Sáng ngày 15/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là sự kiện quan trọng nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX), từ đó tìm ra giải pháp thúc đẩy khu vực này phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Tất cả hướng đến ấm no hạnh phúc của người dân
Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, hoàn thiện các báo cáo tổng kết.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Đánh giá một cách toàn diện, Thủ tướng yêu cầu thảo luận và làm rõ đánh giá khách quan, cụ thể tình hình Nghị quyết 13 và Luật HTX 2012, từ đó chỉ rõ kết quả làm được, chưa làm được, tìm ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm.
“Nguyên nhân là do chúng ta chưa quan tâm, hay do thể chế còn vướng mắc, tổ chức thực hiện”, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chung là phải đôn đốc, kiểm tra, lắng nghe thực tế thường xuyên. Còn cứ chờ 5, 10 năm sơ kết, tổng kết thì những hạn chế không được xử lý kịp thời.
Thủ tướng yêu cầu đánh giá chính xác tình hình KTTT, HTX, kết quả nào đột phá, những gì còn trì trệ, yếu kém. Từ đó phân tích cơ hội, thách thức với KTTT, HTX trong thời gian tới.
Đặc biệt, xác định trong bối cảnh mới, KTTT, HTX sẽ phát triển ra sao. Theo đó, Thủ tướng cho rằng HTX muốn phát triển sản phẩm theo chuỗi thì phải có liên kết, liên doanh, thương hiệu.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh thể chế vướng mắc thì có thể tháo gỡ, vấn đề xây dựng thương hiệu rất quan trọng, khi có thương hiệu thì phải xây dựng được vùng nguyên liệu.
Về khoa học công nghệ, nếu không có thì khó phát triển, khó cạnh tranh và nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, huy động nguồn vốn, quản trị, bao bì, mẫu mã thế nào? “Đây là vấn đề cần mổ xẻ, trên cơ sở đó chúng ta mới đạt được mục tiêu đề ra”, Thủ tướng lưu ý thực tiễn luôn luôn thay đổi, diễn biến mới luôn luôn xuất hiện.
Thủ tướng cho rằng cần có giải pháp để khu vực KTTT phát triển trong thời gian tới, nhất là khu vực nông thôn, muốn phát triển thì cần có sự liên doanh, liên kết, tích tụ ruộng đất. “Tất cả hướng đến ấm no hạnh phúc của người dân”. Người đứng đầu Chính phủ lưu ý vì sao thụ hưởng chính sách của người dân về chính sách KTTT, HTX có nơi được, nơi chưa được.
Nông nghiệp muốn phát triển thì cần đầu tư vào HTX
Dẫn lại lời thư của Bác Hồ viết gửi Điền chủ nông gia Việt Nam năm 1946: “HTX là hợp vốn, hợp sức lại với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà ích lợi nhiều”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng HTX không chỉ là mô hình kinh tế đơn thuần, phong trào có tính thời điểm. Từ khi hình thành, mô hình HTX phổ biến khắp thế giới, điểm tựa vững chắc cho phát triển HTX nông nghiệp. Phát triển HTX giúp xoá bỏ điểm nghẽn, manh mún, nhỏ lẻ, sức cạnh tranh kém của ngành nông nghiệp. Dù đất đai phân mảnh nhưng tư duy không rời rạc.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.
HTX là tổ chức đại diện cho nhiều nông dân, liên kết với DN, tạo dựng hệ sinh thái nông thôn. “Đây là cách mạng tư duy sản xuất, nếu HTX không phát triển đúng bản chất thì mục tiêu sản lượng, doanh thu chỉ mang tính chất nhất thời”, ông Hoan nhấn mạnh.
HTX cần phát triển theo chiều sâu mới là thành công. HTX gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản, phổ biến ứng dụng công nghệ cao. HTX phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đa giá trị, tạo thêm cơ hội việc làm ở khu vực nông thôn.
