Dự án “Tăng cường Chức năng Hợp tác xã Nông nghiệp ở Việt Nam, Giai đoạn II” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ thực hiện sẽ kết thúc trong tháng 7 năm 2015.
Tiếp nối Giai đoạn I của Dự án (2006-2010) trong đó tập trung vào xây dựng mô hình Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN)điển hình nhằm đáp ứng các nhu cầu của nông dân ở hai tỉnh thí điểm phía Bắc, Giai đoạn II đã được thực hiện trong ba năm kể từ tháng 7 năm 2012, với mục tiêu chính là thiết lập một cơ chế bền vững hỗ trợ phát triển các HTXNN thông qua các khóa tập huấn về xây dựng kế hoạch trung hạn, dịch vụ tiêu thụ tập trung, cung ứng tập trung và hoạt động tín dụng nội bộ tại năm tỉnh mục tiêu (Thái Bình, Hòa Bình, Hải Dương, Bình Định và An Giang), nhằm tăng cường chức năng của các HTXNN,hướng tới cải thiện đời sống cho nông dân tại năm tỉnh.
Thực trạng HTX NN ở Việt Nam
Hiện nay, trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, phần lớn nông dân Việt Nam vẫn mua vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu tại các cửa hàng và các đại lý tư nhân. Chuỗi cung ứng vật tư nông nghiệp qua nhiều cấp trung gian, do đó nông dân thường phải mua vật tư đầu vào với giá khá cao và chất lượng không ổn định. Bên cạnh đó, sau khi thu hoạch, nông dân lại phải tự bán trực tiếp nông sản cho người mua (thương lái, công ty) với giá thấp vì nhiều lý do: sản xuất quy mô nhỏ và manh mún, sản lượng thấp, chất lượng không đồng đều và thời gian cung ứng không ổn định.
Nông sản được thu mua với giá rẻ vì qua nhiều khâu trung gian
Trong bối cảnh như vậy, để phát triển nông nghiệp, không thể thiếu mô hình hợp tác xã liên kết kinh tế hộ gia đình trong sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, cải thiện khả năngcạnh tranh của nông sản và tăng thu nhập của các thành viên HTX. Theo Luật Hợp tác xã Nông nghiệp mới, các HTXNN sẽ đóng vai trò cung cấp dịch vụ cho các thành viên dựa trên nhu cầu thực tế của họ. Tuy nhiên, hầu hết các HTXNN vẫn tập trung vào các hoạt động truyền thống theo mô hình cũ như sản xuất nông nghiệp mà không thực hiện các dịch vụ cần thiết của nền kinh tế thị trường do thiếu kinh nghiệm và kỹ năng.
Khao khát người tài
Một trong những “nút thắt” lớn hiện nay cần tháo gỡ chính là trình độ quản lý, chuyên môn của HTX rất thấp. Đa số cán bộ quản lý HTX xuất thân từ nông dân nên trình độ học vấn, chuyên môn… còn hạn chế. Hiện nay, “vốn quý” của những vị cán bộ HTX chính là tâm huyết, nhiệt tình và kinh nghiệm thực tiễn nhưng lại thiếu năng động, nhạy bén trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, họ còn thiếu tầm nhìn, chiến lược để định hướng sản xuất kinh doanh lâu dài, việc tìm hiểu nắm bắt nhu cầu thị trường ít được quan tâm.
Kỹ năng quản lý là một mấu chốt quan trọng trong xây dựng HTX NN kiểu mới tại Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Cường khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chia sẻ: “Ngoài việc thiếu vốn thì cái khó nhất xuyên suốt từ ngày thành lập HTX cho đến nay chính là trình độ nguồn nhân lực quản lý. Bản thân tôi xuất thân từ nông dân, trình độ chuyên môn không có, đặc biệt là chưa nắm về nghiệp vụ quản trị, luật HTX và công tác dân vận. Thời gian qua, các cán bộ trẻ ở HTX cũng được các ngành chức năng tỉnh, huyện hỗ trợ những lớp đào tạo nghiệp vụ nhưng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Còn kêu gọi người tài, có trình độ học vấn về HTX làm thì vô cùng khó khăn. Mức lương hàng tháng của tôi hiện nay HTX trả khoảng 6 triệu đồng, cấp dưới từ khoảng 3 – 4 triệu đồng, so với nông thôn vậy là khá nhưng không đáng là bao so với nhiều nơi khác”.
