Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Nghị định về các tổ hợp tác trên cả nước, theo đó 98.800 tổ hợp tác sẽ được cấp mã số, quản lý đăng ký kinh doanh như các doanh nghiệp. Việc này nhằm minh bạch hóa địa vị của tổ hợp tác, cập nhật thông tin tổ hợp tác vào hệ thống thông tin quốc gia về hợp tác xã, giúp tổ hợp tác ngày cành phát triển.
Nhiều tổ hợp tác đang hoạt động lỏng lẻo, tự phát
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có hơn 98.800 tổ hợp tác, với hơn 1,2 triệu thành viên, tạo việc làm cho hơn 1 triệu người. Mức doanh thu bình quân của một tổ hợp tác năm 2016 là 229 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân cho một lao động thường xuyên trong tổ hợp tác là 26 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, hiện chỉ có hơn 36.000 tổ hợp tác trên cả nước đăng ký kinh doanh và đăng ký hoạt động. Còn lại đa số tổ hợp tác chuyển đổi kinh doanh hoặc phá sản, hoặc không đăng ký hoạt động theo ngành nghề, lĩnh vực.
Trong dự báo vừa đưa ra lấy ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị: cấp đăng ký và mã số cho từng tổ hợp tác. Yêu cầu các tổ hợp tác đăng ký hoạt động, đăng ký kinh doanh theo lĩnh vực, ngành nghề để quản lý nhà nước tốt hơn, hỗ trợ chính sách của Nhà nước đến với khu vực kinh tế “siêu nhỏ” này tại nhiều địa phương.
Đối với chính sách về phí, lệ phí đăng ký tổ hợp tác, hiện nay mức thu phí đối với đăng ký hợp tác xã chỉ phổ biến ở khoảng 30.000 đồng/hợp tác xã. Chi phí này theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ không phát gánh nặng cho các tổ hợp tác trên cả nước.
Khi được cấp mã số, quản lý đăng ký kinh doanh sẽ hạn chế được sự tự phát, hợp tác lỏng lẻo, không có tư cách pháp nhân, không có tài sản riêng, không được hỗ trợ vay vốn… của tổ hợp tác. Những điều này làm hạn chế rất nhiều khả năng phát triển số lượng tổ hợp tác.
Dự kiến, Nghị định về tổ hợp tác được ban hành sẽ giải quyết được một số vướng mắc đối với tổ hợp tác hiện nay như: Phân biệt rõ các hình thức hợp tác (hợp đồng hợp tác, câu lạc bộ, nhóm liên kết, nhóm sản xuất, tổ hợp tác) tránh sự trùng lặp, nhầm lẫn giữa các hình thức hợp tác.
Qua đó có các quy định điều chỉnh phù hợp nhất với từng loại hình hợp tác từ đơn giản đến phức tạp; tăng cường địa vị pháp lý của tổ hợp tác: cấp đăng ký và mã số cho từng tổ hợp tác, minh bạch hóa hoạt động và thành viên của tổ hợp tác khiến các đối tác yên tâm hơn, tạo tiền đề để tổ hợp tác phát triển.
Nguồn Thời báo kinh doanh