CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ GIAI ĐOẠN 2015 – 2020

0
722

CTTĐT – Ngày 15/12/2014, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 – 2020. Để thông tin cụ thể về những nội dung các chương trình hỗ trợ tại địa bàn tỉnh, trong Chuyên mục “Giải đáp chính sách” trên Cổng Thông tin điện tử, ông Đỗ Nhân Đạo – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Yên Bái đã giải đáp các vấn đề liên quan đến việc tổ chức thực hiện triển khai Quyết định của Chính phủ.

Ông Đỗ Nhân Đạo – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái.

BTV – Xin ông cho biết Mục tiêu và những điểm nổi bật của Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 – 2020 tại Quyết định 2261 của Thủ tướng Chính phủ?

Ông Đỗ Nhân Đạo – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái:

 Mục tiêu của Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 – 2020 tại Quyết định 2261 của Thủ tướng Chính phủ là:

– Khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển hợp tác xã, tác động trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh của kinh tế thành viên;

– Tăng cường tính tự chủ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của hợp tác xã, nâng cao hơn nữa vai trò của hợp tác xã đối với sự phát triển, bảo đảm an sinh xã hội của Đất nước;  

– Tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân và các cơsở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế;  

– Góp phần ổn định kinh tế, chính trị, xã hội.

Về điểm nổi bật của Chương trình, thứ nhất là gắn được quyền lợi và trách nhiệm của các HTX: Chương trình được thực hiện trong giai đoạn 2015 – 2020 trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, để được hưởng lợi từ Chương trình thì các HTX, liên hiệp HTX phải đảm bảo được các điều kiện như: Được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012; Đáp ứng các tiêu chí cụ thể của từng nội dung hỗ trợ được quy định trong Chương trình.

Thứ hai, các nội dung hỗ trợ cụ thể, chi tiết, được nêu rõ về: Đối tượng, điều kiện, tiêu chí để được thụ hưởng; Nội dung hỗ trợ; Định mức hỗ trợ; Nguồn kinh phí.

Thứ ba là tổ chức thực hiện nhất quán, giao trách nhiệm cho các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ và nội dung công việc cụ thể.

BTV: Thưa ông! Chính sách hỗ trợ đối với các hợp tác xã nông, lâm, ngư nghiệp bao gồm những nội dung gì? Phương thức, cơ chế hỗ trợ, kinh phí thực hiện như thế nào?

Ông Đỗ Nhân Đạo – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái:

* Đối với các HTX nông, lâm, ngư nghiệp: Ngoài được hưởng các chính sách hỗ trợ chung như bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; thành lập mới, tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã, các HTX nông, lâm, ngư nghiệp còn được hưởng các chính sách ưu đãi như:

+ Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng;

+ Hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh;

+ Hỗ trợ chế biến sản phẩm.

Về phương thức hỗ trợ:

Ưu tiên các hợp tác xã có quy mô lớn về thành viên, tạo quy mô hàng hóa lớn, sản xuất theo cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị; hợp tác xã hoạt động trên các địa bàn khó khăn.

Về cơ chế hỗ trợ: 

            – Nguồn Ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa 80% tổng mức đầu tư của dự án, HTX đóng góp tối thiểu 20% còn lại đối với đầu tư kết cấu hạ tầng.

            – Hỗ trợ về vốn, giống cây trồng, vật nuôi: Chia sẻ rủi ro cùng người sản xuất khi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Thực hiện theo Quyết định 142/2009 ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể là:

+ Hỗ trợ đối với diện tích cây trồng bị thiệt hại từ 30% trở lên;

+ Hỗ trợ đối với vật nuôi thiệt hại do thiên tai, thiệt hại do dịch bệnh nguy hiểm;

+ Hỗ trợ đối với nuôi trồng thủy, hải sản bị thiệt hại từ 30% trở lên.

