Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

0
571

Ngày 30/8/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đã có văn bản gửi các ngành, đoàn thể, địa phương đề nghị giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Khu vực Kinh tế tập thể tỉnh đã giới thiệu 2 mô hình điển hình.

Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững – Hợp tác xã nông nghiệp và phát triển nông thôn Hưng Thành (Trấn Yên)

Trên cơ sở phát triển sản phẩm thế mạnh của địa phương – sản phẩm Măng tre Bát Độ, năm 2019, HTX nông nghiệp và phát triển nông thôn Hưng Thành thành lập với phương hướng hoạt động sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững. Vì vậy, ngay từ khi thành lập, HTX đã tích cực tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giúp người dân địa phương có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước khẳng định vai trò “bà đỡ” trong phát triển kinh tế nông thôn.

HTX nông nghiệp và phát triển nông thôn Hưng Thành hiện đang ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Yamazaki Việt Nam chu kỳ từ 20 – 30 năm có sự bảo trợ của các cấp chính quyền.Trên cơ sở đó, HTX ký hợp đồng đầu tư phân bón, vật tư, giống và các chi phí khác với người dân; Cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân đảm bảo giá sàn. Thông thường vào vụ măng, giá thu mua thực tế cao hơn giá sàn tương đối nhiều. Qua hình thức hợp tác này, người dân luôn yên tâm sản xuất.

Bên cạnh đó, để có được năng suất và chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cho xuất khẩu, HTX và Công ty hình thành và duy trì chuỗi liên kết chặt chẽ với người dân, cùng với người dân thực hiện hiệu quả quy trình sản xuất kinh doanh: “lựa chọn đất – kỹ thuật trồng – thu mua – chế biến – xuất khẩu sản phẩm”. Các khâu trong quy trình đều được Công ty hỗ trợ, bố trí cán bộ kỹ thuật giám sát, chuẩn hóa từng công đoạn nhỏ nhất, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế và trình độ canh tác của người dân.

Nhờ chăm sóc măng theo đúng kỹ thuật, năng suất trung bình đạt 7 kg/ngọn, cá biệt lên tới 15 kg -18 kg/ngọn, sản phẩm măng Bát Độ Trấn Yên qua sơ chế đạt tiêu chuẩn về chất lượng xuất khẩu sang các thị trường như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… Năm 2023, HTX đã xuất hàng chục container Măng tre Bát Độ sang Nhật Bản – một trong những thị trường khó tính hàng đầu thế giới.

Măng tre Bát Độ được chăm sóc đảm bảo kỹ thuật đến kỳ thu hoạch

Với hướng đi đúng đắn và sự nỗ lực không ngừng, hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX đã đạt được kết quả tích cực: Doanh thu bình quân 12-15 tỷ đồng/năm; lợi nhuận 1,2-2 tỷ đồng/năm; thu hút và tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập bình quân 6 – 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Trong thời gian tới, HTX nông nghiệp và phát triển nông thôn Hưng Thành sẽ tiếp tục duy trì chuỗi liên kết sản xuất, chế biến măng tre Bát Độ. Đồng thời, triển khai mở rộng thêm chuỗi liên kết về chế biến gỗ, chưng cất tinh dầu quế phục vụ xuất khẩu.

Mô hình “Hợp tác xã đồng bào” – Hợp tác xã Suối Giàng (Văn Chấn)

 HTX Suối Giàng được nhiều người biết đến với tên gọi khác là“Hợp tác xã đồng bào” bởi các thành viên của HTX chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, với 90% là đồng bào dân tộc H’Mong, còn lại số ít là các dân tộc Kinh, Dao, Tày.

Có thể khẳng định, việc vận động, khuyến khích bà con đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia vào HTX, thay đổi tư duy, cách thức sản xuất không hề đơn giản. Vậy mà, với cách làm riêng của mình, HTX Suối Giàng đã vận động và giúp người H’Mong nơi đây thoát khỏi hình thức sản xuất nhỏ lẻ, tự cấp, tự túc, không có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giá cả bấp bênh, bị tư thương ép giá, hiệu quả thấp; chuyển sang hình thức sản xuất hợp tác, cùng nhau phân công lao động, sản xuất thương mại với quy mô lớn hơn và sản xuất theo chuỗi giá trị. Doanh thu bình quân hàng năm của HTX đạt 2,2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 350 triệu đồng; thu nhập bình quân người lao động trong HTX đạt 5,7- 6,0 triệu đồng/người/tháng.

