Liên minh HTX tỉnh Yên Bái và các đơn vị thành viên dự buổi làm việc với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về khảo sát chính sách phát triển Kinh tế tập thể vùng dân tộc thiểu số

0
329

Sáng nay, ngày 17/3/2023 tại Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã làm việc với Liên minh HTX tỉnh và một số đơn vị thành viên về khảo sát chính sách phát triển Kinh tế tập thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Quang cảnh buổi làm việc

 

 

Dự Buổi làm việc có Bà Trần Thị Hoa Ry – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đại diện cho Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, chuyên viên Vụ Dân tộc – Văn phòng Quốc hội, chuyên gia ADB; Lãnh đạo và cán bộ Liên minh HTX tỉnh Yên Bái và 09 Hợp tác xã có lãnh đạo, quản lý là người Dân tộc thiểu số (DTTS), HTX có nhiều thành viên là người DTTS thuộc một số địa bàn của tỉnh Yên Bái.

 

 Nội dung buổi làm việc tập trung vào việc tham vấn, làm rõ những khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật trong việc phát triển Kinh tế tập thể ở vùng đồng bào DTTS; Làm rõ những tác động, ảnh hưởng của Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) đến các tổ chức KTTT, các hộ gia đình thuộc vùng đồng bào DTTS; Trao đổi, thống nhất các giải pháp, kiến nghị sửa đổi Luật HTX và các chính sách có liên quan.

Bà Trần Thị Hoa Ry – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nêu một số nội dung cần tham vấn vào dự thảo Luật HTX sửa đổi

 

 

 

Tại Hội nghị, đồng chí Trần Thị Hoa Ry – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và các thành viên đoàn công tác của Hội đồng dân tộc của Quốc hội đã được nghe Liên minh HTX tỉnh và các đơn vị thành viên phát biểu ý kiến, nêu những khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất những nội dung vào Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) với một số nội dung cơ bản như sau:

Đ/c Đỗ Nhân Đạo – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái phát biểu tham gia ý kiến vào dự thảo Luật HTX (sửa đổi)

 

 

 

Thứ nhất: Về tên gọi, đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật HTX (sửa đổi) vì trong thực tiễn, HTX là nòng cốt, đại diện và đặc trưng cho thành phần Kinh tế tập thể và tên gọi này bao năm qua gắn liền với HTX và gần gũi với người dân từ Luật HTX 1996, Luật HTX năm 2003 và Luật HTX năm 2012. Cả hệ thống chính trị và thành viên, người lao động trong khu vực KTTT và Nhân dân đã quen với tên gọi này, ngắn gọn, dễ hiểu, thuận lợi cho tuyên truyền và áp dụng pháp luật; đồng thời thể hiện sự thống nhất và nhất quán với nội dung chỉ đạo của Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 20).

 

 

Thứ hai: Đề nghị tiếp tục chỉnh sửa/bổ sung Dự thảo Luật, có chính sách riêng đối với các HTX tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi, với  đặc điểm kinh tế – xã hội, điều kiện tự nhiên, việc phát triển KTTT, HTX là rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu tổ chức sản xuất, tập quán, trình độ của vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).

Về cơ chế, chính sách phát triển Kinh tế tập thể vùng DTTS, đề nghị nghiên cứu bổ sung chính sách ưu tiên nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức là người DTTS và vùng đồng bào DTTS và MN phát triển mô hình KTTT, HTX, nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào DTTS, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, qua đó giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo và giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.

