Liên minh HTX tỉnh Yên Bái: Làm việc với Đoàn công tác của Uỷ ban Dân tộc và ADB khảo sát về phát triển khu vực Kinh tế tư nhân tại tỉnh Yên Bái

0
371

Chiều ngày 29/3/2023, tại Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, Đoàn công tác của Uỷ ban Dân tộc và ADB khảo sát về phát triển khu vực Kinh tế tư nhân tại tỉnh Yên Bái. Dự buổi làm việc có các thành viên Đoàn công tác của Uỷ ban Dân tộc và ADB; Lãnh đạo và cán bộ Liên minh HTX tỉnh Yên Bái cùng một số Hợp tác xã thành viên.

Quang cảnh Buổi làm việc

 

 

Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có khoảng 3.000 doanh nghiệp, 660 HTX. Năm 2022, các doanh nghiệp, HTX đã đóng góp vào Ngân sách Nhà nước trên 1 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 60% tổng thu cân đối trên địa bàn, tạo việc làm ổn định cho trên 45.000 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân khoảng 6,5-7 triệu đồng/người/tháng, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng khá với cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.

 

Ở tỉnh Yên Bái, việc phát triển Hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị đang được quan tâm và nhân rộng. Nhiều HTX và doanh nghiệp đã liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm có lợi thế của tỉnh, gắn với phát triển du lịch như: Các sản phẩm Quế, tre măng Bát độ, cây ăn quả, chè, dâu tằm, thủy sản…mang lại những kết quả tích cực. Sự liên kết này giúp các HTX xây dựng quy trình sản xuất theo hướng an toàn, bền vững; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn với tiêu thụ; tổ chức nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng cho cán bộ quản lý Hợp tác xã, kỹ năng đàm phán trong ký kết hợp đồng… Từ đó giúp thành viên HTX hiểu được nhu cầu của người tiêu dùng, làm ra những sản phẩm theo yêu cầu, với giá trị kinh tế cao hơn, thay vì sản xuất và tiêu thụ truyền thống “bán cái mình có” như trước.

 

Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn tỉnh đã bước đầu xuất hiện mô hình doanh nghiệp trong HTX (Nhà máy sản xuất dầu FO-R của HTX DVTH Thắng Lợi) và đã và đang dần hình thành các HTX công nghệ cao với việc Doanh nghiệp lo giống, khoa học kỹ thuật, thị trường…, còn người người dân cùng nhau tích tụ ruộng đất và mở rộng sản xuất thông qua Hợp tác xã. Với một số mô hình cụ thể như: Một số HTX chuyên về sản xuất, chế biến măng tre Bát Độ đã liên kết với Công ty Cổ phần Yên Thành (tỉnh Yên Bái) và người dân ở tỉnh Yên Bái và Sơn La để trồng, sơ chế, cung cấp cho Công ty để chế biến sâu và tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu sản phẩm măng tre Bát Độ ra thị trường Nhật Bản, Đài Loan…, hay các HTX chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cây Quế liên kết với các doanh nghiệp và các hộ dân trồng, sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ cây Quế; phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá, gắn việc phát triển vùng nguyên liệu với công nghiệp chế biến; HTX sản xuất và kinh doanh Miến đao Giới Phiên đã liên kết với các hộ thành viên và người dân sản xuất miến đao Giới Phiên, kí hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên với Siêu thị Pig C.

Một số hình ảnh các HTX phát biểu tại buổi làm việc với Uỷ ban Dân tộc và ADB

 

 

 

Từ thực tiễn trên, tại buổi làm việc với đoàn công tác, Liên minh HTX tỉnh và các HTX thành viên đã kiến nghị, đề xuất một số nội dung tập trung vào việc phát triển Kinh tế tập thể gắn với việc phát triển Kinh tế tư nhân đó là:

 

Thứ nhất, để tận dụng được tiềm năng phát triển nhanh, bền vững cho khu vực Kinh tế tập thể và khu vực Kinh tế tư nhân, đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần sớm hoàn thiện chính sách về phát triển mô hình Doanh nghiệp trong HTX trong dự thảo Luật HTX (sửa đổi);

 

Thứ hai, hoàn thiện các cơ chế chính sách thúc đẩy khu vục Kinh tế tư nhân (doanh nhân, doanh nghiệp, hộ cá thể) đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào khu vực KTTT, Hợp tác xã thông qua việc hình thành các HTX công nghệ cao, hoặc liên kết giữa HTX với Doanh nghiệp và với tư nhân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, nhất là trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến; lĩnh vực marketing tiêu thụ sản phẩm…;

 

Thứ ba, mong muốn Chính phủ sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ ưu đãi hơn nữa về đất đai, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, máy móc thiết bị, nguồn nhân lực… giúp doanh nghiệp, HTX, doanh nhân liên kết với nhau cùng phát triển;

 

Thứ tư, có chính sách riêng đối với các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khuyến khích các trí thức trẻ có trình độ từ đại học trở lên, có chuyên ngành phù hợp đến làm việc có thời hạn tại các HTX, Liên hiệp HTX tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong thời gian đến làm việc tại các HTX, Liên hiệp HTX sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần tiền công và được hưởng một số chính sách ưu đãi do cơ quan có thẩm quyền quy định.