Tại bản Chiềng, xã Hồng Ca, trong ngôi nhà cấp 4 đã cũ, bà Nguyễn Thị Chanh bộc bạch, bà sinh năm 1953, có bốn người con đã xây dựng gia đình riêng. Không may, một con trai mất sớm để lại hai con nhỏ. Chia sẻ với con dâu, bà nhận một cháu về nuôi hơn 10 năm nay. Do ít đất sản xuất, nên ngoài canh tác gần ba sào lúa nước, thời gian còn lại bà Chanh đi làm thuê tại các xưởng gỗ bóc, thu nhập bấp bênh, chỉ đủ tiền cho cháu ăn học. Năm 2018, ngoài việc phát triển hơn 1.200 ha cây tre măng bát độ, hơn 2.500 ha cây quế, xã Hồng Ca bước đầu đưa cây dâu tằm vào trồng thử.
Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nuôi và giống tằm mới, cứ khi vào kén thì tằm lại chết, người nuôi chán nản nên diện tích dâu chỉ còn 13 ha. Đến năm 2021, còn 10 hộ kiên trì trồng dâu, nuôi tằm và mở rộng diện tích lên 26 ha với giống dâu mới cho năng suất cao hơn. Với sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, người dân sử dụng né ô vuông (một dụng cụ nuôi tằm bằng gỗ) thay cho né tre truyền thống; làm tốt việc xử lý vệ sinh triệt để “hai tiêu, hai rửa” tức là toàn bộ dụng cụ nuôi tằm như: thớt thái dâu, vải phủ dâu, bao đựng dâu, nong, né, guốc dép… được phun dung dịch phoocmol 4% ủ kín 24 giờ, sau đó phơi khô và phun lại lần hai rồi mới nuôi tằm.
Là hộ nghèo nên năm 2022 bà Chanh được vay vốn mở rộng đất trồng dâu từ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, làm được một nhà nuôi tằm rộng 150 m2 lợp lá cọ bảo đảm thoáng mát. Nhờ chăm chỉ, vợ chồng bà Chanh chăm sóc tốt gần 1 ha dâu, áp dụng đúng, đủ hướng dẫn kỹ thuật, nên vụ tằm năm 2022, thu nhập đủ chi phí và có lãi chút ít. Vụ tằm năm 2023, qua 12 vòng kén, bà thu về 66 triệu đồng khi đã trừ hết chi phí. Vụ xuân 2024, qua ba vòng tằm, trừ hết các chi phí, gia đình thu về hơn 30 triệu đồng. Bà Chanh phấn khởi làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo, khi gia đình nhờ trồng dâu nuôi tằm mà có của ăn của để.
Đồng chí Phạm Xuân Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Ca cho biết: Năm 2019 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hiện nay có 7/13 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 5,72%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 9,43%, phấn đấu hết năm 2024 đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Thực hiện Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 38 hộ trên địa bàn xã Hồng Ca được hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề, mua sắm máy móc, nông cụ làm dịch vụ sản xuất nông, lâm nghiệp… đã thoát nghèo. Bà Nguyễn Thị Chanh thuộc diện hộ nghèo, được hỗ trợ sản xuất, nhờ làm ăn chăm chỉ, đã viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Đây là tấm gương tiêu biểu vượt khó, cần được nhân rộng để các hộ nghèo khác học tập vươn lên làm chủ cuộc sống.
Ông Trần Ngọc Thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trấn Yên cho biết, diện tích cây dâu toàn huyện đến nay đạt 999 ha, với 1.553 hộ trồng dâu, nuôi tằm thuộc 15 xã, thị trấn. Có 15 hợp tác xã đang hoạt động về lĩnh vực này, 98 tổ hợp tác và có 968 thành viên thuộc các tổ hợp tác. Toàn huyện có 25 cơ sở nuôi tằm con tập trung và có 1.377 hộ có nhà nuôi tằm lớn. Giá kén tằm (kén trắng) dao động từ 150.000-210.000 đồng/kg, kén loại A được Công ty Dâu tằm tơ Yên Bái thu mua 100% với giá cao, ổn định đã giúp cho người dân yên tâm sản xuất. Sản lượng kén tằm thu trong tháng 3 được 215,8 tấn kén, giá trị ước đạt hơn 35 tỷ đồng.
Hiện nay, Trấn Yên tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân trồng mới diện tích dâu bằng giống dâu mới, với phương pháp kỹ thuật mới như ươm cây con, hom cành; áp dụng các kỹ thuật nuôi và chăm sóc tằm con, tằm lớn như: nuôi tằm trên khay trượt, nuôi tằm trong nhà lạnh…, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm. Điều này sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm dâu tơ tằm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện bộ mặt nông thôn miền núi.