Mục tiêu về số lượng HTX đạt được, giờ cần nâng cao hiệu quả, chất lượng HTX; Mở rộng quy mô hoạt động, quy mô thành viên; phát triển HTX hài hòa lợi ích người nông dân, lợi nhuận để đầu tư, tái sản xuất.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển KTTT. Thực tế chứng minh, lãnh đạo nào quan tâm thì địa phương đó có nhiều HTX hoạt động chất lượng; Quan tâm hỗ trợ HTX bằng nguồn lực đã có gắn với chiến lược nông thôn bền vững; Giúp HTX trở thành đầu mối cung cấp hàng hoá, dịch vụ; hỗ trợ HTX hạ tầng, logistics, chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp; Tập trung xây dựng mô hình thí điểm HTX bền vững, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ổn định cho các doanh nghiệp; Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực…
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, nông nghiệp muốn phát triển cần đầu tư vào HTX. “HTX, HTX, HTX hay không có gì cả. Do vậy, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn tới HTX, đây cần là khu vực trung tâm triển khai chương trình mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân”, ông Hoan nhấn mạnh.
Cần đánh giá cả giá trị gia tăng của khu vực KTTT, HTX từ sự liên kết, hợp tác
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đánh giá, nhiều nội dung quy định tại Nghị quyết 13 -NQ/TW về kinh tế tập thể đã được thể chế hoá, thực hiện, thúc đẩy KTTT phát triển trong 20 năm qua.
Qua quá trình thực hiện, Liên minh HTX Việt Nam thấy rằng có những bài học như ở các ngành, lĩnh vực, địa phương nào có sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị, khu vực KTTT phát triển có chất lượng và nhanh chóng.
Bên cạnh đó, để khu vực KTTT, HTX phát triển thì cần hoàn thiện thể chế, cơ cấu hạ tầng nông thôn, miền núi. Đồng thời, Nhà nước cần đẩy mạnh cải thiện, nâng cao đội ngũ nhân sự quản trị HTX để phát triển theo chuỗi giá trị.
Đặc biệt, các HTX cần phát huy lợi thế quy mô thành viên, nơi nào thu hút đông thành viên thì nơi đó kinh tế – xã hội phát triển.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo.
Liên quan tới đánh giá tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTT, HTX đang có xu hướng giảm, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng cần thống kê, đánh giá cả giá trị gia tăng của khu vực này do sự liên kết, hợp tác của khu vực HTX thì chưa được đánh giá.
Theo đó, Liên minh HTX Việt Nam kiến nghị cần ban hành Nghị quyết mới về phát triển KTTT, HTX gắn với tình hình mới. KTTT, HTX là thành phần quan trọng nền kinh tế quốc dân, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn xanh, phát huy tối đa lợi thế của địa phương.
KTTT, HTX liên kết rộng rãi hộ lao động, tổ chức hoạt động theo nguyên tắc hot động dân chủ. KTTT, HTX cần phát triển trong ngành lĩnh vực, địa bàn nông thôn, thành thị. Đồng thời, đổi mới, nâng cao vai trò quản trị nhà nước trong phát triển KTTT.
“Mục tiêu phát triển nhanh, bền vững khu vực KTTT, mang lại lợi ích kinh tế phúc lợi ngày càng cao, đồng thời xây dựng hệ thống Liên minh HTX Việt vững mạnh”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.
Về tổng kết 10 năm xây dựng Luật HTX, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng Luât HTX 2012 đã tạo khuôn khổ pháp luật, thúc đẩy HTX phát triển nhưng vẫn còn những tồn tại như: đăng ký tổ chức lại, giải thể phá sản chưa thuận lợi như doanh nghiệp; hạn chế nguồn lực.
Liên minh HTX Việt Nam kiến nghị cần ban hành Luật HTX mới sửa đổi, khắc phục các bất cập đã được phát hiện; đồng thời Luật HTX sửa đổi cần hướng đến cả HTX phi nông nghiệp, điều chỉnh được cả HTX quy mô lớn.
Khu vực KTTT, HTX đã có bước phát triển mới về chất và lượng
Báo cáo tóm tắt Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 – NQ/TW ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá trong 20 năm qua, cùng với quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực KTTT đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau trong đó có những thuận lợi và khó khăn, thách thức nhất định. Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình HTX kém hiệu quả sang mô hình HTX tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Toàn cảnh hội nghị.
Khu vực KTTT với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, trong đó nòng cốt là HTX là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường. Bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, sau 20 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế, khu vực KTTT của nước ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, chưa phát huy được tối đa tiềm năng của mình trong hỗ trợ phát triển kinh tế thành viên cũng như đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước.
