ĐỂ KINH TẾ HỢP TÁC XÃ PHÁT TRIỂN

0
603

BÀI 2: GIẢI BÀI TOÁN KHÓ

   YBĐT- Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 ra đời được coi là cơn gió mát thổi vào kinh tế tập thể vốn dĩ đang gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều HTX còn gặp không ít khó khăn cần nhiều trợ giúp. >> Bài 1: Khi “bà đỡ” mờ nhạt

Lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh kiểm tra chất lượng chè búp tươi
tại Hợp tác xã Kiến Thuận (huyện Văn Chấn).
 

Chuyển đổi để thích ứng

   Những năm trước đây, các HTX nông nghiệp chủ yếu hoạt động cầm chừng từ việc cung ứng vật tư nông nghiệp. Từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, trên địa bàn xuất hiện không ít HTX tìm hướng đi mới chuyển sang đa ngành nghề dịch vụ. HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành (huyện Trấn Yên) thành lập tháng 5/2012 với 15 xã viên với vốn điều lệ 1 tỷ đồng.  Không như các HTX xã chỉ cung ứng vật tư nông nghiệp, HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành hoạt động với ngành nghề: Cung ứng vật tư nông – lâm nghiệp, thức ăn chăn nuôi, công nghệ phẩm, hàng tạp hóa; sản xuất, kinh doanh (SXKD) và cung ứng các loại giống cây trồng, vật nuôi; đầu tư kinh doanh công trình nước sinh hoạt; thu mua chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông – lâm nghiệp. Qua 3 năm đi vào hoạt động, HTX đã khẳng định được vai trò phát triển kinh tế tập thể trong cộng đồng dân cư.

   Đến nay, HTX đã kết nạp thêm 10 thành viên. Sự nhạy bén với thị trường, đa dạng ngành nghề đã góp phần làm cho hoạt động kinh doanh của HTX ngày càng quy củ, mang lại hiệu quả, tạo lòng tin ở xã viên. Doanh thu HTX năm sau cao hơn năm trước, tính riêng năm 2014 đạt 1,9 tỷ đồng; tạo công ăn việc làm cho 20 lao động thường xuyên với mức lương bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.

   Ông Trần Ngọc Sử – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX cho biết: “Phát triển đa ngành nghề sản xuất, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tổ chức sản xuất có trình tự, quy củ nên mô hình HTX đã và đang phát huy hiệu quả. HTX đã trở thành cầu nối giữa chính quyền với người nông dân, là chỗ dựa của các thành viên trong việc tổ chức sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp sản xuất hiệu quả, đồng thời tổ chức thu mua chế biến măng tre Bát Độ, gỗ rừng trồng, góp phần ổn định đầu ra cho các thành viên và hộ trồng rừng, trồng măng tre trong vùng”.

   Từ mô hình HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành cho thấy, dù ở quy mô nhỏ hay lớn nhưng khi HTX có năng lực điều hành, xây dựng phương án SXKD phù hợp, huy động được vốn nội tại thì hoạt động sẽ hiệu quả. Sau 2 năm thực hiện Luật HTX năm 2012, toàn tỉnh thành lập mới được 34 HTX; 163 HTX đã tiến hành đại hội sửa đổi điều lệ, bổ sung phương án kinh doanh, xác định cơ cấu vốn góp, mô hình hoạt động, bầu lại bộ máy lãnh đạo, trong đó có 128 HTX đã thực hiện xong việc tổ chức lại và hoạt động đúng theo quy định của Luật HTX năm 2012 (chiếm 40% tổng số HTX).

   Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, chất lượng các HTX tổ chức lại đã từng bước được nâng lên, các bộ thành viên đã nhận thức được nhu cầu và mục đích tham gia HTX; tính dân chủ trong HTX ngày càng thể hiện rõ nét, hội đồng quản trị đã xây dựng quy chế hoạt động, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Nhiều HTX đã chủ động liên doanh, liên kết với các HTX, doanh nghiệp khác để tăng dịch vụ và tăng doanh thu. Năm 2014, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng doanh thu các HTX vẫn đạt trên 1 ngàn tỷ đồng (tăng 32% so với năm 2013), nộp ngân sách tăng 43%. 

Còn nhiều vướng mắc

   Tuy nhiên, hiện nay, toàn tỉnh còn 115 HTX không thể chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Các HTX này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ điện. Nguyên nhân, do các HTX nông nghiệp từ năm 1996 thực hiện Luật HTX, xây dựng mô hình HTX kiểu mới. Nhiều vấn đề tồn tại cần giải quyết dứt điểm như: vốn, quỹ, công nợ nhưng chưa giải quyết được đã vội vàng chuyển đổi thành HTX kiểu mới. Các HTX dịch vụ điện sau khi bàn giao dịch vụ cho ngành điện không tìm được phương án kinh doanh nên ngừng hoạt động.

