Giá xăng dầu trong nước lại tiếp tục thiết lập mức đỉnh lịch sử mới sau kỳ điều hành chiều 13/6. Trong bối cảnh giải pháp về thuế, phí để “hạ nhiệt” vẫn đang bàn, các doanh nghiệp buộc phải “cân não” để tính toán bài toán chi phí về giá thành sản xuất, kinh doanh.
Giá xăng dầu trong nước lại tiếp tục thiết lập mức đỉnh lịch sử mới sau kỳ điều hành chiều 13/6. Trong bối cảnh giải pháp về thuế, phí để “hạ nhiệt” vẫn đang bàn, các doanh nghiệp buộc phải “cân não” để tính toán bài toán chi phí về giá thành sản xuất, kinh doanh.
Sau kỳ điều hành ngày 13/6, mỗi lít xăng đắt hơn từ 797 – 882 đồng/lít, trong khi dầu tăng rất mạnh tới 2.626 đồng/lít. Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 882 đồng/lít lên mức 31.117 đồng/lít; Xăng RON95-III tăng 797 đồng/lít lên mức 32.375 đồng/lít; Dầu diesel tăng 2.626 đồng/lít lên mức 29.020 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 2.493 đồng/lít lên mức 27.839 đồng/lít.
Doanh nghiệp phải ‘cân não’
Theo các doanh nghiệp (DN), giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, kể từ ngành có chi phí xăng dầu trực tiếp cấu thành giá cũng như các ngành ít sử dụng vận tải.
Với ngành vận tải, chi phí xăng dầu chiếm 30-40% cơ cấu giá thành vận tải. Ông Lê Đăng Tâm, Giám đốc Công ty Vijai Logistics, cho hay DN này đang có 27 xe container đảm nhận khâu vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh. Nếu năm ngoái, DN chỉ bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng để mua nguyên liệu dầu, năm nay số tiền chi cho nguyên liệu tăng lên gấp đôi.
Theo ông Tâm, giá dầu liên tục được điều chỉnh tăng nhưng cước dịch vụ cũng chỉ được phép tăng một mức nào đó, nếu cộng hết vào chi phí giá thành, giá cước thì khách hàng không ai muốn hợp tác. Do vậy, DN đã phải tính tới bài toán chia sẻ lợi nhuận với khách hàng bằng cách bù đắp một phần mức tăng.
“Ví dụ, 1 container đội chi phí 300.000 – 400.000 nghìn đồng, khách hàng chia sẻ 150.000 – 300.000 đồng, còn lại DN vận tải phải bù đắp”, ông Tâm cho hay.
Theo Hiệp hội DN TP.HCM, hầu hết DN bị ảnh hưởng khi giá xăng dầu tăng bởi mỗi sản phẩm trong mắt xích chuỗi cung ứng tăng lên, tạo áp lực rất lớn tới DN trong việc kiểm soát chi phí.
Ngay cả với hàng bình ổn giá, theo đề nghị của các công ty Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt… Sở Tài chính TP.HCM vừa cho phép các DN điều chỉnh giá trứng gia cầm bình ổn (gà, vịt) tăng thêm 2.000 đồng/vỉ (10 quả). Thời gian áp dụng từ ngày 15/6/2022.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết giá trứng bình ổn mà DN này đăng ký với Sở Công Thương TP.HCM là 29.500 đồng/vỉ 10 quả trứng gà, 35.000 đồng/vỉ 10 quả trứng vịt, thấp hơn giá thành của DN và chênh lệch khoảng 12-15% so với giá bán trên thị trường.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, đánh giá xăng dầu đã khiến giá từng con tôm, tô hủ tiếu đến nguyên vật liệu đầu vào của DN tăng mạnh. Dẫn tới muốn tồn tại các DN buộc phải tái cơ cấu sản xuất, thúc đẩy tiêu dùng thông qua hình thức kích cầu. “Xưa có sản phẩm DN lời 10%, thì giờ chấp nhận lời 5%, cố gắng bán 2-3 sản phẩm trong một combo. Đồng thời các DN phải xây dựng thương hiệu vì làm được điều này thì sản phẩm mới cạnh tranh, đồng thời áp dụng công nghệ số để giảm giá thành”, ông Hưng khuyến nghị.
Nếu không có thuế phí, giá xăng dầu chỉ 20.000 đồng/lít
Chia sẻ với cộng đồng DN, TS. Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đánh giá xu hướng tăng giá xăng dầu có thể tiếp tục kéo dài mà khó có thể “hạ nhiệt” nếu việc giảm thuế, phí không được can thiệp sớm. Giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động của thế giới, trong khi giá xăng dầu thế giới đang chịu tác động từ chiến sự Nga – Ukraine.
Doanh nghiệp tính toán bài toán chi phí để có lợi nhuận.