Để có những sản phẩm chè tốt, năng suất cao, HTX Suối Giàng đã làm tốt các khâu từ vận động, hướng dẫn bà con chăm sóc giữ gìn diện tích chè cổ, thu hái chè đúng tiêu chuẩn, chất lượng đến thu mua nguyên liệu đúng giá, chế biến sản phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, đồng thời chủ động liên kết, mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh để đảm bảo đầu ra ổn định, tăng thu nhập hàng năm cho thành viên và người dân. HTX Suối Giàng đã tuyên truyền cho thành viên và đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc H’Mong bảo vệ được hàng trăm ha diện tích chè cổ thụ, giữ vững vùng nguyên liệu sạch. Tháng 11/2012, nhãn hiệu “Chè Suối Giàng – Yên Bái” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy Chứng nhận. Cùng với đó là việc xây dựng hệ thống văn bản quản lý, quy định sử dụng và kiểm soát chất lượng sản phẩm chè mang nhãn hiệu Suối Giàng – Yên Bái từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản sản phẩm,… Đây là lợi thế rất lớn để HTX cùng với người dân nơi đây phát triển nhiều sản phẩm từ cây chè vùng cao. Hiện HTX đã có 4 dòng sản phẩm mang tên “Tuyết Sơn Trà” đó là: Hồng trà, Hoàng trà, Diệp trà, Bạch trà. Các dòng sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp phù hợp với nhu cầu thị hiếu của người Việt và du khách nước ngoài, đang từng bước mở rộng thị phần trong và ngoài nước.

Giám đốc Hợp tác xã Suối Giàng kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào của sản phẩm

Năm 2019, sản phẩm chè Tuyết Sơn Trà của HTX Suối Giàng là sản phẩm đầu tiên của huyện Văn Chấn được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Đây không chỉ là tin vui của HTX Suối Giàng và những người sản xuất ra sản phẩm chè “Tuyết Sơn Trà”, mà còn khẳng định về chất lượng, thương hiệu chè “Tuyết Sơn Trà Suối Giàng” của tỉnh Yên Bái.

Tháng 8/2023, 02 sản phẩm OCOP 4 sao là Hồng trà Shan Tuyết và Diệp trà Shan Tuyết của HTX Suối Giàng đã đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, chất lượng, thiết kế bao bì, nhãn mác … theo tiêu chuẩn châu Âu, xuất khẩu sang thị trường Anh Quốc.

Những kết quả đạt được của HTX Suối Giàng trong những năm qua cho thấy đây là hướng đi phù hợp với điều kiện vùng miền, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo được nguồn thu nhập ổn định cho bà con, góp phần quan trọng trong giữ gìn và phát triển vườn chè cổ, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Trong thời gian tới, HTX Suối Giàng sẽ tiếp tục kiên trì với cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh của đơn vị, giữ gìn và phát triển sản phẩm thế mạnh của địa phương, thu hút ngày càng nhiều bà con đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia vào HTX, thay đổi tư duy, cách thức sản xuất để phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

          Niềm vui hân hoan, phấn khởi của các thành viên HTX Suối Giàng khi chuẩn bị sản phẩm OCOP 4 sao Diệp trà Shan Tuyết để xuất khẩu sang thị trường Anh Quốc

Để “Làm mới Chương trình nông thôn mới”, HTX nông nghiệp và phát triển nông thôn Hưng Thành (Trấn Yên) và HTX Suối Giàng (Văn Chấn) đã có sáng kiến, đề xuất, đó là: “Tăng cường khuyến khích, hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất” Hỗ trợ hiệu quả đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tư duy, nhận thức, cách thức sản xuất”. Hy vọng rằng những sáng kiến, đề xuất này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con địa phương, đặc biệt là những người dân nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.