Điều đó đặt ra nhiệm vụ phải tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, tìm ra những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân và rút ra các bài học kinh nghiệm để đề xuất định hướng, giải pháp phát triển KTTT thời gian tới phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng phát triển mới, phục vụ việc xây dựng dự thảo Nghị quyết mới về KTTT.
Trên cơ sở báo cáo tổng kết của 10 bộ, ngành, cơ quan Trung ương, 3 báo cáo khảo sát thực tế, 16 báo cáo chuyên đề, 12 hội thảo chuyên gia và báo cáo tổng kết của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp và xây dựng báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW.
Về một số kết quả đạt được sau 20 năm thực hiện Nghị quyết, Bộ KH&ĐT cho biết, việc thống nhất nhận thức và quan điểm phát triển, tạo tâm lý xã hội thuận lợi cho KTTT, HTX phát triển đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Việc xác lập môi trường thể chế và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển KTTT, HTX đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện.
Khu vực KTTT, HTX đã có bước phát triển mới về chất và lượng, đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài và ngày càng khẳng định được tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi, tổ chức lại các HTX theo quy định của Luật HTX cơ bản được hoàn thành, nhiều HTX được thành lập.
Số lượng HTX tăng, hoạt động đa dạng trên các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Đến 31/12/2021, cả nước có 27.342 HTX, tăng 16.420 HTX (gấp 2,5 lần) so với năm 2001; khu vực HTX thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Trong tổng số 27.342 HTX, HTX nông nghiệp chiếm 67,03%; HTX thương mại, dịch vụ chiếm 7,49%; HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp chiếm 9,05%; HTX giao thông vận tải chiếm 6,7%; Quỹ tín dụng nhân dân chiếm 4,32%; HTX xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 3,23%, HTX môi trường chiếm 1,75% và HTX khác chiếm 0,43%.
Đặc biệt, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, kết hợp với công tác phối hợp hiệu quả giữa Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, Liên minh HTX Việt Nam ngày càng được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển KTTT
Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng cho biết một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân sau 20 năm thực hiện Nghị quyết. Tuy đã có những chuyển biến tích cực, nhưng khu vực KTTT vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Một số mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đặt ra nhưng chưa đạt mục tiêu hoặc thực hiện chưa đầy đủ.
Đơn cử, tốc độ tăng trưởng khu vực KTTT còn thấp và tỷ trọng đóng góp vào GDP giảm liên tục, không đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra…
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, trong thời gian tới, KTTT, HTX phát triển trong bối cảnh có nhiều cơ hội và thách thức đan xen với nhau. Sau 35 năm đổi mới, kinh tế nước ta có nhiều thay đổi tích cực, quá trình đô thị hóa nhanh diễn ra nhanh chóng, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu của nền kinh tế còn lớn.
Trong bối cảnh đó, mục tiêu tổng quát phát triển KTTT, HTX trong thời gian tới là phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của KTTT, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia. Không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống và bảo đảm an sinh xã hội cho các thành viên, tham gia mạnh mẽ vào sự nghiệp hiện đại hóa, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Để thực hiện thành công các mục tiêu nêu trên, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như thống nhất và nâng cao nhận thức về KTTT; tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp của các bộ ngành, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT, HTX; hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để KTTT phát triển.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, chính sách nhằm phát triển KTTT, HTX, nhưng việc thúc đẩy phong trào HTX phát triển hơn nữa trong thời gian tới rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội.
“Hơn ai hết, người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tinh thần của Nghị quyết, cũng như vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong phát triển kinh tế – xã hội. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn không có chỗ đứng, không có khả năng cạnh tranh và không thể tồn tại. Vì vậy, hợp tác là con đường tất yếu để cùng phát triển”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Một số quy định Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành bị lạc hậu
Về báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật HTX năm 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2013, là khung pháp lý cơ bản cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của khu vực HTX.
Các HTX bước đầu thể hiện chuyển biến về chất lượng, hiệu quả, chứng tỏ ngày càng rõ nét hơn vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, cho thấy những tín hiệu mới trong công cuộc phát triển HTX.
