XÂY DỰNG CHUỖI GIÁ TRỊ LÚA GẠO

0
632

Nhiều năm qua, xuất khẩu lúa gạo Việt Nam luôn ở tốp đầu thế giới về số lượng. Tuy nhiên, lúa gạo chủ yếu cạnh tranh ở thị trường chất lượng thấp, giá thấp và không có thương hiệu. Vì vậy, cần đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo.

Công nhân vác lúa xuống ghe. Ảnh: Hòa hội.

Nông dân mất phương hướng

Ở tỉnh An Giang, ông Nguyễn Văn Gấu, 50 tuổi  (ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, An Phú) là một trong những nông dân hiếm hoi gần 20 năm nay sản xuất lúa không phun thuốc trừ sâu. Dẫn PV Tiền Phong ra cánh đồng 6,5 ha cách nhà gần 500m, đường đi giữa những ruộng lúa của người khác đã lác đác trổ bông, xanh tốt,  còn ruộng của ông, lúa đã gần 70 ngày, không phun thuốc trừ sâu nên nhìn èo uột do bị sâu ăn. “Đám lúa đang bị sâu ăn nhưng tôi không phun thuốc sâu. Thấy vậy chứ hiệu quả sẽ cao hơn lúa phun thuốc sâu đấy”, ông Gấu tự tin.

Ông Gấu cho biết, gia đình có 1 ha canh tác 2 vụ/năm, đầu năm 1996 dự lớp tập huấn IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) do Phòng NN&PTNT huyện An Phú tổ chức. Xong khóa học, ông về thử nghiệm và thấy có hiệu quả nên áp dụng cho đến nay. Ông kể, năng suất  đạt 6 tấn/ha, tương đương với những người xung quanh nhưng chi phí thấp hơn khoảng 40%. Làm lúa có lời, ông mua thêm đất, nay đã có 6,5 ha. Ông mua máy gặt đập liên hợp, máy xới và xây dựng nhà cửa khang trang, trị giá hàng tỷ đồng. Ông cho biết, chi phí sản xuất cho 1 ha là khoảng 18 triệu đồng, giảm gần 5 triệu đồng so người khác.

Ông Phạm Thành Tâm, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện An Phú (An Giang) cho rằng nguyên nhân ít người làm theo cách của ông Gấu là do nông dân “mất phương hướng” vì các Cty thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) quảng cáo quá nhiều trên các phương tiện thông tin dẫn đến lo sợ về tâm lý. Mặt khác, lãnh đạo ngành nông nghiệp của tỉnh trước đây cũng không tin nông dân làm được nên chưa triển khai diện rộng. Ông Tâm nói: “Tôi đã từng đề nghị lãnh đạo Sở NN&PTNT nhân rộng mô hình không phun thuốc trừ sâu trên địa bàn huyện để dân làm theo nhưng không ai mặn mà”. Năm 2014, toàn huyện An Phú có gần 14.000 ha sản xuất lúa, trong đó diện tích không phun thuốc trừ sâu trên 400 ha (chiếm 2,86%) với hơn 100 hộ tham gia, rải rác ở nhiều xã. Huyện đang triển khai nhân rộng. Dự kiến, vụ thu đông 2015 sẽ phát triển lên 800 ha.

Ông Cao Vĩnh Thông, Trưởng phòng kỹ thuật, Chi cục BVTV tỉnh An Giang, cho biết, mỗi năm tỉnh tổ chức hơn 5 đợt tập huấn kỹ thuật cho nông dân nhằm hạn chế tối đa việc phun thuốc trừ sâu, rầy. Tuy nhiên, các Cty thường xuyên tổ chức hội thảo để bán thuốc và cử kỹ sư xuống tận nhà hỗ trợ nên nông dân bị tác động phải dùng thuốc. Ông Thông kể: “Nhiều lần cán bộ Chi cục BVTV xuống thăm đồng thấy thiên địch có thể khống chế được sâu nên khuyên đừng phun thuốc nhưng sau đó kỹ sư Cty xuống nói nếu không phun thuốc là thất bại nên nông dân không yên tâm”.

Vai trò tổ chức sản xuất của nhà nước còn yếu

PGS Võ Công Thành, quyền Trưởng bộ môn Di truyền giống nông nghiệp, Đại học Cần Thơ cho rằng, nguyên nhân là do khâu quản lý chất lượng giống, tổ chức sản xuất của nhà nước còn yếu. Đồng thời, thương lái mua nhiều giống trộn lẫn với nhau dẫn đến chất lượng không đồng đều rồi đem đi xuất khẩu. Ông Thành phân tích, hiện ở ĐBSCL nông dân chủ yếu sử dụng giống IR 50404 chất lượng thấp. Ở vụ đông xuân, chất lượng gạo tương đối khá còn vụ hè thu thấp. Thương lái mua về trộn lại rồi bán gạo 25% tấm thì khách hàng chê, mất thương hiệu.

Ông Thành nêu giải pháp, nhà nước nên đầu tư mạnh và đặt hàng các đơn vị nghiên cứu giống để tạo ra giống chất lượng để xuất khẩu.  Bộ NN&PTNT nên có tiêu chí rõ ràng về chất lượng gạo khi xuất ra nước ngoài. Ví dụ, xuất sang thị trường khó tính như Nhật Bản thì cần phải làm giống hạt tròn, mềm dẻo. Còn sản xuất lúa hạt dài xuất sang thị trường Indonesia, Philippines… chẳng hạn. Có như thế thì dần dần gạo Việt Nam mới có chỗ đứng trên trường quốc tế.

Ông Đỗ Minh Tri, Phó Chánh văn phòng Điều phối thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh đang tập trung xây dựng chuỗi giá trị là tổ chức lại sản xuất, áp dụng nhiều biện pháp giảm giá thành.

Ông Võ Công Minh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong chuỗi giá trị lúa gạo, vai trò của HTX vô cùng quan trọng. Đó là nơi tập hợp nhiều nông dân hình thành cánh đồng liên kết.  Tỉnh chủ trương ưu đãi và  khuyến khích các HTX phát triển bằng cách hỗ trợ 50% lãi suất tham gia mô hình “tích tụ ruộng đất”; hỗ trợ vay vốn san bằng đồng ruộng giảm 50% lãi suất;  mua máy móc thiết bị với lãi suất 0% trong vòng 3 năm…

Theo ông Thành, để thực hiện tái cơ cấu thành công, cần xóa bỏ tập quán trồng 3 vụ lúa/năm mà tập trung vào giống lúa chất lượng cao. Hiện nay, ĐBSCL đang trong tình trạng loạn giống, vì thế, định hướng trong thời gian tới tập trung xây dựng giống và chỉ cần có 1 đến 2 giống chất lượng cao để khẳng định thương hiệu gạo Việt là thành công.

Theo báo Tiền Phong

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here