lúa, dẫn tới thu nhập của người nông dân thấp; thế nhưng một vài năm trở lại đây, huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã có nhiều đột phá trong tư duy sản xuất nông nghiệp khi chủ động đưa một số cây trồng mới vào sản xuất.

Chú thích ảnh

Rau cải mầm đá trồng tại Mù Cang Chải (Yên Bái).

 

Trên địa bàn huyện, đã xuất hiện những cánh đồng thu tiền tỷ từ việc mạnh dạn chuyển đổi canh tác lúa sang trồng hoa, rau đặc sản, mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Tháng 10 năm 2021, Hợp tác xã sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải bắt đầu đưa vào trồng thử nghiệm giống rau cải mầm đá tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, với 4 ha đầu tiên trồng theo phương pháp hữu cơ. Đây là giống rau mới được trồng trên địa bàn huyện, có khả năng chống chịu khí hậu rét đậm, rét hại. Dù không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực và trải qua các đợt rét, sương muối trong năm nhưng rau vẫn xanh mướt và cho ra mầm hình thù như nhũ đá.

Chỉ sau hơn 3 tháng trồng, Hợp tác xã Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải đã thu hoạch được vụ đầu tiên với chất lượng rau được đánh giá rất cao. Với trọng lượng trung bình mỗi cây rau mầm đá từ 1,5 – 2 kg, hợp tác xã đạt sản lượng thu hoạch vụ đầu tiên đạt khoảng 30 tấn/ha, doanh thu khoảng 600 triệu đồng/ha. Hiện loại rau này đang được hợp tác xã bán giới thiệu sản phẩm tại thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận với giá từ 25 – 30 nghìn đồng/kg.

Anh Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải cho biết, mặc dù là năm đầu tiên triển khai trồng rau cải mầm đá tại địa bàn xã Nậm Khắt, nhưng có thể nhận thấy rau cải mầm đá rất phù hợp với thổ nhưỡng cũng như khí hậu tại đây, vụ đầu tiên đã cho ra mầm đẹp, chất lượng sản phẩm rất tốt khi so sánh với những sản phẩm được trồng và nhập từ nơi khác về.

Cũng theo anh Nguyễn Hoàng Anh, để phát triển loại rau này, hợp tác xã đã liên kết với nhiều hộ nông dân trên địa bàn bằng hình thức thuê đất trồng lúa và thuê chính người nông dân tham gia vào trồng rau cho hợp tác xã. Hiện người dân trong xã còn phát triển thêm 7ha nữa và được hợp tác xã bao tiêu sản phẩm. Người dân ở xã Nậm Khắt đã có thêm một hướng đi mới trong việc sản xuất hàng hóa loại rau đặc sản này, bởi nếu so với trồng lúa, hiệu quả trồng rau cải mầm đá cho thu nhập gấp hơn 10 lần.

Chú thích ảnh

Mô hình trồng rau cải mầm đá của Hợp tác xã sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải (Yên Bái). 

 

Không những đem lại lợi nhuận mà khi Hợp tác xã sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải về đầu tư sản xuất nông nghiệp tại đây còn giải quyết được việc làm thường xuyên cho một bộ phận người dân bản địa. Hợp tác xã thuê lao động tại địa phương từ 8 đến 10 người làm thường xuyên.  Với kế hoạch mở rộng diện tích trồng lên 9 ha vào thời gian tới, khi đó cần 15 đến 20 người liên tục với mức ngày công bình quân đạt 130.000 đồng/người.

 

Chị Hảng Thị Sú, một người dân tại xã Nậm Khắt không khỏi vui mừng khi được tham gia vào Hợp tác xã sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải. Theo chị Sú, khi được vào làm tại đây đã có thu nhập cao hơn so với trước đây trồng lúa 1 vụ/năm. Nhờ đó, thu nhập của gia đình chị tăng lên đáng kể. Hiện tại, mỗi tháng cả hai vợ chồng chị được hợp tác xã trả công khoảng 9 đến 10 triệu đồng.

 

Hiện trên các cánh đồng ở xã Nậm Khắt, không chỉ trồng rau cải mầm đá,  mà ở đây có thêm một loại cây trồng mới cũng được đưa vào trồng, đó là giống hoa hồng Pháp do Hợp tác xã Hoa hồng Nậm Khắt đưa vào trồng cách đây hai năm. Hợp tác xã Hoa hồng Nậm Khắt do 18 thành viên đến từ huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội lên đầu tư từ cuối năm 2019, với hình thức thuê đất của nông dân. Hiện hợp tác xã đã mở rộng được 43 ha để trồng loài hoa này.

 

Theo anh Lã Văn Chương, Phó Giám đốc Hợp tác xã Hoa hồng Nậm Khắt, mỗi ha được đầu tư khoảng 500 triệu đồng, nhờ hợp thổ nhưỡng và khí hậu lạnh nên hoa hồng nở to đẹp, mỗi năm đã cho thu nhập từ 800 – 900 triệu/ha, trừ chi phí đầu tư thu về tới 400 – 500 triệu/ha/vụ. Hiện mô hình trồng hoa hồng Pháp của Hợp tác xã Hoa hồng Nậm Khắt cũng đang thu hút 150 lao động địa phương làm việc.

Trong chuyến kiểm tra một số mô hình phát triển kinh tế tại huyện Mù Cang Chải mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cũng đánh giá cao hiệu quả của hai mô hình trồng rau cải mầm đá và trồng hoa hồng Pháp trên địa bàn xã Nậm Khắt. Các mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương, sản phẩm làm ra được tiêu thụ tại các thị trường lớn như: Hà Nội, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Hải Phòng…

 

Mô hình trồng rau cải mầm đá và trồng hoa hồng Pháp trên địa bàn xã Nậm Khắt là hai mô hình liên kết, nằm trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Mù Cang Chải. Nhờ chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chọn lựa những đối tượng cây trồng mới phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng và có giá trị kinh tế cao; đồng thời thông qua các hợp tác xã triển khai áp dụng tiến bộ của khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm, đã biến những cánh đồng vốn chỉ trồng lúa một vụ thành những cánh đồng cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Chú thích ảnh

Mô hình trồng hoa hồng Pháp của Hợp tác xã Hoa Hồng Nậm Khắt tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). 

 

Hướng đi mới, cách làm năng động, cho thấy hiệu quả bền vững trong chuyển hướng tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, mang lại giá trị cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho bà con ở huyện vùng cao Mù Cang Chải.

 

Ông Phạm Tiến Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải cho biết, thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho huyện mở rộng diện tích trồng rau, trồng hoa trên những diện tích lúa một vụ kém hiệu quả và nhân rộng các mô hình này trên địa bàn toàn huyện để phát huy các lợi thế so sánh của huyện. Bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng đưa vào sản xuất những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và mang tính trái vụ như: su hào, bắp cải, khoai tây, cà chua…

 

Với hình thức người dân cho hợp tác xã thuê đất, ngược lại các hộ dân được hợp tác xã nhận vào làm, đã biến những cánh đồng khô cằn vào mùa đông, có khí hậu khá khắc nghiệt tại huyện vùng cao Mù Cang Chải thành cánh đồng tiền tỷ. Thời gian tới đây, huyện sẽ tiếp tục đưa thêm một số giống rau đặc sản vào trồng, để canh tác đủ các vụ trong năm, mở rộng thêm diện tích sang các thôn, xã khác, tạo thành vùng chuyên canh nông nghiệp hàng hóa, đánh thức tiềm năng cho Mù Cang Chải trong phát triển nông nghiệp bền vững.

 

 

Theo Cổng TTĐT Liên minh HTX Việt Nam