Liên minh HTX tỉnh Yên Bái làm việc với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

0
553

Chiều ngày 20/6/2023, Liên minh HTX tỉnh Yên Bái đã có buổi làm việc với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, trao đổi các nội dung về thực hiện Nghị định 98/2018/NĐ-CP tại địa phương.

 

Dự buổi làm việc, có đồng chí Phạm Ngọc Hữu – Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh và đại diện các lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, Về phía Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn có Ông Ngô Sỹ Đạt – Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp (Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn) và các thành viên.

Quang cảnh buổi làm việc

 

 

Tại buổi làm việc, Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Yên Bái đã báo cáo, trao đổi các nội dung về thực hiện Nghị định 98/2028/NĐ-CP tại địa phương; tình hình hỗ trợ và các các khó khăn, vướng mắc trong việc hỗ trợ các HTX nông nghiệp phát triển liên kết ở địa phương; đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hợp tác, liên kết theo Nghị định 98/2028/NĐ-CP. Đồng thời, trao đổi các nội dung về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các HTX nông nghiệp.

 

  Hiện, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 400 HTX nông nghiệp chiếm 58% tổng số HTX toàn tỉnh (692HTX). Các HTX đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp đầu tư máy móc, đào tạo kỹ thuật chế biến và bao tiêu sản phẩm cho HTX; HTX tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch, tổ chức thu mua nguyên liệu, sản xuất, sơ chế theo tiêu chuẩn và đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

 

Trong những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã xây dựng và thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chuyên canh với quy mô lớn, với các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, gồm: Vùng Quế gần 80.000ha, tre măng Bát độ 6.600 ha, sơn tra gần 10.000 ha, lúa đặc sản chất lượng cao 3000ha, cây ăn quả gần 10.000 ha, chè 8.000 ha…), nguyên liệu gỗ rừng trồng sản xuất 220.000 ha, chăn nuôi đại gia súc với 130.000 con và nuôi thủy sản trên 2.600 ha… Đồng thời, ban hành Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025 với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân.

 

 Đến tháng 3/2022, tổng số tổ hợp tác, HTX tham gia thực hiện chính sách theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh là 30 THT, HTX.

 

Một số HTX được hỗ trợ kinh phí để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị điển hình là: HTX Lũng Lô được hỗ trợ 2,8 tỷ đồng xây dựng dự án phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm dược liệu; HTX Miến đao Giới Phiên hỗ trợ gần 1,0 tỷ đồng xây dựng dự án phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miến đao Giới Phiên, nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

 

Cùng với đó, một số HTX đã bước đầu tham gia phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bằng việc xây dựng quy trình, đầu tư máy móc thiết bị đáp ứng yên cẩu sản xuất khép kín, tận dụng sản phẩm rác thải chế biến thành nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp khác như: HTX 6/12 Đào Thịnh, dùng lá quế sau khi chưng cất tinh dầu chế biến thành nguyên liệu chất đốt; HTX Công Tâm lại sử dụng lá quế sau khi chưng cất tinh dầu làm phân bón cho cây trồng…

 

Tuy nhiên, hoạt động của phần lớn HTX nhất là các HTX lĩnh vực nông nghiệp vẫn đối mặt nhiều khó khăn như quy mô vốn, tài sản thấp, tích lũy chậm; tỷ lệ  Hợp tác xã ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia liên kết chuỗi giá trị còn thấp; ứng dụng công nghệ sau thu hoạch còn hạn chế… Số lượng HTX NN phát triển mô hình kinh tế xanh và nông nghiệp tuần hoàn còn ít.

 

Tại buổi làm viêc, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn ghi nhận và đánh giá cao những kết quả về phát triển KTTT, HTX mà Liên minh HTX tỉnh Yên Bái đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời chia sẻ nhiều giải pháp, mô hình đổi mới sáng tạo trong phát triển HTX nông nghiệp bền vững theo xu hướng người dân không chỉ ăn no mà còn tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, đủ chất dinh dưỡng, đồng thời định hướng xây dựng chuỗi ngành hàng nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương./.