   Đến nay, ban quản trị HTX người chuyển sang làm việc khác, người đi khỏi địa phương. Nhiều HTX dây dưa công nợ không tổ chức sản xuất. Ngoài ra, một số HTX lúng túng trong chuyển đổi, khó khăn trong xác định tài sản, chưa đủ năng lực xây dựng phương án SXKD khả thi. Các chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, thuế, xúc tiến thương mại, nâng cao trình độ khoa học công nghệ chưa đồng bộ, thường xuyên…

   Ngoài ra, một nguyên nhân nữa dẫn tới việc chuyển đổi HTX theo Luật mới chưa đạt tiến độ là do văn bản hướng dẫn từ Trung ương chậm. Để giải quyết vấn đề này, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, chú trọng hướng dẫn các HTX xã tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Các HTX yếu kém không còn khả năng củng cố tiến hành giải thể để thành lập mới các loại hình kinh tế hợp tác đa dạng, phù hợp hơn theo nhu cầu của kinh tế hộ và đặc điểm của từng địa phương.

 

Chế biến tinh dầu quế ở Hợp tác xã 6-12 Đào Thịnh (xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên).

 

Cần nhiều chính sách hỗ trợ

   Bà Phạm Thị Phương Đông – Phó chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Các HTX có trách nhiệm là “bà đỡ” của nông dân trong sản xuất nông nghiệp và là cầu nối đại diện cho nông dân thực hiện các hợp đồng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân hay chí ít là các vệ tinh thu mua sản phẩm cho nông dân và cung cấp cho các doanh nghiệp. Vai trò thứ 2 của các HTX đang rất yếu bởi hầu hết các HTX mới tập trung việc cung ứng đầu vào cho các thành viên và nông dân như: phân bón, giống còn chưa lo được đầu ra cho các thành viên”.

   Vậy để HTX vừa thể hiện vai trò “bà đỡ” vừa là cầu nối bao tiêu sản phẩm cho người dân thì rất cần một giải pháp mang tính đột phá trong đầu tư phát triển kinh tế HTX. Trong bối cảnh hiện nay, mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng cao nên nếu chỉ chăm chăm vào một loại hình dịch vụ các HTX sẽ khó tồn tại. Do đó, các HTX phải năng động, sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động, mở rộng quy mô, đa dạng hóa các dịch vụ SXKD.

   Trong quá trình hoạt động, phải chủ động nắm bắt cơ hội, tiềm năng và lợi thế của địa phương để chọn các dịch vụ kinh doanh phù hợp; cùng với đó, khảo sát, nắm bắt thị trường tiêu thụ; liên kết với xã viên, nông dân và các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, muốn kinh doanh đa dịch vụ, các HTX phải có vốn đầu tư.

   Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động, việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn cán bộ có trình độ, tâm huyết là vấn đề cần được quan tâm. Từ những vấn đề trên, tỉnh cần ban hành một số cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút cán bộ trẻ có trình độ về làm việc tại các HTX; cần có các chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, tiền thuê đất cho HTX hoạt động có hiệu quả.

   Ông Trần Ngọc Sử – Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành kiến nghị: “Để HTX phát triển, tỉnh cần sớm ban hành chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 – 2020 theo Quyết định số 2261 của Thủ tướng Chính phủ. Liên minh HTX tỉnh cần tạo điều kiện cho các HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội thảo, hội chợ, triển lãm, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm và dịch vụ, tìm kiếm thị trường, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng tham gia học tập nhằm nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, thành viên HTX”.

   Bà Phạm Thị Phương Đông cũng cho biết: “Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ bố trí nguồn vốn bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ “Hỗ trợ phát triển HTX” nhằm tạo điều kiện về vốn và tạo động lực cho các HTX đẩy mạnh hoạt động SXKD. Ngoài ra, Liên minh sẽ tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ cho các HTX về kế hoạch sản xuất, dịch vụ, công tác kế toán, xây dựng đề án, phương án sản xuất, dịch vụ, tư vấn về chính sách, pháp luật một cách cụ thể; giúp các giám đốc HTX mở rộng mối quan hệ kinh tế, xây dựng thương hiệu nông sản, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách hỗ trợ cho kinh tế tập thể, các cấp ủy Đảng phải tăng cường sự lãnh đạo, giám sát đối với hoạt động của các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp trên địa bàn”.

Văn Thông 

http://www.baoyenbai.com.vn/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here