Làm thế nào để nâng giá trị chăn nuôi, tăng sức cạnh tranh nội địa thông qua liên kết theo chuỗi giá trị nhằm phù hợp với TPP và tránh nguy cơ thua ngay trên sân nhà trước sản phẩm thịt ngoại nhập, đây là bài toán nan giải với doanh nghiệp nội cũng như cơ quan quản lý.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), năm 2015, cả nước đã có 35/63 tỉnh, thành phố có các mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị.
Có 2 hình thức liên kết đặc trưng trong chăn nuôi hiện nay là liên kết các đối tượng cùng tham gia trong quá trình sản xuất, kinh doanh (liên kết ngang) và liên kết theo đường đi của sản phẩm, từ người sản xuất đến người tiêu dùng (liên kết dọc).
Ngành chăn nuôi sẽ khó bền vững nếu chuỗi liên kết còn manh mún
Chuỗi liên kết còn nhỏ lẻ
Về liên kết ngang, các đơn vị kinh doanh đảm nhận cung cấp các dịch vụ sản xuất bao gồm cả đầu vào, đầu ra cho các hộ xã viên (vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi), đồng thời đóng vai trò là cầu nối giữa bà con xã viên với các doanh nghiệp giết mổ, chế biến, xuất khẩu.
Về liên kết dọc, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo thị trường tiêu thụ. Còn người chăn nuôi nhận khoán theo định mức chi phí và được hỗ trợ một phần xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất đai của họ.
Trong những năm gần đây, hình thức liên kết với doanh nghiệp được triển khai tại nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, Yên Bái, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Vĩnh Long, Trà Vinh…
Hoặc như tại Tp.HCM, sau 4 năm đi trước một bước, triển khai thực hiện Đề án chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, đã tổ chức khảo sát và thẩm định các cơ sở đủ điều kiện tham gia chuỗi với sản lượng 335 con/ngày (có 2 doanh nghiệp tham gia chuỗi là Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn và công ty Vissan).
Tương tự, Đồng Nai đã hình thành được nhiều chuỗi sản phẩm về thịt gà, heo, trứng khép kín từ giống, thức ăn chăn nuôi, thu mua sản phẩm.
Tuy các chuỗi liên kết chăn nuôi có tín hiệu khả quan nhưng theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, việc xây dựng chuỗi liên kết nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn do chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán. Giá thức ăn, giá nguyên liệu đầu vào có nhiều biến động, con giống kém chất lượng.
Ông Nguyễn Thanh Sơn nhận định, vẫn còn thiếu sự phối hợp giữa người sản xuất và thị trường để tạo ra một chuỗi liên kết ổn định. Do đó, thu nhập, giá trị gia tăng chưa lớn, gây khó khăn cho người chăn nuôi và tạo ra tâm lý không muốn tái đàn, dẫn tới giá cả biến động.
Thêm vào đó là tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, gặp nhiều khó khăn trong xử lý chất thải, dịch bệnh, tình trạng giết mổ thủ công vẫn còn tràn lan, thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đơn cử như ngành chăn nuôi lợn, Ts Bùi Thị Nga (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng vẫn chưa phát triển thành một chuỗi hoàn chỉnh, mang nặng tính tự phát, các tác nhân trong chuỗi chưa có sự liên kết chặt chẽ. Người nuôi lợn vì lợi nhuận có thể cho lợn ăn những chất kích thích tăng trọng hoặc vẫn bán lợn ốm, lợn bệnh ra thị trường.
Theo Ts Bùi Thị Nga, giá trị gia tăng trong các chuỗi sản phẩm chăn nuôi được phân phối chưa công bằng, không tương xứng với công sức và chi phí bỏ ra của các tác nhân, trong khi công tác kiểm tra quản lý còn hạn chế. Tất cả làm cho chuỗi giá trị hoạt động chưa hiệu quả và về lâu dài, tất cả các tác nhân hoạt động trong chuỗi hiện nay sẽ đều không có lợi.
Làm sao bền vững?
Nhìn lại chuỗi liên kết chăn nuôi ở địa phương của mình, ông Nguyễn Quốc Kiệt, chủ một cơ sở chăn nuôi ở Gò Công (Tiền Giang) đúc kết: “Muốn đầu ra sản phẩm gà của các nông hộ không bị ép giá thì phải tham gia chăn nuôi theo chuỗi để cho ra sản phẩm gà đồng đều về chất lượng và dồi dào về số lượng. Chăn nuôi phải theo hướng VietGAP để cho ra sản phẩm thịt gà an toàn và truy xuất được nguồn gốc, phù hợp với xu hướng hội nhập TPP”.
Ông Kiệt nói một cách tự tin: “Trước TPP, người nuôi tìm đến thương lái. Sau TPP, thương lái sẽ tìm đến người nuôi nếu thịt gà ăn ngon, an toàn và truy xuất được nguồn gốc”.
Theo Viện trưởng Viện Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn, cần thẳng thắn nhìn nhận là trong quá trình phát triển chăn nuôi theo liên kết chuỗi giá trị hiện nay vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại, chưa được tháo gỡ. Đơn cử như chưa có cơ chế, chính sách riêng cho việc xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm. Các chế tài ràng buộc sự liên kết còn lỏng lẻo, quy mô hẹp, mới dừng lại ở mức độ mô hình… Đó là lý do khiến cho mối liên kết thiếu tính bền vững.
Có thể thấy, vì hạn chế phối hợp giữa người sản xuất và thị trường để tạo ra một chuỗi liên kết ổn định nên thu nhập, giá trị gia tăng chưa lớn, gây khó khăn cho người chăn nuôi và tạo ra tâm lý không muốn tái đàn, dẫn tới giá cả biến động.
Giới chuyên gia nông nghiệp cho rằng việc tiêu thụ sản phẩm phải qua nhiều khâu trung gian, đẩy giá bán sản phẩm lên cao, trong khi việc khai thác thị trường trong nước và quốc tế còn yếu, nhất là thị trường xuất khẩu.
Cho nên vấn đề quan trọng hơn là phải làm thế nào để thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt trong nước sẽ được xuất khẩu với số lượng lớn, đều đặn để tìm kiếm cơ hội cạnh tranh và mở rộng thị phần tại các thị trường ngoài nước.
Điều đó đòi hỏi các cơ quan quản lý cần phải tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp sản xuất chế biến, giết mổ tiêu thụ sản phẩm gia súc gia cầm trực tiếp ký kết với các trang trại, hộ chăn nuôi đảm bảo đầu ra.
Các địa phương cũng cần tạo điều kiện pháp lý thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi khép kín theo chuỗi, điều cần thiết trong lúc này.
Thế Vinh
Nguồn http://thoibaokinhdoanh.vn/