            – Hỗ trợ chế biến sản phẩm: Thực hiện theo Quyết định 68/2013 ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

+ Ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn bằng đồng Việt Nam để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp;

+ Ngân sách Nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn bằng đồng Việt Nam và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp (bao gồm cả nhà xưởng); các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp.

Về kinh phí:

            – Hàng năm căn cứ nhu cầu của các Bộ, ngành, địa phương và khả năng cân đối của Ngân sách Nhà nước, Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo của Thủ tướng Chính phủ bố trí kinh phí thực hiện Chương trình.

            – Đồng thời các Bộ, ngành, địa phương chủ động huy động các nguồn khác ngoài Chương trình và các nội dung được phân cấp theo thẩm quyền để tham gia thực hiện chương trình.

BTV – Xin ông cho biết thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện Quyết định này như thế nào?

Ông Đỗ Nhân Đạo – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái:

Tỉnh ủy đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các ngành: Tài chính, Nông nghiệp, Khoa học & Công nghệ, Tài nguyên & Môi trường, Công Thương và Liên minh HTX tỉnh nghiên cứu, xây dựng và tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2016 – 2020.

Để xây dựng kế hoạch phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của cơ sở, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT khảo sát tình hình hoạt động, nắm bắt nhu cầu cần được hỗ trợ của một số HTX trên địa bàn tỉnh và xây dựng dự thảo “Báo cáo tình hình hoạt động của HTX và phương hướng phát triển HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh”; Đề xuất chính sách hỗ trợ Kinh tế tập thể tỉnh giai đoạn 2016-  2020”. Dự thảo đã được các sở, ngành thống nhất về nội dung; Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp báo cáo bằng văn bản với Tỉnh ủy.

Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Kinh tế tập thể tỉnh, Liên minh HTX tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các huyện, thị, thành phố, các HTX trên địa bàn đẩy mạnh công tác tổ chức lại hoạt động theo quy định của Luật HTX 2012, để có thể đáp ứng điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 2261 của Thủ tướng Chính phủ.

BTV –Trong quá trình hoạt động và chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới theo Luật HTX năm 2012, nhiều HTX trên địa bàn gặp một số khó khăn; cụ thể như việc tiếp xúc với nguồn vốn tín dụng. Vậy tỉnh Yên Bái đã có những giải pháp gì để hỗ trợ vốn cho các HTX trong quá trình sản xuất, kinh doanh? Thưa ông?

Ông Đỗ Nhân Đạo – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái:

Tiếp cận các nguồn vốn có thể coi là khó khăn hàng đầu đối với các HTX trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ vay vốn của các HTX năm 2015 dư nợ cho vay đối với HTX của các tổ chức tín dụng còn quá thấp, chỉ 35 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn.

Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho các HTX, Tỉnh cũng đã chỉ đạo thực hiện một số giải pháp như:

– Tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn về trình tự, thủ tục vay vốn cho các HTX, tổ hợp tác, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi để có thể tiếp cận được các nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng;

            – Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, giao cho Liên minh Hợp tác xã tỉnh quản lý, giải quyết cho vay hỗ trợ các HTX; Chỉ đạo Liên minh HTX tỉnh tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Trung ương;

– Tạo điều kiện cho các HTX được hưởng chính sách về khoa học công nghệ thông qua hệ thống khuyến nông, khuyến công, đầu tư đổi mới công nghệ vv…

BTV – Bên cạnh Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 – 2020 của Chính phủ, tỉnh Yên Bái còn có chính sách nào hỗ trợ phát triển HTX, thưa ông?

Ông Đỗ Nhân Đạo – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái:

Bên cạnh Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 – 2020 của Chính phủ, tỉnh ta đã có một số chính sách riêng hỗ trợ phát triển HTX như:

– Chính sách hỗ trợ về đào tạo bồi dưỡng cán bộ HTX: Trong 5 năm qua đã bồi dưỡng và đào tạo cho 5.875 lượt cán bộ quản lý và thành viên HTX. Phối hợp với các trung tâm của Liên minh HTX Việt Nam và các sở, ngành, trung tâm trong tỉnh đào tạo bồi dưỡng cho trên 900 lượt thành viên. Từ kết quả đó trong 5 năm tới sẽ tập trung hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ quản lý HTX và đào tạo chuyên sâu nâng cao tay nghề cho lao động của HTX.

