Sáng nay – 2/12, tại Hội trường Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với nông dân và thanh niên năm 2024 với chủ đề: “Nông dân và thanh niên Yên Bái với chuyển đổi số và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội”.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại điểm cầu trung tâm tỉnh kết nối trực tuyến tới 08 điểm cầu của các huyện, thị xã, với sự tham gia của hơn 1.000 hội viên nông dân và đoàn viên thanh niên.
Đồng chí Trần Huy Tuấn – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị đối thoại. Đồng chủ trì Hội nghị có đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Đây cũng là lần thứ 2, hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Yên Bái với nông dân và thanh niên được tổ chức.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại trực tiếp và trực tuyến với các ngành, các giới, các giai tầng xã hội trên địa bàn tỉnh với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo về nội dung và hình thức tổ chức. Nội dung đối thoại được tập trung theo chủ đề phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu của đối tượng đối thoại, với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển hiện nay.
Các hội nghị đối thoại là dịp để lãnh đạo tỉnh truyền thông chính sách, thông tin tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh và những vấn đề nhân dân quan tâm. Qua mỗi lần đối thoại, các kiến nghị, đề xuất chính đáng, phù hợp đã được tiếp thu để nghiên cứu xây dựng, ban hành, điều chỉnh các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; nhiều kiến nghị được giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người đối thoại.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn phát biểu khai mạc Hội nghị đối thoại.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại điểm cầu tỉnh kết hợp nối trực tuyến tới 08 điểm cầu của các huyện, thị xã với sự tham gia của hơn 1.000 hội viên nông dân và đoàn viên thanh niên.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Hội nghị đối thoại là dịp để Tỉnh ủy, UBND tỉnh đánh giá, ghi nhận những đóng góp của nông dân, thanh niên trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Đây cũng là dịp để lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của nông dân và thanh niên về các vấn đề đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, trong đó có chuyển đổi số.
Trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị đối thoại, Ban Tổ chức đã nhận được rất nhiều ý kiến, đề xuất của hội viên nông dân và đoàn viên, thanh niên trong toàn tỉnh thông qua Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử Sở Nội vụ, Hội Nông dân và Tỉnh đoàn Yên Bái. Các ý kiến, đề xuất của hội viên nông dân và đoàn viên thanh niên đã được chuyển đến các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu và trả lời bằng văn bản.
Chị Trần Thu Huyền – Phó Bí thư Đoàn phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái mong muốn tỉnh sẽ triển khai thêm các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bão số 3 phục hồi sản xuất và ổn định đời sống.
ĐVTN huyện Văn Chấn có ý kiến về những chính sách, định hướng thu hút nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực, ngành nghề lĩnh vực công nghệ thông tin về công tác tại địa phương.
Lắng nghe, thấu hiểu và sẻ chia
Tại Hội nghị trực tuyến, đã có 16 câu hỏi trực tiếp của hội viên nông dân và đoàn viên thanh niên tại các điểm cầu với những đề xuất rất cụ thể, thẳng thắn, sát thực tiễn, tập trung vào các vấn đề về các giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các chính sách hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình kinh tế; các chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống sau bão số 3 (Yagi); công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động; các giải pháp phát huy vai trò của nông dân và thanh niên phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, du lịch, khởi nghiệp, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới bền vững, văn minh, hạnh phúc; xây dựng lối sống đẹp trong thanh niên, góp phần xây dựng văn hóa và con người Yên Bái trong thời kỳ mới.
Đặc biệt, đã có nhiều câu hỏi có liên quan đến chuyển đổi số. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu; với sự phát triển của một số công nghệ mang tính đột phá, như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ mạng 5G, công nghệ sinh học… đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi khía cạnh, từ an ninh – chính trị đến kinh tế, xã hội và cuộc sống của mỗi con người.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh trả lời các kiến nghị của nông dân và thanh niên tại Hội nghị đối thoại.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh giải đáp một số thắc mắc liên quan đến nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh.
Những vấn đề chia sẻ, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu hội viên nông dân và đoàn viên thanh niên đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn; đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh và lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh trực tiếp trả lời đúng – trúng – thoả đáng các câu hỏi đại biểu đưa ra trên tinh thần lắng nghe, thấu hiểu và sẻ chia. Đồng thời cũng nêu rõ những giải pháp trong thời gian tới nằm hỗ trợ nông dân, thanh niên phát triển kinh tế – xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn nhấn mạnh: Trong quá trình chuyển đổi số, thanh niên luôn đóng vai trò quan trọng, lực lượng xung kích đi đầu, là nhân tố tích cực, nhiệt tình, trách nhiệm với nhiệm vụ chuyển đổi số. Chuyển đổi số cũng đã và đang tác động tích cực đến nông dân Yên Bái trong sản xuất, kinh doanh, nhất là trong xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, nâng cao chất lượng, giới thiệu và cung cấp sản phẩm đến với khách hàng.
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn đề nghị các sở, ban, ngành nghiêm túc tiếp thu những ý kiến, kiến nghị tại Hội nghị. Các kiến nghị cần được kết luận rõ ràng hoặc có lộ trình cụ thể về thời gian giải đáp, phản hồi; không để xảy ra tình trạng sau đối thoại, các ý kiến chậm được giải quyết…
Tiếp tục phát huy vai trò, sức mạnh của nông dân, thanh niên trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Ngay sau Hội nghị đối thoại, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; quan tâm chăm lo bồi dưỡng, giáo dục và phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thế hệ trẻ, tạo điều kiện cho thanh niên học tập, phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành; tăng cường gặp gỡ, tổ chức các diễn đàn, đối thoại trực tiếp với nông dân, thanh niên và các tầng lớp nhân dân để kịp thời lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; định hướng, tạo điều kiện thúc đẩy những ý tưởng khởi nghiệp, những cách làm sáng tạo, hiệu quả, tạo động lực có thêm ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng.
Đồng chí giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân, Tỉnh đoàn Thanh niên và các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu đổi mới nội dung, hình thức hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với nông dân, thanh niên hằng năm, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, phát huy hiệu quả, thiết thực với cuộc sống, tránh hình thức, thu hút đông đảo hội viên, đoàn viên tham gia. Trước mắt, nghiên cứu chủ đề đối thoại của năm 2025 theo hướng “Phát huy vai trò, sứ mệnh của nông dân, thanh niên và các lực lượng xã hội khác trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Quang cảnh Hội nghị.
Các cấp hội nông dân tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò là cầu nối giữa chính quyền với nông dân; kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân; thường xuyên nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nông dân đề xuất với các cấp chính quyền giải quyết; làm tốt công tác giám sát và phản biện xã hội; chủ động đề xuất với sở, ngành trong việc đề xuất cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Các tổ chức Đoàn – Hội Liên hiệp Thanh niên phải thực sự đổi mới công tác vận động, tập hợp, đoàn kết, định hướng cho thế hệ trẻ, nhất là phương thức tổ chức các phong trào, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của thanh niên gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; đồng thời, giáo dục, bồi đắp cho đoàn viên, thanh niên tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển và cống hiến.
Đồng chí mong rằng nông dân và thanh niên tỉnh Yên Bái tiếp tục chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số để khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới văn minh, bền vững để ngày càng xuất hiện nhiều mô hình, tấm gương điển hình tiên tiến của nông dân, thanh niên khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân, thanh niên triệu phú, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương; nhiều tấm gương người tốt, việc tốt trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; nhiều người con ưu tú trong học tập, công tác, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, sẵn sàng tâm thế và hành động quyết liệt cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Theo Báo Yên Bái