Theo đó, trao đổi với VnBusiness, ông Doanh cho rằng giải pháp thiết thực nhất hiện nay là thay vì thụ động ngồi chờ nhà nước giảm thuế phí, các DN nên chuyển sang vận chuyển theo phương thức tiết kiệm nhiên liệu hơn như vận chuyển đường biển, vận chuyển đường sắt…
“Chúng ta cần phải có chiến lược dài hơi để đối phó với việc giá xăng dầu tăng mạnh”, ông Doanh nhấn mạnh bởi nền kinh tế khó đủ sức để bù lỗ cho giá xăng dầu. Việt Nam là nước xuất khẩu do vậy nếu bù lỗ xăng dầu, đồng nghĩa với việc bù lỗ cho sản phẩm xuất khẩu. Thêm vào đó, việc giảm thuế, phí cũng cần phải cân đối rất nhiều tới bài toán thu, chi ngân sách Nhà nước.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương theo dõi, thông tin việc Malaysia có thể bán xăng giá rẻ cho Việt Nam với giá 13.000 đồng/lít. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương thông tin về khả năng cung cấp xăng dầu của Malaysia cho Việt Nam.
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 % – mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, ông cho rằng, Việt Nam cần phải có giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt là dự trữ xăng dầu. Dự trữ tốt sẽ giúp kinh tế Việt Nam không bị động trước diễn biến khó lường từ giá xăng dầu.
Ông Lâm đánh giá dự trữ xăng dầu của Việt Nam chỉ khoảng 5-7 ngày là con số quá ít so với các nước. Dự trữ xăng dầu không tốt sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng và lạm phát.
Về dự trữ xăng dầu, ông Lâm dẫn chứng, Mỹ – dự trữ rất tốt nên vừa qua nước này đã xuất kho để giảm giá xăng dầu, đồng thời Bộ Thương mại Mỹ cũng có chính sách mua 60 triệu thùng dầu để bổ sung cho kho dự trữ khẩn cấp. Nhiều nước cũng có quy định dành bao nhiêu phần trăm kinh phí để dự trữ xăng dầu. Vì vậy, Việt Nam cần phải đẩy mạnh dự trữ xăng dầu bằng hàng thay vì bằng tiền.
Đây là những cách để giảm cú sốc từ việc tăng giá xăng dầu, trong bối cảnh mà chính sách thuế, phí xăng dầu vẫn đang được xem xét. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chính sách giảm thuế, phí với mặt hàng xăng dầu không cần thiết. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc giảm đi một đồng tiền thuế, phí sẽ giúp cho DN phục hồi rất lớn. Nhất là khi Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, về giá xăng dầu, trong cơ cấu giá xăng hiện nay của Việt Nam, các loại thuế, phí chiếm khoảng 30-32% (tương đương 10-11 nghìn đồng/lít). Như vậy nếu không có thuế phí thì giá xăng Việt Nam sẽ khoảng 20 nghìn đồng/lít (tương đương 0,86 USD/lít).
Ông Hồ Đức Phớc Bộ trưởng Bộ Tài chính Xăng dầu là mặt hàng do Nhà nước bình ổn nên đến một lúc nào đó Nhà nước phải can thiệp để giảm giá xăng dầu. Việc giảm thuế là phương án được tính đến nhưng cần đánh giá tác động. Hơn nữa, việc có giảm thuế với xăng dầu hay không đều thuộc thẩm quyền của Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Đơn cử, thuế môi trường đối với xăng là 4.000 đồng/lít, đã được cơ quan này chấp thuận giảm 2.000 đồng/lít. Nếu muốn giảm tiếp 2.000 đồng/lít thuế môi trường trong xăng dầu sẽ do Quốc hội quyết. Tương tự, việc giảm các loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu hay thuế VAT cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Bà Phạm Thị Huân Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Để đối phó với việc giá xăng dầu tăng mạnh, Ba Huân đã phải xây dựng các điểm trung chuyển hàng hóa nhằm tiết kiệm chi phí. Cụ thể, chúng tôi mở các cửa hàng gần hệ thống phân phối để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, giảm thiểu chi phí. Ví dụ, nếu nhà mua hàng cần vài nghìn quả trứng, 5.000 kg thịt, cửa hàng phân phối này sẽ trực tiếp chở tới hệ thống bán lẻ gần nhất. Đây cũng là cách làm rất hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn Giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam Xăng dầu tăng cao, DN gặp khó khăn và họ đang cố gắng chịu đựng. Hai năm qua, DN phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, giờ trong điều kiện phục hồi tưởng rằng khó khăn sẽ ít đi nhưng giá xăng dầu, nguyên vật liệu lại tăng mạnh. Điều này đòi hỏi các DN phải rà soát chi phí, hợp lý hóa sản xuất, thay đổi quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ ít thâm dụng năng lượng. |
Theo Tạp chí kinh doanh