Theo đó, công tác xây dựng, ban hành, phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX, tuyên truyền về mô hình HTX kiểu mới được thực hiện khá đầy đủ ở Trung ương và địa phương dưới nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng cho cán bộ quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, thành viên, người lao động trong HTX và các tầng lớp nhân dân.
Bộ máy quản lý và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về KTTT, HTX được củng cố, tăng cường hơn ở các cấp, các ngành. Đồng thời, chính sách hỗ trợ của Nhà nước riêng cho khu vực KTTT, HTX đã bước đầu được triển khai.
Đặc biệt, phát triển khu vực KTTT, HTX đã có chuyển biến tích cực. Năm 2021 cả nước có 27.445 HTX, liên hiệp HTX, tăng khoảng 41% so với năm 2013; số lao động thường xuyên duy trì khoảng 1,1-1,2 triệu lao động/năm. Doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng dần qua các năm.
Năm 2020, doanh thu bình quân đạt 4,3 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 314 triệu đồng/HTX, tương ứng tăng 61% và 88% so với năm 2013. Những năm gần đây, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX tăng và ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp, từ mức 44,6 triệu đồng/người/năm, bằng 44,8% mức thu nhập của lao động trong khu vực doanh nghiệp năm 2017 đã tăng lên 52,8 triệu đồng/năm và đạt 47,3% tương ứng năm 2019.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận mặc dù đạt được những kết quả nhất định, thực hiện Luật HTX gần 10 năm qua đã cho thấy không ít các hạn chế, bất cập đến từ các quy định của các văn bản pháp luật, cũng như từ quá trình tổ chức triển khai thi hành luật.
Cụ thể, nhiều quy định đã lạc hậu, gây mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở sự phát triển của HTX. Đồng thời, chưa quy định thống nhất các tổ chức kinh tế hợp tác và các tổ chức đại diện HTX trong một Luật chung. Nhiều quy định hạn chế sự gia nhập, hoạt động và mở rộng thị trường của HTX như: Chưa có các quy định “mở” cho nhiều đối tượng có thể tham gia HTX; Quy định về kiểm toán HTX chưa rõ ràng, chưa cụ thể nên hầu như chưa được triển khai trên thực tế; các quy định về giải thể HTX chưa phù hợp hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể, xung đột với quy định pháp luật khác.
Hiệu quả của Luật HTX chưa cao thể hiện ở một số khía cạnh như đóng góp vào GDP của nền kinh tế thấp và liên tục giảm (từ trên 4,03% năm 2013 xuống còn gần 3,6% năm 2020). Phát triển khu vực KTTT không những không đạt, mà ngày càng xa mục tiêu “phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế” tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX đã đề ra.
Bên cạnh đó, số lượng thành viên bị sụt giảm đáng kể, số lượng thành viên là tiêu chí quan trọng để đánh giá tính hợp tác và chất lượng phát triển của HTX.
Ngoài các nguyên nhân khách quan do sự phát triển vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu và dịch bệnh, tình hình phức tạp của kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới, tác động của sự hội nhập và phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ của đất nước, … Nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, như một số quy định Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành bị lạc hậu, chưa phù hợp với nhiều quy định pháp luật khác và yêu cầu thực tiễn ở nước ta hiện nay. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục còn yếu, chưa thường xuyên, chưa có hệ thống. Giáo dục, đào tạo chính quy nguồn nhân lực cho khu vực KTTT, HTX còn bỏ trống.
Bên cạnh tiếp tục triển khai các giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo thường xuyên, có hệ thống; Xây dựng các mô hình HTX hiệu quả, liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học kỹ thuật; Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho khu vực KTTT, HTX… giải pháp sửa đổi Luật HTX năm 2012 trong thời gian tới có ý nghĩa quan trọng, mang tính đột phá.
Để đạt được mục tiêu tạo hành lang pháp lý thông thoáng, bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của HTX, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững. Thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội thì cần nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý theo 05 nhóm chính sách gồm: Hoàn thiện các quy định về bản chất HTX; Hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác và tổ chức đại diện; Mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho khu vực HTX phát triển; Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành HTX, liên hiệp HTX; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực KTTT.
Theo Tạp chí kinh doanh