Hàng năm HTX NN Tân Cường đều trích lại 35% lợi nhuận thu được để đưa vào các quỹ của HTX như: quỹ xã hội, khen thưởng và đào tạo chiếm 10%, 25% còn lại là quỹ phát triển sản xuất. Nguyện vọng của ông Trãi là sẽ dùng nguồn tích lũy 10% nói trên để đưa lực lượng cán bộ trẻ đi học, sau đó sẽ trở về phục vụ cho HTX. “Năm nay tôi cũng đã hơn 60 tuổi, tôi định xin về Ban Kiểm soát để nhường lớp trẻ có trình độ lên quản lý. Nhìn HTX ngày hôm nay tôi đã vui lắm rồi, mong ước của tôi là thấy HTX được lớp trẻ có tài, có trình độ dẫn dắt”, ông Trãi tâm sự.
Một giải pháp trước mắt để tìm kiếm người có năng lực, trình độ mà HTX NN Tân Cường đang nhắm tới là thành lập doanh nghiệp với hai thành viên góp vốn gồm: HTX chiếm tỷ lệ vốn 51% và còn lại là 49% vốn góp từ cá nhân, tổ chức bên ngoài. Đó vừa là một giải pháp để tháo gỡ những khó khăn về vốn đầu tư các dịch vụ nông nghiệp; đồng thời cũng là cách để thu hút nguồn “chất xám” nhanh nhất có thể để phục vụ cho HTX. Ông Trãi hi vọng rằng, những cá nhân, tổ chức khi rót vốn vào, họ sẽ có trách nhiệm với đồng vốn của mình bỏ ra và sẽ đóng góp công sức, trí tuệ cho HTX.
Đầu tư kỹ năng quản lý theo quy chuẩn
Trong thời gian thực hiện giai đoạn II, Dự án do JICA hỗ trợ đã tổ chức các khóa tập huấn với mục đích trang bị cho các HTX NN tại năm tỉnh nói trên các kiến thức và kỹ năng cần thiết trong hoạt động cung cấp dịch vụ cho các thành viên HTX. Dự án cũng đã xây dựng mạng lưới và bổ sung thêm các Cán bộ hướng dẫn cấp Trung ương có năng lực từ Bắc vào Nam, bao gồm Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (LMHTXVN), Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Hợp tác xã, Doanh nghiệp vừa và nhỏ miền Nam (SOCENCOOP), Đại học Cần Thơ và Đại học Huế, dựa trên sự đồng thuận của Bộ NN & PTNT,nhằm nhân rộng và tập huấn về bốn nội dung đào tạo của dự án cho các HTX NN trên cả nước và những người có liên quan tại các tỉnh khác.
Nhận thức được sự cần thiết và tầm quan trọng của bốn tài liệu tập huấn do Dự án xây dựng, Bộ NN & PTNT đã quyết định đưa bốn nội dung tập huấn này vào “Chương trình khung đào tạo bồi dưỡng các cán bộ quản lý hợp tác xã và tổ hợp tác trong nông nghiệp”, nhằm tăng cường hơn nữa năng lực của các HTX NN trong thời gian tới. Bộ NN & PTNT cũng đang phối hợp với Dự án tiến hànhhoàn thiện việc ban hành Hướng dẫn thực hiện bốn nội dung đào tạo của Dự án cùng với Sổ tay ví dụ điển hình của các HTX NN ở Việt Nam.
Năng lực và chức năng của các HTX NN thí điểm cũng như các HTX NN được đào tạo được kỳ vọng sẽ nâng cao, góp phần vào sự phát triển của ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, các HTXNN sẽ từng bước quen dần với hoạt động sản xuất và kinh doanh dựa trên hợp đồng – một trong những yếu tố thúc đẩy quan trọng cho sự phát triển của nền nông nghiệp vận hành theo hợp đồng, thiết lập chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và cải thiện đời sống của người nông dân.
Theo hanoitv.vn