HTX VỚI MÔ HÌNH CHUỖI GIÁ TRỊ SẢN PHẨM CHÈ

0
511

   Cho đến nay, đã có nhiều phương thức, cách làm với mô hình chuỗi giá trị cho sản phẩm chè được áp dụng. Đã có một số thành công nhất định, có thất bại và cũng còn nhiều khó khăn, tồn tại.

   Trước kia, nông trường quốc doanh cũng là một mô hình chuỗi giá trị. Nhưng cho đến nay, mô hình này có thể coi là thất bại, vì nhiều lí do, như về sở hữu, vốn, quan hệ sản xuất, cách thức quản lý không phù hợp. Bản thân nông trường quốc doanh cũng thiếu sự đầu tư KH-KT, đặc biệt thiếu khả năng tiếp cận thị trường, thiếu chủ động và năng lực đàm phán kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.

Một số mô hình chuỗi giá trị

   Với mô hình DNQD, tổng công ty nhà nước hay DN có cổ đông nhà nước chi phối cũng thực hiện chuỗi giá trị. Họ có nhiều ưu đãi về vốn và hạ tầng trong giai đoạn đầu, có lợi thế lớn về quy mô và cả lợi thế thương mại. Tuy nhiên, thành công thật sự của các DN này cũng còn hạn chế, chưa có sản phẩm chất lượng cao, không hiệu quả vì nhiều nguyên nhân như thiếu động lực, thiếu năng động, không có khả năng quản lý quy mô lớn, chi phí hành chính trung gian cao…

   Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, các trang trại lớn của tư nhân, các DN tư nhân lớn xuất hiện ngày càng nhiều và cũng đã có thành công nhất định với chuỗi giá trị. Một số DN tư nhân có tiềm lực khá, tham vọng lớn, năng động, sáng tạo, áp dụng KH-CN tiên tiến. Đặc biệt về chế biến tập trung, phát triển thương hiệu, xây dựng kênh bán hàng riêng là những lợi thế và điểm mạnh của nhiều tập đoàn tư nhân về chè.

   Tuy nhiên, suy cho cùng, vẫn còn rất ít DN nói trên thành công thật sự bền vững. Một số đơn vị chỉ thành công với loại chè phẩm cấp thấp, ít có giá thương mại cao như nhiều DN thu mua, chế biến, xuất khẩu chè đen, chè thô. Để có sản phẩm chè xanh cao cấp, chất lượng cao, các nhà máy, DN tư nhân lớn trên không chủ động, điều tiết được chất lượng nguyên liệu đầu vào.

   Một lý do chính là đất đai hiện nay nằm ở người dân cá thể là chính, lẻ tẻ, manh mún. Không thể tích tụ được ruộng đất, các DN, tập đoàn tư nhân này cũng khó thật sự thành công với chuỗi giá trị. Quy mô đầu tư càng lớn, càng khó về nguyên liệu. Liên kết của các DN với các hộ nông dân trong chuỗi giá trị này vẫn còn lỏng lẻo. Khi được mùa DN có thể ép giá, nhưng khi thiếu hàng vẫn có thể xảy ra trường hợp “bẻ kèo”.

Một lớp tập huấn của DGRV cho các HTX chè ở Thái Nguyên

Chuỗi giá trị với mô hình HTX

   HTX là tổ chức kinh tế hoạt động cũng như DN, cũng phải cạnh tranh với các DN khác trên thị trường. Kinh tế HTX không thay thế kinh tế hộ. Cái gì người nông dân, từng hộ làm được thì để họ tiếp tục tự làm. Cái gì, công đoạn nào từng hộ không làm được, làm không hiệu quả thì liên kết, hợp tác thông qua HTX.

   Với HTX, người nông dân, làm chủ các công đoạn đầu của chuỗi giá trị sản phẩm. Đối với sản phẩm chè, các công đoạn đầu liên quan đến vùng nguyên liệu. Chất lượng nguyên liệu chè đặc biệt quan trọng để làm nên thương hiệu, để có giá trị cao cho cả chuỗi sản phẩm chè của họ.

   Hiện nay, Liên đoàn HTX CHLB Đức (DGRV) cùng với Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, với sự quan tâm của rất nhiều ngành, như Sở NN&PTNN, Chi Cục VSATTP, Sở công Thương, Sở KH-CN&MT… đã và đang hỗ trợ các chuỗi giá trị chè thông qua một số HTX tại tỉnh Thái Nguyên. Bước đầu đã có nhiều thành công ở mức độ khác nhau, tại một số đơn vị, như HTX chè Tân Hương (Phúc Xuân – Tân Cương), HTX chè La Bằng (La Bằng – Đại Từ), HTX Tuyết Hương (Trại Cài – Đồng Hỷ).

   Các HTX này đang áp dụng mô hình chuỗi giá trị cho sản phẩm chè, thực hiện dịch vụ đầu vào, thực hiện tập huấn, chế biến, thu mua, đóng gói… Các HTX đã bước đầu xây dựng được nguồn nguyên liệu chất lượng cao, bảo đảm ATVSTP. Sản phẩm cuối cùng của HTX là chè chất lượng cao, có thương hiệu. Và, HTX cũng tự tìm các kênh phân phối bán buôn, kể cả bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng để đạt giá trị thương mại cao nhất.

   Với sự hỗ trợ tập trung, kiên trì của các tổ chức, cơ quan, dự án trong đó có DGRV, các HTX này đã có thể chủ động đứng ra tổ chức liên kết nông dân. HTX tổ chức tập huấn, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật bao gồm cả tập huấn Vietgap, UTZ, VSATTP, tập huấn chế biến chè xanh theo hướng dẫn của chuyên gia… Vai trò của HTX trong trường hợp này là đóng góp hiệu quả vào chương trình dạy nghề – nghề làm chè chất lượng cao – cho nông dân, giúp họ có điều kiện cải thiện thu nhập bền vững lâu dài.

   Với mô hình chuỗi giá trị thông qua HTX, người được hưởng lợi nhiều và lợi trực tiếp là người nông dân, hộ gia đình trồng chè. Đây trước hết là vấn đề nhận thức và mô hình chứ không phải vấn đề kỹ thuật, công nghệ.

Phạm Quang Vinh

Giám đốc dự án

DGRV Việt Nam 

Nguồn http://thoibaokinhdoanh.vn/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here