Ông Hà Ngọc Toanh – Chủ tịch HĐQT HTX Hồng Ca (huyện Trấn Yên)  tham gia ý kiến vào dự thảo Luật HTX sửa đổi

 

Đại diện HTX nông nghiệp và du lịch Nà Hẩu (huyện Văn Yên), HTX Thái Sơn (huyện Lục Yên) phát biểu ý kiến tham gia vào Luật HTX sửa đổi

 

 

 

Thứ ba: Luật cần được chi tiết, cụ thể hơn, tránh xây dựng Luật khung, Luật ống; như cần quy định rõ tỷ lệ quỹ đất dành cho phát triển Kinh tế tập thể, HTX nói chung và đối với vùng đồng bào DTTS, MN nói riêng là bao nhiêu %; quy định rõ Nhà nước cần bố trí tối thiểu bao nhiêu tỷ đồng, hoặc bao nhiêu % tổng thu Ngân sách của Trung ương và địa phương cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở địa phương; điều kiện tiếp cận và thụ hưởng Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX nói riêng và các chính sách khác liên quan đối với HTX hoạt động ở vùng đồng bào DTTS, MN ra sao.

 

 

Thứ tư: Kiến nghị quy định rõ tỷ lệ số lượng thành viên HTX vùng đồng bào DTTS, MN có số thành viên đông, số thành nữ, thành viên là người DTTS đông là bao nhiêu so với vùng có điều kiện kinh tế thuận lợi, vùng đồng bằng…để được thụ hưởng chính sách ưu tiên.

 

 

Thứ Năm: Kiến nghị cần đưa vào Luật quy định giao Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX cấp tỉnh quản lý và điều hành hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; Cần làm rõ mức kinh phí hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX nói chung và HTX thuộc đồng bào DTT và MN nói riêng là bao nhiêu thì phải nộp báo cáo Kiểm toán và nên quy định giao Hệ thống Liên minh HTX Việt nam thực hiện nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về kết quả Kiểm toán HTX để được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.

 

 

Thứ sáu: Về quy định số thành viên tối thiểu để thành lập HTX và THT, đề nghị đối với HTX, tối thiểu phải có từ 7-10 thành viên tham gia; đối với THT đề nghị tối thiểu phải có ít nhất từ 03 thành viên trở lên, đồng thời phải được chính quyền địa phương (UBND) cấp xã chứng thực đăng kí thành lập THT, hoặc chứng thực Hợp đồng liên doanh – liên kết đối vưới THT.

 

 

Thứ bảy: Đề nghị nên quy định việc xử lý tài sản không chia hình thành từ nguồn trích từ kết quả, lợi nhuận của hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX được giải quyết cho các thành viên của HTX, thay vì giao cho chính quyền địa phương (vì tài sản này được hình thành từ sự đóng góp của thành viên HTX) có như vậy mới khuyến khích phát triển nguồn quỹ này để phục vụ và phát triển hoạt động của HTX.

 

 

Thứ tám: Về tổ chức đại diện – Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, đề nghị giữ nguyên các quy định tại Luật HTX năm 2012 đối với hệ thống Liên minh HTX, đồng thời nghiên cứu bổ sung quy định tăng cường hơn vai trò, quyền của Liên minh HTX từ Trung ương đến địa phương với các cơ chế đảm bảo về kinh phí, phương tiện và điều kiện hoạt động và hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện cho tổ chức này hoạt động theo đúng chủ trương được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng, bởi trong thực tiễn ở nước ta hiện đang tồn tại hệ thống Liên minh HTX gồm Liên minh HTX Việt Nam ở Trung ương và Liên minh HTX cấp tỉnh đang được giao các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển KTTT; thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về phát triển Kinh tế tập thể, hợp tác xã.

 

 

Thứ chín: Về một số ý kiến đề xuất khác: Đề nghị tiếp tục có những chính sách khuyến khích các trí thức trẻ có trình độ từ đại học trở lên, có chuyên ngành phù hợp đến làm việc có thời hạn tại các HTX, liên hiệp HTX tại vùng đồng bào DTTS &MN; Có chính sách riêng nhằm ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS &MN nhất là giao thông để tăng cường giao thương thúc đẩy sản xuất hàng hóa, cải thiện điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin cho người dân; Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh Yên Bái; Tạo điều kiện hơn nữa cho sản phẩm của các HTX tỉnh Yên Bái đến với thị trường trong nước và quốc tế./.