Hiệu quả từ việc sản xuất theo chuỗi giá trị của các Hợp tác xã tại Yên Bái

0
185

Trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay có nhiều HTX kiểu mới sản xuất theo chuỗi giá trị hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho tập thể, cộng đồng và xã hội, được ví như những con chim đầu đàn trong phong trào kinh tế tập thể tỉnh Yên Bái.

 

Xác định việc sản xuất theo chuỗi giá trị có vai trò quan trọng trong khu vực kinh tế tập thể, trong những năm qua, các HTX trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã triển khai sản xuất theo chuỗi giá trị, sản phẩm chất lượng xuất khẩu được ra nước ngoài, nâng tầm giá trị các sản phẩm chủ lực đặc sản của tỉnh, làm giàu cho cá nhân, tập thể và cộng đồng, được ví như những con chim đầu đàn trong phong trào kinh tế tập thể tỉnh Yên Bái.

 

 HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (huyện Văn Chấn) có anh Đỗ Tuấn Lương – Phó Giám đốc, là một trong những cán bộ trẻ có trình độ sau khi tốt nghiệp Thạc sỹ kinh tế ở Úc anh được thu hút, mời gọi về làm việc tại HTX theo chính sách thu hút của tỉnh Yên Bái đã “đưa công nghệ 4.0 lên nương chè Kiến Thuận” giúp cho sản phẩm chè của HTX được tiêu thụ tốt tại thị trường trong nước và xuất khẩu đi nhiều quốc gia như: Canada, Mỹ, Đài Loan, Indonesia, Nga, Các quốc gia khối CIS… mang lại thu nhập ngày càng cao cho HTX và thành viên.

 

HTX chè Shan tuyết Phình Hồ tại huyện Trạm Tấu do một số bạn trẻ thành lập HTX với mục tiêu liên kết sản xuất chè theo chuỗi giá trị. Với cách làm sáng tạo của tuổi trẻ, HTX đã dùng công nghệ và các phương tiện truyền thông hiện đại để quảng bá hình ảnh và nâng cao giá trị cây chè shan tuyết cổ thụ Yên Bái, đã đưa các sản phẩm chè lên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiktok shop, Tiktok, facebook…, với hàng trăm ngàn followers và hàng triệu lượt xem, từ đó lượng khách biết đến và tiêu thụ sản phẩm chè qua hình thức onile ngày càng tăng. Tuy mới thành lập nhưng HTX chè Shan tuyết Phình Hồ được đánh giá là mô hình HTX điển hình về chuyển đổi số của tỉnh Yên Bái. Hiện, sản lượng chè búp khô thành phẩm được sản xuất ra đến đâu, cơ bản đã được đưa ra thị trường hết đến đó, thu nhập của thành viên HTX và người lao động là 5,5 – 6 triệu đồng/người/tháng, mang lại cuộc sống no ấm hơn cho đồng bào dân tộc Mông nơi đây.

 

HTX Suối Giàng do chị Lâm Thị Kim Thoa làm Giám đốc. Với những cách làm đổi mới và những nỗ lực không ngừng nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chè Shan Tuyết theo chuỗi giá trị. Đến nay, HTX đã có 4 dòng sản phẩm OCOP 4 sao mang tên “Tuyết Sơn Trà” (gồm Bạch trà, Hồng trà, Diệp trà và Hoàng trà) không chỉ tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đi Nhật Bản và Châu Âu; Doanh thu của HTX Suối Giàng luôn đảm bảo năm sau cao hơn năm trước, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 thành viên HTX và người lao động với thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng và tạo sinh kế bền vững cho hàng trăm hộ đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương với thu nhập ổn định từ cây chè Shan Tuyết. Tháng 4 năm 2024 này, HTX Suối Giàng vinh dự được Liên minh HTX Việt Nam vinh danh Ngôi sao Hợp tác xã năm 20224 “CoopStar Awards 2024”.

Chị Lâm Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX Suối Giàng vinh dự nhận giải Ngôi sao HTX Việt Nam năm 2024 “CoopStar Awards 2024”

 

 

Bắt tay cùng làm giàu là các Hợp tác xã, doanh nghiệp trong chuỗi trồng, thu mua, chế biến sản phẩm Măng tre Bát Độ, tiêu biểu: Hợp tác xã măng tre Bát Độ Hưng Khánh (Trấn Yên),  HTX tre măng bát độ Mỹ Gia (Yên Bình), HTX dịch vụ tổng hợp Ngọc Dư (Lục Yên) và Công ty TNHH An Dũng (Trấn Yên), Công ty cổ phần Yên Thành (Yên Bình)…; Sản phẩm Măng tre Bát Độ được tiêu thụ rất tốt ở thị trường trong nước, đặc biệt, sản phẩm măng tre Bát Độ cũng được đón nhận ở các nước phát triển như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và một số nước Châu Á, Châu Âu khác…  Doanh thu của các HTX, Doanh nghiệp trong chuỗi giá trị măng tre Bát Độ ngày càng tăng, đóng góp tích cực vào Ngân sách Nhà nước, thu nhập của thành viên và người lao động trong các HTX và Doanh nghiệp này là từ 7-10 triệu đồng/người/tháng. Với hiệu quả mà từ chuỗi giá trị tre măng Bát Độ mang lại, các HTX, doanh nghiệp và người dân đã và đang ngày càng “bắt tay” chặt chẽ để cùng nhau phát triển sản xuất, kinh doanh làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Sản phẩm măng Bát Độ sau chế biến đã đáp ứng được yếu cầu khắt khe của thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Ảnh minh hoạ)

 

 

Một điển hình nữa là HTX Thuỷ sản Hoàng Kim với phương châm sản xuất theo chuỗi khép kín từ khâu chăn nuôi đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Năm 2021 HTX chính thức liên kết với công ty TNHH Chế biến thủy sản sạch Hải Hà chế biến các sản phẩm từ nguồn cá Hồ Thác Bà được nhiều người tiêu dùng đón nhận, bởi chất lượng sản phẩm đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện, HTX có 4 sản phẩm: xúc xích cá lăng, chả cá lăng, giò cá lăng và ruốc cá lăng đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Năm 2023, sản lượng bán ra đối với các sản phẩm cá đã qua chế biến của HTX đạt khoảng 5 tấn, còn sản lượng cá thương phẩm đạt khoảng 400 tấn. Doanh thu trong năm 2023 của HTX đạt trên 20 tỷ đồng, thu nhập trung bình dao động từ 7 – 9 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình nuối cá trên Hồ Thác Bà của HTX Thuỷ sản Hoàng Kim

 

 

Cùng với đó, HTX Sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh (HTX Hiền Vinh) cũng đã liên kết với các HTX trên địa bàn tỉnh để thu mua, chế biến và tiêu thụ các đặc sản nông, lâm, thủy sản của tỉnh. Đến nay, HTX đã có tới 5 đặc sản OCOP 3 sao được chế biến từ các nông sản và thuỷ sản đặc sản của tỉnh như: Cá mương sấy Hồ Thác Bà, Cá Rô lọc xương sấy Hồ Thác Bà, Thịt Trâu sấy gác bếp, Thịt Lợn sấy Hiền Vinh, Lạp sườn gác bếp Hiền Vinh. Đặc biệt, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể trên địa bàn tỉnh xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP, hiện HTX có cửa hàng rộng 100 m2 mặt đường trung tâm Thị trấn Yên Bình để giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các đặc sản OCOP tỉnh Yên Bái. Doanh thu của HTX luôn tăng trưởng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 thành viên và người lao động với mức thu nhập 5,5 triệu đồng/người/tháng…

 

 Từ những mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị hiệu quả tại Yên Bái trên đây, cho thấy Kinh tế tập thể, HTX có vai trò, vị trí quan trọng trong giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống cho người lao động, tạo sự ổn định xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội ở mỗi địa phương và quốc gia.

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here