HTX KIỂU MỚI – CHỖ DỰA VỮNG CHẮC CHO NGƯỜI NÔNG DÂN

0
497

“Người nông dân Việt Nam sản xuất rất giỏi, năng suất lúa, tôm, cá, cà phê… luôn nằm ở vị trí cao nhất của thế giới nhưng vì sao thu nhập của người nông dân vẫn chưa được cải thiện? Đó là bởi người nông dân không giỏi làm thương mại. Vì vậy, vai trò của Hợp tác xã phải thực sự là nơi tháo gỡ, là đòn bẩy vững chắc để người nông dân có chỗ dựa tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của mình, qua đó giải được bài toán thu nhập”.

 

Đó là nhận định của Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khi nói về “điểm nghẽn” về thu nhập của người nông dân khi khảo sát 2 mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp và dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản tại huyện Hậu Lộc và Hoằng Hoá tỉnh Thanh Hoá ngày 13/5.

Tham gia Đoàn công tác có lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam.

Báo cáo tại buổi làm việc với Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến trăn trở về cuộc sống còn rất nhiều khó khăn của người nông dân trên địa bàn tỉnh. Theo đó toàn tỉnh có 3,5 triệu người, 1,1 triệu người hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và 2,4 triệu người nông dân đang trực tiếp lao động, sản xuất trên địa bàn Thanh Hoá nhưng người nông dân vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi. Với lợi thế về địa lý, dân số và tiềm năng của địa phương như vậy thì đã tới lúc Thanh Hoátập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập của người nông dân thông qua những cơ chế, chính sách hướng về người nông dân, trong đó các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới sẽ có vai trò trụ cột.

TỉnhThanh Hoá hiện có 908 hợp tác xã, gồm: 507 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp; 120 hợp tác xã công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; 15 hợp tác xã th­ương mại – dịch vụ; 44 hợp tác xã thuỷ sản; 20 hợp tác xã xây dựng; 24 hợp tác xã vận tải; 84 hợp tác xã dịch vụ điện; 5 hợp tác xã môi trường; 68 quỹ tín dụng; 18 hợp tác xã khác. Trong số 507 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp có 498 hợp tác xã nông nghiệp, 4 hợp tác xã chăn nuôi, 5 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản.

Về quy mô, các HTX dịch vụ nông nghiệp toàn xã chiếm 95,5% tổng số HTX. 86% số hợp tác xã liên kết với các công ty thủy nông để phục vụ tưới tiêu; 70% số hợp tác xã liên kết với các cơ quan bảo vệ thực vật làm dịch vụ phòng trừ sâu bệnh; 77% số hợp tác xã liên kết với các trạm, trại, công ty giống làm dịch vụ giống cây trồng; 60% số hợp tác xã được ứng trước vật tư, phân bón cung cấp cho xã viên. Các hợp tác xã trồng mía đã và đang liên kết với doanh nghiệp trong tỉnh, nhất là các doanh nghiệp chế biến đường trong việc vận động xã viên, nông dân dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, từng bước hình thành cánh đồng mẫu lớn để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khâu làm đất, tưới tiêu, sản xuất mía có năng suất, chất lượng cao. Trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hình thành nhiều hiệp hội ngành nghề như chiếu cói, đá, hàng thủ công mỹ nghệ…, các đơn vị thành viên được Hiệp hội hướng dẫn, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, thống nhất giá mua, giá bán sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm.

Nhìn chung, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã ở Thanh Hoá từng bước được nâng lên, doanh thu bình quân bình quân của hợp tác xã hàng năm đều tăng so với cùng kỳ: năm 2013, tăng 8,6% so với năm 2012; năm 2014, tăng 11,1% so với năm 2013 và ước năm 2015, ước tăng 12%.

Tuy nhiên, một số huyện ở Thanh Hoá chưa có giải pháp, chính sách thiết thực, hiệu quả nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hợp tác xã trong quá trình kiện toàn, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Chưa có các giải pháp phù hợp để xử lý những hợp tác xã yếu kém, hoạt động không đúng quy định của Luật hợp tác xã.

Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã ở một số địa phương, đơn vị còn hạn chế; công tác đánh giá, nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa kịp thời, chưa tạo được chuyển biến về phát triển kinh tế tập thể; nhiều hợp tác xã chưa được thụ hưởng đầy đủ các cơ chế, chính sách Nhà nước quy định.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao thành tựu về kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng của Thành Hóa trong năm 2014 và 4 tháng đầu năm 2015. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, đây là kết quả đáng trân trọng, góp phần quan trọng thành tựu phát triển kinh tế – xã hội cả nước, góp phần ổn định xã hội và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.

Liên quan đến tình hình phát triển các HTX, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, với 95% HTX có quy mô toàn xã, đây là vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Cần làm thế nào để HTX thực sự là đòn bẩy để nâng cao thu nhập của xã viên trong điều kiện kinh tế thị trường và cạnh tranh hội nhập quốc tế.

Đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa đã có đề án củng cố, phát triển hiệu quả HTX nông nghiệp giai đoạn 2015 – 2020 và Nghị quyết 16 vừa mới ban hành của Tỉnh ủy về tái cơ cấu nông nghiệp 2020, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, năng suất trong nông nghiệp của nước ta không ngừng tăng nhưng thu nhập không cao bởi nông dân là người sản xuất giỏi nhưng không phải là người buôn bán giỏi.

Cái nông dân cần là tiêu thụ hàng hóa, nghiên cứu thị trường, hoạch định sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho xã viên. Chức năng hàng đầu của hợp tác xã phải đặt ra là tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tuy nhiên, đây cũng là một khâu yếu hiện nay, có tới 72% hợp tác xã chưa làm được nhiệm vụ tiêu thụ sản phẩm cho xã viên.

Đồng tình với giải pháp phát triển HTX của Thanh Hóa, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Thanh Hóa cần tổng rà soát, phân loại HTX làm dịch vụ đầu vào, đầu ra cho đến trình độ, nguồn lực quản lý HTX, từ đó có dự báo nhu cầu, định hướng phát triển phù hợp giai đoạn tới.

Thanh Hoá cần triển khai tổng rà soát, qua đó phân loại các mô hình HTX dang hoạt động ở Thanh Hoá để làm rõ tiêu chí qua đó chuẩn bị cho xây dựng HTX kiểu mới. Đồng thời rà soát trình độ cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ đang tham gia điều hành các HTX.

Các cấp chính quyền ở Thanh Hoá cần tập trung thảo luận, tìm cách tháo gỡ điểm cho các HTX một số khó khăn nổi cộm như trụ sở, sân kho, vay vốn…

Cùng ngày, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa./.

 Một số mô hình hợp tác xã điển hình trên địa bàn Thanh Hoá

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc, huyện Hậu Lộc: Tổ chức tốt kinh doanh dịch vụ tổng hợp cho hộ xã viên và nhân dân trên địa bàn, như: thủy lợi, làm đất, bảo vệ thực vật, phân bón, giống cây con, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, tín dụng nội bộ.

Hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thủy sản Hoằng Phong, huyện Hoằng Hoá: Thực hiện tốt công tác tập huấn, tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi trồng thủy sản; dịch vụ về nước, con giống (đảm bảo 80% con giống).

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Quỳ Chữ, huyện Hoằng Hoá: Tổ chức tốt dịch vụ cày, bừa và tưới, tiêu, điều tiết nước; thực hiện việc cung ứng trả chậm vật tư cho hộ xã viên; tổ chức sản xuất mạ khay, máy cấy; dịch vụ lúa giống và tích cực tham gia thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hợp tác xã sản xuất, dịch vụ thương mại tổng hợp Chung Nghĩa, huyện Hà Trung: Ngoài việc thường xuyên dành vốn tích lũy đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng các trang trại nuôi gia súc, nuôi giun xuất khẩu;

Hợp tác xã dịch vụ vệ sinh môi trường Tân Sơn, TP. Thanh Hóa: Đã đầu tư gần 6 tỷ đồng mua phương tiện vận tải chuyên dùng để phục vụ công tác thu gom rác thải; chất lượng phục vụ thu gom rác thải trong dân cư được nâng lên, góp phần xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp.

Nguồn: trang Web UBMTTQ Việt Nam

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here