Để tìm hiểu các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn hiện nay, phóng viên Cổng thông tin điện tử tỉnh đã phỏng vấn Thạc sỹ Huỳnh Lam Phương – Trưởng cơ quan Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tại phía Nam về vấn đề này.
Xin ông cho biết, thực trạng của các Hợp tác xã hiện nay như thế nào?
Mong muốn của người dân khi tham gia các Hợp tác xã là giá đầu vào vật tư thấp hơn, chất lượng hơn; thị trường minh bạch; khả năng tiếp cận thị trường tốt; được hỗ trợ về kỹ thuật, đào tạo, tín dụng; tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp; giảm rủi ro trong hoạt động sản xuất. Giải pháp giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm là tập hợp các hộ dân có chung nhu cầu để thành lập Hợp tác xã gắn với xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm theo hướng hiện đại, bền vững.
Tính đến cuối tháng 3/2023, cả nước có 27.324 Hợp tác xã, trong đó khu vực phía Nam có 5.719 Hợp tác xã, chiếm 19,5%.
Hiện nay, có rất nhiều mô hình Hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Sự thành công của các Hợp tác xã được thống kê phụ thuộc vào các yếu tố, như: Mức độ cam kết của các thành viên và lợi ích kinh tế của các thành viên khi tham gia Hợp tác xã; vai trò của người lãnh đạo Hợp tác xã; lập kế hoạch sản xuất kinh doanh; đoàn kết trong nội bộ Hợp tác xã; liên kết thị trường, tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng công nghệ vào sản xuất; quy mô số lượng và chất lượng sản phẩm; chính sách hỗ trợ từ bên ngoài; khả năng tiếp cận tín dụng…
Bên cạnh đó, cũng có nhiều Hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả là do nguồn vốn không có hoặc có rất ít vốn nên không có kinh phí để tự hoạt động, nhiều Hợp tác xã chưa có trụ sở hoặc điều kiện làm việc phù hợp. Hợp tác xã chưa xác định được mô hình kinh doanh, xây dựng định hướng hoạt động, xây dựng kế hoạch ngân sách để thích ứng với yêu cầu của thị trường. Các Hợp tác xã chưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nên hiệu quả quản lý, điều hành chưa cao. Nhiều Hợp tác xã chưa đủ nguồn lực để ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng hiệu quả, tăng chất lượng, giảm chi phí mà chủ yếu canh tác theo thói quen, kinh nghiệm. Các Hợp tác xã gặp khó khăn trong xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ do số lượng, chất lượng và tần suất cung cấp hàng hóa nông sản của Hợp tác xã chưa đáp ứng yêu cầu của đơn vị bao tiêu sản phẩm; không thỏa thuận được giá mua chung, bán chung giữa các thành viên trong Hợp tác xã; chưa giúp được các thành viên có được chi phí thấp hơn và lợi nhuận cao hơn so với nông dân chưa tham gia vào Hợp tác xã. Phần lớn nông dân chưa tự nguyện tham gia Hợp tác xã, chưa hoạt động tích cực với tư cách là một thành viên vì sự phát triển của Hợp tác xã và cộng đồng.
Theo ông, để các Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh cần có giải pháp gì?
Phát triển Hợp tác xã trong thời gian tới là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Do đó, tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”. Đây vừa là động lực trước mắt cho các Hợp tác xã đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa là giải pháp hiệu quả lâu dài để đổi mới hàng loạt các chính sách khuyến khích khu vực kinh tế tập thể, Hợp tác xã trong cả nước và tỉnh Bình Thuận tiếp tục phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Để làm tốt điều này, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Thuận cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhất là thông qua các mô hình Hợp tác xã đã và đang hoạt động đúng quy định của Luật Hợp tác xã và có hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi quan điểm trước đây về Hợp tác xã; từ đó, người dân quan tâm, tin tưởng và tự nguyện tham gia vào Hợp tác xã, như vậy hoạt động của các Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng hiệu quả hơn.
Đồng thời, phát huy vai trò của người đứng đầu Hợp tác xã, vì người đứng đầu Hợp tác xã quyết định sự thành công của Hợp tác xã và đem lại lợi ích kinh tế cao cho các thành viên. Để người đứng đầu Hợp tác xã làm tốt hơn nữa vai trò của mình trong thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh cần phối hợp với các Sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh chính sách hỗ trợ phù hợp đối với từng Hợp tác xã; trong đó, có sự hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, cá nhân, đây được coi là các yếu tố ngoại lực để phát triển Hợp tác xã.
Vận dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhất là, trong tiêu thụ sản phẩm, các thành viên trong Hợp tác xã phải xây dựng chiến lược quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm và quản trị được chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Nâng cao vai trò, vị trí của Liên minh Hợp tác xã tỉnh trong xây dựng và phát triển Hợp tác xã và phát huy vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã. Phát huy nội lực của các thành viên trong Hợp tác xã. Với những giải pháp đó, sẽ tạo niềm tin cho người dân tham gia vào các Hợp tác xã ngày càng nhiều hơn, hoạt động của các Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nhất định sẽ thành công, mang lại hiệu quả cao cho các thành viên.
Một số Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hoạt động hiệu quả
Để xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tiếp cận thị trường, hiện nay các Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cần làm gì thưa Ông?
Cách bán hàng truyền thống hiện nay của người dân đang gặp khó khăn, do đó để tiêu thụ được sản phẩm làm ra bắt buộc người dân, các Hợp tác xã phải ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng chuyển đổi số, mục tiêu là để nhiều người biết đến sản phẩm của mình làm ra và bán được nhiều sản phẩm hơn.
Hiện nay, tại khu vực phía Nam đang triển khai 2 phần mềm là phần mềm kế toán và phần mềm quản trị Hợp tác xã. Trong đó, phần mềm kế toán sẽ giúp các Hợp tác xã quản lý tài chính tốt hơn; phần mềm quản trị giúp các Hợp tác xã quản lý được các thành viên, quản lý sản xuất, chế biến sản phẩm và giám sát được chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, Trường Trung cấp nghề và Đào tạo cán bộ Hợp tác xã miền Nam cũng thành lập sàn giao dịch điện tử có kết nối thông tin từ 2 phần mềm trên. Nếu các Hợp tác xã của tỉnh Bình Thuận ứng dụng phần mềm kế toán và phần mềm quản trị này, các Hợp tác xã có thể đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử của Trường Trung cấp nghề và Đào tạo cán bộ Hợp tác xã miền Nam. Người mua chỉ cần nhấn vào sản phẩm của Hợp tác xã thì sẽ truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, quy trình sản xuất, chất lượng và giá thành sản phẩm, từ đó người tiêu dùng tin tưởng hơn và người dân sẽ bán được nhiều sản phẩm hơn.
Thực tế hiện nay cho thấy, tại khu vực phía Nam đã có nhiều Hợp tác xã tự hoàn thiện mình, xây dựng thương hiệu, tự ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý chất lượng sản phẩm và bán hàng rất tốt. Do đó, các Hợp tác xã của tỉnh Bình Thuận muốn thành công thì bắt buộc phải ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Theo Cổng TTĐT Liên minh HTX Việt Nam