CTTĐT – Thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), thời gian qua, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tích cực phối hợp tuyên truyền, triển khai thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên, người lao động trong tham gia phát triển KTTT, xây dựng mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới.
Thành viên Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên kiểm tra chất lượng cây dầu tằm.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Liên Minh Hợp tác xã tỉnh tham mưu với Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 15 ngày 2/8/2002 thực hiện Nghị quyết 13; tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 17 ngày 18/11/2016 về việc đẩy mạnh phát triển KTTT và các HTX trên địa bàn tỉnh; tham gia ý kiến vào Dự thảo Đề án củng cố phát triển HTX, tổ hợp tác (THT) giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030, Dự thảo Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030, dự thảo Nghị HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ, phát triển KTTT, HTX tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025…Thực hiện công tác tuyên truyền, hàng năm, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã lồng ghép đưa nội dung Nghị quyết 13 vào chương trình công tác năm và các phong trào, cuộc vận động thi đua yêu nước. Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Báo Yên Bái, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh thường xuyên tuyên truyền Luật HTX, các chính sách phát triển KTTT, giới thiệu điển hình, mô hình áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế. Năm 2016, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh lựa chọn, giới thiệu với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam 3 HTX kiểu mới điển hình của tỉnh Yên Bái để đưa vào cuốn sách “Những HTX kiểu mới điển hình giai đoạn 2014-2016”; phối hợp vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia Cuộc thi Tìm hiểu Luật HTX năm 2012 do Liên minh HTX tỉnh triển khai tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, Ủy ban MTTQ các cấp còn chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân duy trì và phát triển nghề truyền thống như: sản xuất tranh đá quý, dệt thổ cẩm, đan rọ tôm, làm miến…; phối hợp với các tổ chức đoàn thể vận động nhân dân thành lập 1.466 THT, 109 HTX; 48 doanh nghiệp do Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ làm chủ. Hiện tại, đã có nhiều mô hình THT, HTX mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như: THT chăn nuôi lợn tại thôn Trực Bình, xã Minh Bảo có tổng vốn đầu tư 500 triệu đồng, tạo việc làm cho 5 lao động với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng; THT kinh doanh thức ăn chăn nuôi thôn Trấn Ninh, xã Tân Thịnh có tổng vốn đầu tư 6 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 9 lao động, thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng; THT trồng rau sạch thôn Đa Cốc, xã Vĩnh Kiên, tổng vốn đầu tư 30 triệu đồng, tạo việc làm cho 20 lao động, thu nhập 7 triệu đồng/ người/tháng… Đến nay, toàn tỉnh có 6.000 THT, doanh thu bình quân 330 triệu đồng/THT, lợi nhuận bình quân 80 triệu đồng/THT. Dự kiến hết năm 2021, toàn tỉnh có 590 HTX. Hoạt động của THT, HTX chủ yếu hướng vào mục đích giúp đỡ tương trợ nhau, cùng trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về giống, kỹ thuật mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; cung cấp thông tin, tiêu thụ sản phẩm.
Có nhiều HTX đã tạo được sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, điển hình như: HTX Hợp tác xã 6/12 Đào Thịnh (huyện Trấn Yên) lĩnh vực hoạt động chính là trồng và chế biến tinh dầu quế có doanh thu ước đạt trên 25 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho trên 60 lao động với mức thu nhập bình quân 6 – 7 triệu đồng/người/tháng; HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành (huyện Trấn Yên) hoạt động trong lĩnh vực trồng, thu mua và sơ chế măng tre Bát độ, doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng, tạo việc thường xuyên làm cho 50 lao động với mức thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng… Với những cách làm sáng tạo, các HTX đã khẳng định hướng đi đúng theo mô hình HTX kiểu mới, giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có trên 60% HTX hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên; trên 70% sản phẩm của các HTX được xếp hạng OCOP từ 3 sao đến 4. Hết năm 2020, toàn tỉnh có 130/150 xã hoàn thành tiêu chí số 13 (xã có HTX hoạt động hiệu quả) đạt 86,7% số xã, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh lên gần 80 xã.
Từ những kết quả đã đạt được, Nghị quyết 13 của Đảng về phát triển, nâng cao KTTT đã khẳng định tính đúng đắn, phù hợp với xu hướng phát triển, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của người dân và thay đổi diện mạo nông thôn thời kỳ hội nhập./.
Theo Trang TTĐT Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái