GỠ RÀO CẢN ĐỂ HTX PHÁT TRIỂN

0
420

   Làm thế nào để phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX) kiểu mới là một vấn đề cần nghiên cứu. Tuy nhiên, trước mắt cần nhận rõ những điểm nghẽn, rào cản để có giải pháp giúp HTX phát triển trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

   Trong các nghiên cứu của mình hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng bản chất cơ bản hiện nay của HTX là “làm cho việc sản xuất cá thể của các xã viên có sức cạnh tranh cao hơn, thu nhập của xã viên cao hơn trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn”. Muốn thế, HTX cần phải cung cấp các dịch vụ đầu vào với giá thấp, chất lượng cao cho các hộ xã viên, phối hợp kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các hộ và cuối cùng tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho họ. Vì vậy để HTX hoạt động đạt hiệu quả cao thì điều quan trọng là dịch vụ mà HTX cung cấp phải có giá thấp với chất lượng cao.

Đầu tư cho nông nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: Minh Bắc

 

   Đó quả là một điều khó khăn trong tình hình hiện nay. Về hoạt động của các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết hiện cả nước có trên 10.400 HTX nông nghiệp. Nhưng chỉ trên 10% số đó hoạt động có hiệu quả cao, còn lại là nằm trong tình trạng hoạt động trung bình và yếu. Các HTX nông nghiệp mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ đầu vào như giống, phân bón, vật tư và tưới tiêu, bảo quản chế biến tiêu thụ sản phẩm và khai thác cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Nhiều HTX chưa thay đổi kịp thời phương thức hoạt động theo luật Hợp tác xã năm 2012. Tại Hà Nội, các HTX ở huyện Đan Phượng lại đang có ba hình thức tổ chức hợp tác khác nhau, đó là hợp tác giữa hộ cá thể với doanh nghiệp, mô hình chuyển đổi theo Luật HTX 2012, mô hình kết hợp giữa chăn nuôi với trồng trọt, mô hình hợp tác giữa HTX với doanh nghiệp… Dù đã có những HTX làm ăn đạt hiệu quả cao nhưng tùy từng mô hình cụ thể mà các HTX vẫn còn những khó khăn rào cản cần giải quyết.

   Rào cản chung sự phát triển các HTX là ba thiếu: Thiếu vốn; thiếu nguồn nhân lực có tâm, có tài; thiếu chính sách tạo ra sức hút, độ tin cậy đối với doanh nghiệp từ nhà nước để họ mạnh dạn đầu tư vốn vào khu vực này. Ngoài ra, còn một rào cản phát sinh ra do sự méo mó khi thực hiện chính sách tái cơ cấu nông nghiệp và do cả tác động nghịch chiều từ chính sách của Trung ương với chính sách địa phương. Bởi thực tế đây là cả một vấn đề lớn ẩn chứa nhiều tham số khó xác định như tâm lý, độ ỳ, tập tục, thói quen của người nông dân. Về vấn đề này, ông Lê Minh Hoan – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp chia sẻ về hành trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh là “mình vẫn làm, làm tới đâu tính tới đó theo kiểu “dò đá qua sông” vậy!

   Thiếu vốn là một trong những vấn đề chính của các HTX. Nguồn vốn hoạt động của các HTX thường dựa trên bốn nguồn: nguồn vốn chủ yếu là sự đóng góp của các “cổ đông nông dân”, vốn vay, vốn của Nhà nước và vốn tích lũy của HTX. Qua khảo sát về nhu cầu vốn hoạt động của các HTX đều cho thấy họ rất cần vay vốn để hoạt động. Nhưng đáng tiếc là hầu hết các HTX chưa có tài sản thế chấp, chưa biết cách xây dựng phương án SXKD khả thi, khả năng quản lý HTX còn yếu, sổ sách kế toán không rõ ràng nên rất khó thuyết phục được ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng để vay vốn.

   Còn thiếu nguồn nhân lực, nhiều HTX bày tỏ sự lo lắng về con người nhằm đáp ứng nhu cầu điều hành quản trị ngày càng cao của HTX. Hiện nay, cán bộ của nhiều HTX đều lớn tuổi, trình độ chuyên môn không cao trong khi đội ngũ trẻ lại thiếu kinh nghiệm nên chưa thuyết phục được nông dân. Hơn nữa, chất lượng người cán bộ quản lý, điều hành HTX đòi hỏi rất cao về các phẩm chất, họ phải có tâm và tầm. Một cán bộ HTX không ngần ngại nói “Tâm chính là tâm huyết và tầm là tầm nhìn phải nhanh nhạy nắm bắt cơ hội, xác định được nhiệm vụ chính của mình là gì để có hướng đi phù hợp. Khó khăn của HTX cũng là khó khăn của chính mình, có như vậy mới có thể đặt hết tâm huyết và giải quyết công việc đạt kết quả tốt nhất”.

   Qua đợt làm việc gần đây của Chủ tịch MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân tại huyện Đan Phượng (Hà Nội), nhiều ý kiến cũng đồng ý rằng, năng lực nội tại của nhiều HTX nông nghiệp còn yếu kém cả về tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ và hạn chế quy mô hoạt động; hầu hết trình độ quản lý và điều hành của đội ngũ cán bộ hợp tác xã còn hạn chế…

   Về phía chính sách của nhà nước đối với các doanh nghiệp khi họ đầu tư vào nông nghiệp cũng còn mang tính “phập phù”, chưa tạo được niềm tin cho doanh nghiệp để họ mạnh dạn đầu tư vào HTX. Cần nhớ đầu tư vào nông nghiệp rất chậm thu hồi vốn và ẩn chứa nhiều rủi ro. Đây cũng là rào cản cần phải xem xét để tháo gỡ.

   Để giúp HTX kiểu mới ổn định, phát triển dù như “dò đá qua sông” cũng cần gấp rút giải quyết được các rào cản kể trên. Thông qua chính sách, nhà nước tạo ra cơ chế khơi thông nguồn vốn đến với HTX, doanh nghiệp, giải quyết bài toán chất lượng nguồn nhân lực cho HTX, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN liên kết với HTX…

   Không có con đường nào khác, Nhà nước cần đưa cuộc sống vào chính sách và giữ vai trò làm cho nhà nông – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học quyết định đến với nhau, gắn bó với nhau cùng phát triển.

 Theo Hà Nội mới

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here