Đại biểu Nguyễn Thành Trung thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

0
214

Chiều 10/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận toàn thể ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Thành Trung đã tham gia thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

 

 

Mở đầu thảo luận, đại biểu bày tỏ tán thành với việc bổ sung phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với ngân hàng chính sách. Ngân hàng chính sách là ngân hàng do Nhà nước thành lập với mục tiêu thực hiện các nhiệm vụ, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước; hoạt động của hai ngân hàng chính sách hiện nay là Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã mở rộng về quy mô, thực hiện các nghiệp vụ như tổ chức tín dụng khác.
Theo đại biểu, tổ chức và hoạt động của 2 ngân hàng chính sách hiện nay được quy định bởi các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, cần luật hóa những vấn đề đã chín, đã rõ được thực tiễn chứng minh là đúng trong hoạt động ngân hàng, bổ sung tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định về tổ chức, hoạt động của ngân hàng chính sách để đảm bảo căn cứ pháp lý khi triển khai thực hiện.
“Tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung một số quy định khung đối với hoạt động của ngân hàng chính sách tại dự thảo Luật, như: quy định về mô hình hoạt động, quản trị, điều hành; quy định về cơ chế quản lý tài chính, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, các chỉ tiêu an toàn vốn; vai trò của Ngân hàng Nhà nước đối với ngân hàng chính sách, nhất là trong việc thanh tra, giám sát để tăng cường năng lực tài chính, quản trị và chất lượng tín dụng của đối tượng này” – đại biểu nêu ý kiến.
Về giới hạn cấp tín dụng, đại biểu Nguyễn Thành Trung cho biết, so với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, dự thảo Luật quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng giảm khá lớn (từ 15% xuống 10% vốn tự có của ngân hàng thương mại đối với một khách hàng, từ 25% xuống còn 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại đối với một khách hàng và người có liên quan), bao gồm cả tổng mức mua, đầu tư vào trái phiếu do khách hàng, người có liên quan của khách hàng đó phát hành để hạn chế rủi ro tập trung tín dụng, hạn chế sở hữu chéo.
Đại biểu cũng cho rằng, việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với khách hàng và người có liên quan sẽ ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, do cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng thương mại, chỉ tiêu dư nợ tín dụng ngân hàng/GDP của Việt Nam ở mức khá cao (125%GDP), cao hơn mức trung bình của thế giới.
Trong khi hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều rủi ro, thiếu các công cụ giám sát an toàn hệ thống, giao dịch thiếu lành mạnh, thậm chí đã có những trường hợp vi phạm pháp luật trong thời gian qua. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo đánh giá kỹ tác động về vấn đề này đồng thời cần có quy định chuyển tiếp đối với những trường hợp giới hạn cấp tín dụng vượt quá quy định khi Luật được thi hành.
Đại biểu Nguyễn Thành Trung cho rằng, cần tiếp tục rà soát, bổ sung một số quy định khung đối với hoạt động của ngân hàng chính sách tại dự thảo luật.
Về dự phòng rủi ro ở Điều 130 của Dự luật, đại biểu cho biết, quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài liên quan lớn đến khái niệm nợ xấu. Dự thảo Luật chưa có quy định cụ thể về khái niệm nợ xấu hay cách phân loại nợ để xác định là khoản nợ xấu mà chỉ kế thừa, luật hóa Nghị quyết 42/2017QH14 của Quốc hội quy định nợ xấu tại Chương XI.
Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung khái niệm về nợ xấu, thẩm quyền ban hành quy định về phân loại nợ xấu để đảm bảo tính cụ thể, rõ ràng của luật, đại biểu Trung cho rằng, thuật ngữ “nợ xấu” nên được cân nhắc vì thuật ngữ thường được sử dụng trên thế giới và có định nghĩa rõ rằng là các khoản vay không hiệu quả.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định mang tính nguyên tắc trong việc xác định rủi ro đối với tổ chức tín dụng trong dự thảo luật; có thể nghiên cứu thêm khuyến nghị của Uỷ ban Basel về giám sát ngân hàng.
Về Quỹ dự trữ, so với Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, Ban soạn thảo đề xuất nâng tỷ lệ trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, vốn được cấp từ 5% lên mức 10% lợi nhuận sau thuế. Đại biểu cơ bản tán thành với đề xuất nâng tỷ lệ trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận sau thuế nhằm tạo nguồn bổ sung vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng theo tiêu chuẩn Basel II, đáp ứng tốc độ tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Hai đại biểu Quốc hội Yên Bái- Nguyễn Thành Trung và Khang Thị Mào trong phiên thảo luận chiều 10/6.
Đối với các tổ chức tín dụng của Nhà nước hoặc có vốn tham gia chi phối của Nhà nước, đại biểu Trung đề nghị cần quy định theo hướng phải thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, toàn bộ khoản lợi nhuận sau thuế nộp vào ngân sách Nhà nước, trường hợp cần thiết bổ sung vốn điều lệ cho các tổ chức tín dụng trên thì bố trí trong dự toán chi ngân sách Nhà nước hàng năm.
Mặt khác, việc xác định cụ thể mức bổ sung vốn điều lệ đối với các tổ chức tín dụng của Nhà nước hoặc có vốn tham gia chi phối của Nhà nước căn cứ theo hiệu quả kinh doanh và kế hoạch kinh doanh của từng tổ chức tín dụng, sự cần thiết để tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước đảm bảo theo quy định của Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.  “Do đó, tôi đề nghị không quy định Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, vốn được cấp được trích hàng năm theo tỷ lệ 10% lợi nhuận sau thuế đối với đối với các tổ chức tín dụng của Nhà nước hoặc có vốn tham gia chi phối của Nhà nước” – đại biểu Trung đề xuất.
Đối với Điều 187 về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, đại biểu Trung nhận thấy, quy định như dự thảo Luật là chưa phù hợp với Luật Phá sản, Luật Thi hành án dân sự, pháp luật về thuế.
Mặt khác, Nghị quyết 42/2017QH14 là nghị quyết mang tính thí điểm các chính sách mới trong việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, với nhiều quy định mang tính đặc thù khác với pháp luật hiện hành. Do đó, trường hợp cần thiết luật hóa chính sách về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định có liên quan ngay trong dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời có các giải pháp để đảm bảo tính khả thi của luật.
Theo Cổng TTĐT tỉnh Yên Bái