Những năm gần đây, cây thanh long ruột đỏ (TLRĐ) trở thành cây thế mạnh kinh tế ở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu và mở hướng phát triển kinh tế mới. Đáng phấn khởi là, năm 2021, quả TLRĐ ở Minh Quân đạt tiêu chuẩn VietGAP và được chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao.
Sản phẩm thanh long ruột đỏ Minh Quân bày bán tại cửa hàng các sản phẩm OCOP – Anmart đặc sản Yên Bái và các vùng miền.
Năm 2013, có 12 hộ ở xã Minh Quân đưa giống TLRĐ về trồng trên diện tích 1,5 ha đất vườn. Cây thanh long sinh trưởng, phát triển tốt, dễ chăm sóc, phù hợp với đất đồi cằn và sau 8 tháng đã bắt đầu cho thu hoạch quả to, ngọt.
Từ năm thứ 2 trở đi, thanh long cho năng suất, sản lượng cao dần. Nhận thấy hiệu quả kinh tế, nhiều hộ chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng TLRĐ và những năm gần đây, cây thanh long đã thành cây trồng thế mạnh kinh tế, cây làm giàu của nhiều hộ, góp phần quan trọng tăng tổng thu nhập toàn xã.
Theo tính toán, mỗi trụ cho trung bình từ 5 – 7 kg quả/lứa; mỗi năm thu hoạch từ 4 – 5 lứa, nên trồng 1 ha tương đương với 1.500 trụ sẽ cho thu hoạch từ 25 – 30 tấn quả/năm. Hiện, giá bán tại vườn đạt từ 17.000 – 20.000 đồng/kg và trừ chi phí còn cho thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng/ha. Ngoài ra, thu nhập từ bán hom giống cũng mang lại giá trị kinh tế khá. Năm 2021, toàn xã đã có 109 hộ trồng TLRĐ trên diện tích gần 13 ha; trong đó, 8 ha đã cho thu hoạch đạt khoảng trên 200 tấn quả và doanh thu trên 3 tỷ đồng.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế của TLRĐ, năm 2020, xã đã phối hợp với Hội Phụ nữ huyện Trấn Yên chỉ đạo Hội Phụ nữ xã thành lập Hợp tác xã (HTX) TLRĐ với 9 hộ tham gia. Trong đó, xây dựng kế hoạch phát triển vùng thanh long và phấn đấu đến năm 2024 đưa diện tích lên 30 ha tại các thôn: Đức Quân, Linh Đức, Gò Bông, Đồng Danh, Liên Hiệp, Hòa Quân, Ngọn Ngòi, Tiền Phong.
Hội Nông dân xã chỉ đạo hội viên tiếp cận nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất; xây dựng dự án sản xuất sản phẩm TLRĐ theo chuỗi liên kết đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP, được chứng nhận vùng sản xuất an toàn và hướng dẫn thực hiện các thủ tục đăng ký sản phẩm TLRĐ được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.
Với những nỗ lực đó, đến tháng 11/2021, sản phẩm TLRĐ Minh Quân được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao.
Để mở ra hướng đi mới, tạo bước tiến mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chính quyền xã chỉ đạo HTX TLRĐ Minh Quân làm đầu mối cho các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển sản phẩm.
Theo đó, khi được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và quả thanh long ở Minh Quân có hình thức đẹp, chất lượng tốt đã được bán ở thị trường một số địa phương trong, ngoài tỉnh như: Cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm OCOP – Anmart đặc sản Yên Bái và các vùng miền tại thị xã Nghĩa Lộ, thị trấn Yên Bình và một số địa phương của tỉnh Phú Thọ.
Đây là bước tiến mở ra triển vọng cho TLRĐ Minh Quân, tạo niềm tin để người dân đầu tư, mở rộng sản xuất, nắm bắt cơ hội làm giàu. Hiện tại, xã đang tiếp tục định hướng mở rộng vùng sản xuất đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của thị trường. Đầu tư, phát triển vùng sản xuất TLRĐ bền vững phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm tại xã.
Đồng thời, dự kiến năm 2022, đưa tổng diện tích thanh long lên 20 ha, sản phẩm quả TLRĐ đạt 400 tấn/năm và đảm bảo chất lượng, mẫu mã đạt tiêu chuẩn để tiếp thị tại các chuỗi nhà hàng, siêu thị ở các tỉnh phía Bắc. Phấn đấu đến năm 2024, diện tích trồng thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP là 30 ha; sản phẩm được phân phối tại các chuỗi nhà hàng, siêu thị trong, ngoài tỉnh đạt trên 600 tấn/năm.
Để đạt các mục tiêu đó, chính quyền xã tích cực tuyên truyền, phối hợp tập huấn cho người dân từng bước áp dụng quy trình VietGAP nhằm bảo đảm sản phẩm quả an toàn, đủ tiêu chuẩn cung ứng cho thị trường; sử dụng các công nghệ mới trong sản xuất, bảo quản, chế biến sau thu hoạch như: đưa giống mới vào sản xuất; xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước; thực hiện cơ giới hóa trong khâu làm đất; lắp đặt khung che phủ chống thời tiết khắc nghiệt; bón phân theo quy trình; chú trọng kỹ thuật sơ chế như: kho lạnh, xông hơi, đóng gói, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đồng thời, tạo lập các mối liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ để chủ động giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Tập trung phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh để quảng bá thương hiệu TLRĐ thông qua các triển lãm các hội chợ thương mại trong, ngoài tỉnh…
Theo Báo Yên Bái