Yên Bái tập trung nguồn vốn cho vay sản xuất, kinh doanh

0
229

Dù gặp nhiều khó khăn do dịch, nhưng thời gian qua, ngành ngân hàng Yên Bái đã thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh vốn tín dụng cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Ngân hàng BIDV Yên Bái vừa bảo đảm phòng dịch Covid-19 vừa đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp.

Ngân hàng BIDV Yên Bái vừa bảo đảm phòng dịch Covid-19 vừa đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp.

 

 

Những tháng đầu năm 2022, mặc dù dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tỉnh Yên Bái đã bám sát chỉ đạo của NHNN Việt Nam duy trì mặt bằng cho vay ổn định.
Do đó, tổng nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn đến ngày 30/4/2022 ước đạt 35.900 tỷ đồng, tăng 4,97% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 24.900 tỷ đồng, tăng 5,14% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 69,35% trên tổng nguồn vốn.
Các chi nhánh ngân hàng, QTDND luôn đáp ứng tốt được nhu cầu vay vốn của các khách hàng và tổng dư nợ cho vay của các chi nhánh ngân hàng, QTDND trên địa bàn đến 30/4/2022 ước đạt 32.000 tỷ đồng, tăng 5,42% so với 31/12/2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 3,8%). Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 14.100 tỷ đồng, chiếm 44% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 17.900 tỷ đồng, chiếm 55,93% tổng dư nợ.
Ông Nguyễn Quang Đạt – Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết: Trong 4 tháng đầu năm 2022, NHNN Chi nhánh tỉnh đã tổ chức tốt các hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022 với định hướng tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế so với năm 2021 từ 12% đến 14%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng so với tổng dư nợ dưới 2%…”.
Căn cứ định hướng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra từ đầu năm, các chi nhánh ngân hàng, QTDND đã triển khai nhiều giải pháp tích cực như: đẩy mạnh huy động nguồn vốn tại địa phương; khai thác tốt nguồn vốn ngoài tỉnh, nguồn vốn điều hòa hệ thống; tập trung nguồn vốn tín dụng để cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; sản xuất hàng hóa xuất khẩu; đáp ứng tốt nhu cầu vốn vay cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội; tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về xử lý, thu hồi nợ xấu, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định, hạn chế nợ xấu phát sinh.
Cùng với đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp và người dân thì việc tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được các tổ chức tín dụng đặc biệt coi trọng. Theo đó, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ước đến 30/4/2022 là 8.321 tỷ đồng, chiếm 26% tổng dư nợ toàn tỉnh.
Từ ngày 23/1/2020 đến nay, các chi nhánh ngân hàng, QTDND trên địa bàn đã tháo gỡ khó khăn cho 73.470 khách hàng và chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm là 1.869 khách hàng, dư nợ được cơ cấu lại là 13,5 tỷ đồng; miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 216 khách hàng với dư nợ đã được miễn, giảm lãi là 326 tỷ đồng…
Các chi nhánh ngân hàng chủ động giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu. Lũy kế giảm lãi từ mức 0,2% đến 2,5%/năm cho 54.905 lượt khách hàng và dư nợ được giảm lãi suất là 24.510 tỷ đồng. Cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất với số tiền là 1.512 triệu đồng cho 5 doanh nghiệp. Miễn, giảm nhiều loại phí trong giao dịch với khách hàng.
Với kết quả trên, ngành ngân hàng tỉnh đã đồng hành cùng với doanh nghiệp, khách hàng để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của NHNN Việt Nam, của tỉnh.