Doanh nghiệp Yên Bái khắc phục thiếu hụt lao động do Covid-19

0
356

Từ sau tết Nguyên đán đến nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái và tại các khu công nghiệp liên tiếp ghi nhận hàng trăm trường hợp F0 và F1 phải cách ly tại nhà, đặc biệt là các doanh nghiệp may dẫn đến thiếu hụt trầm trọng về lao động.

Nhờ thực hiện tốt các giải pháp thích ứng, Công ty cổ phần May Chiến Thắng đã khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động để duy trì sản xuất.

Nhờ thực hiện tốt các giải pháp thích ứng, Công ty cổ phần May Chiến Thắng đã khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động để duy trì sản xuất.

 

 

Ông Phạm Ngọc Mai – Quản lý nhân sự Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF (Hàn Quốc) đóng tại thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên cho biết: “Ngày 18/3, Công ty ghi nhận 136/824 lao động bị nhiễm Covid-19 phải nghỉ việc. Công ty khắc phục bằng sử dụng quỹ thời gian tăng ca với thời gian 1,5 tiếng để bù đắp.
Với những người chưa bị bệnh, chúng tôi tuyên truyền, động viên để họ có tinh thần cố gắng hơn bù lại một phần cho những trường hợp nghỉ; điều chỉnh kế hoạch sản xuất ở những đơn vị có nhiều trường hợp F0 sang những đơn vị có ít F0. Đồng thời, chúng tôi làm việc cụ thể với từng khách hàng, điều chỉnh thời gian giao hàng”.
Tại Công ty TNHH Unico Global YB, ở Khu Công nghiệp Âu Lâu, thành phố Yên Bái – nơi có hơn 1.000 công nhân, có thời điểm trên 140 người là F0 phải cách ly tại nhà.
Bà Lê Thị Hậu – Trưởng phòng Hành chính – Nhân sự Công ty cho biết: “Tính đến ngày 17/3, Công ty vẫn còn 85 F0 nghỉ cách ly tại nhà, thiếu hụt hơn 10% số lao động nên ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất. Giải pháp khắc phục là Công ty đàm phán với đối tác lùi đơn hàng, thông báo tuyển dụng lao động; bố trí cho công nhân làm thêm giờ bù lại một phần lực lượng lao động thiếu hụt. Nhờ đó, dù thiếu hụt lao động nhưng năng suất lao động vẫn đảm bảo.
Từ đầu năm tới nay, Công ty vẫn sản xuất được 70.539 sản phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, ngoài thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K”, doanh nghiệp xét nghiệm sàng lọc miễn phí 100% cho người lao động; test cho công nhân viên có triệu chứng; bố trí sản xuất giữ khoảng cách an toàn trong xưởng”.
Liên quan đến tuyển dụng lao động, theo nhu cầu, doanh nghiệp cần tuyển thêm 500 lao động, tuy nhiên tỷ lệ tuyển mới còn thấp do người lao động lo ngại dịch, sợ lây lan cho người nhà nên hầu hết chỉ hứa sẽ làm việc nếu dịch ổn định. Cùng đó, tỷ lệ người lao động nghỉ việc để chăm sóc gia đình, trông trẻ do các trường nghỉ học cũng tăng hơn.
Không chỉ các doanh nghiệp dệt may, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề, lĩnh vực khác cũng chung tình trạng này.
Công ty TNHH Ngành gỗ Thiên An tại Khu công nghiệp phía Nam hiện còn 63 lao động là F0/700 lao động đang nghỉ cách ly tại nhà.
Bà Nguyễn Thị Luyến – Quản lý nhân sự Công ty cho biết: “Trước mắt, doanh nghiệp không tuyển dụng thêm lao động, duy trì sản xuất để chờ F0 khỏi bệnh quay lại làm việc. Để đáp ứng yêu cầu đơn hàng, doanh nghiệp động viên người lao động cố gắng hơn để bù lại một phần những trường hợp nghỉ việc do dịch bệnh; điều động nhân sự tại các bộ phận, phân xưởng hỗ trợ cho nhau. Đồng thời, vận động, cho phép người lao động đi làm ngay khi có kết quả xét nghiệm âm tính gắn với tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch”.
Thống kê đến ngày 10/3, các khu công nghiệp của tỉnh có 480 lao động bị nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, do hầu hết các công nhân, người lao động được tiêm đủ vắc-xin cộng với các doanh nghiệp thường xuyên test Covid -19 sàng lọc đã phát hiện sớm, cách ly kịp thời nên hạn chế được việc lây nhiễm.
Một giải pháp chung để khắc phục thiếu hụt lao động, hầu hết các doanh nghiệp đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất, điều chỉnh nhân sự ở các phân xưởng; bố trí cho công nhân tăng ca, làm thêm giờ; đàm phán với khách hàng giãn ngày giao hàng… Vì vậy, chưa có doanh nghiệp nào phải ngừng hoạt động do dịch Covid-19.
Lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, Ban tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; đặc biệt là xét nghiệm sàng lọc nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao, triển khai tiêm mũi vắc-xin  thứ 3 cho tất cả số lao động; yêu cầu 100% doanh nghiệp cập nhật hướng dẫn quản lý chăm sóc điều trị người mắc Covid -19 tại nhà theo các công văn hướng dẫn của ngành y tế; phối hợp với các đơn vị làm các thủ tục hưởng trợ cấp đối với các ca F0 và F1 theo quy định.
Đề xuất đưa ra là các doanh nghiệp, các cấp công đoàn chăm lo tốt chế độ cho người lao động; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt công tác cải cách hành chính. Đặc biệt là quan tâm đến các thủ tục đất đai, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp đỡ hướng dẫn doanh nghiệp về trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị miễn giảm, hoãn thuế, phí do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đảm bảo nhanh gọn kịp thời đúng chính sách…
Theo Báo Yên Bái