– Chính sách về tín dụng: Trong 5 năm qua đã hỗ trợ giải ngân quỹ 120 (Quỹ quốc gia giải quyết việc làm) cho trên 24 dự án với tổng vốn 3,380 tỷ đồng. Quỹ 246 (Quỹ hỗ trợ phát triển HTX) cho 3 dự án với tổng vốn vay gần 4 tỷ đồng cùng với đó đã tư vấn xây dựng dự án cho 7 đơn vị mở rộng sản xuất kinh doanh với tổng vốn 8 tỷ đồng và nhiều dự án phát triển nguồn lao động cho Hợp tác xã.

– Chính sách về đất đai: Thực hiện chính sách đất đai đối với hợp tác xã, đến nay đã có 35 hợp tác xã được giao đất, cho thuê đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm trụ sở hợp tác xã. Một số hợp tác xã đã được giao đất trồng cây lâu năm và đất rừng, tập trung nhiều ở các huyện Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn…với diện tích được giao 580.800m2. Trong đó các hợp tác xã  chủ yếu trồng các loại cây như chè, quế và các loại cây lấy gỗ thân nhỏ. Đất nuôi trồng thủy sản hiện mới chỉcó một số hợp tác xã kinh doanh chăn nuôi thủy sản tại các khu vực vùng hồ Thác Bà, tuy nhiên quy mô và diện tích sử dụng còn khiêm tốn với diện tích 680.40m2.

– Chính sách về khoa học – công nghệ: Tỉnh tạo điều kiện cho các hợp tác xã  được hưởng chính sách về khoa học công nghệ thông qua hệ thống khuyến nông, khuyến công hỗ trợ các hợp tác xã về đầu tư thiết bị dây chuyền sản xuất. Bình quân mỗi năm thực hiện từ 5-7 dự án với kinh phí 50-70 triệu đồng/dự án; 2-3 dự án về hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ với kinh phí từ 1-2 trăm triệu đồng/dự án.

– Chính sách về xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường: Triển khai chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, hàng năm tỉnh luôn chú trọng tạo điều kiện cho các hợp tác xã được tham gia hội chợ trong và ngoài tỉnh giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ 50% chi phí thuê gian hàng cho các hợp tác xã tham gia hội chợ và thưởng cho các đơn vị có thành tích xuất khẩu sản phẩm. Một số hợp tác xã đã được hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm.

 – Chính sách ưu tiên về thuế cho các HTX: Thực hiện chính sách hỗ trợ về thuế đối với các hợp tác xã, ngành Thuế đã thực hiện miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài và miễn giảm thuế đất cho các hợp tác xã đủ điều kiện. Riêng hợp tác xã nông nghiệp được miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập từ các hoạt động dịch vụ trực tiếp phục vụ đời sống cho thành viên.

Từ những chích sách của tỉnh đã hỗ trợ cho kinh tế tập thể phát triển. Hiện nay có nhiều đơn vị hoạt động thực sự hiệu quả và mang lại lợi ích kinh tế cho thành viên và người lao động như: HTX dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận huyện Văn Chấn, HTX Tân Hương, HTX Trường Xuân huyện Yên Bình, HTX 6/12 xã Đào Thịnh, HTX dịch vụ tổng hợp Kiên Thành huyện Trấn Yên, HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Công Tâm huyện Văn Yên, HTX vận tải Quyết Tiến thành phố Yên Bái, HTX dịch vụ tổng hợp Thắng Lợi huyện Văn Yên…

BTV – Xin cảm ơn ông.

 Hiền Trang thực hiện

Nguồn www.yenbai.gov.vn/

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here