Kinh tế hợp tác ở Yên Bái đang phát triển đúng hướng

0
227

Thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 9/3/2020 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính Phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 9/3/2020 của Bộ Chính trị “về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả Kinh tế tập thể” (Kết luận số 70). Đảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái luôn xác định rõ phát triển Kinh tế tập thể (KTTT), Hợp tác xã (HTX) là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Nhờ đó, Kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Yên Bái phát triển đúng hướng và đang phát huy đúng tầm, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Liên minh HTX Việt Nam tìm hiểu các sản phẩm của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái

 

 

Phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Chương trình hành động số 07/Ctr-UBND của UBND tỉnh Yên Bái ngày 23/11/2020 về thực hiện thực hiện Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính Phủ thực hiện Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu: Khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn phát triển Kinh tế tập thể, nhất là HTX kiểu mới, Tổ hợp tác (THT) kết nối với Kinh tế hộ nông nghiệp, nông thôn và đô thị, giai đoạn 5 năm (2021-2025) Yên Bái đã thành lập mới 300 HTX và 1.250 THT.

Thời gian qua, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng việc thành lập mới HTX trên địa bàn tỉnh vẫn vượt mục tiêu đề ra; trong năm 2021 và hết quý I năm 2022, toàn tỉnh thành lập mới gần 100 HTX, vượt xa so với Kế hoạch (60 HTX/năm), hiện toàn tỉnh có tổng số 589 HTX. Không chỉ vượt về số lượng mà chất lượng các HTX mới thành lập cũng ngày càng nâng cao, có trên 75% số HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả. Năm 2021, tổng vốn Điều lệ của các HTX đạt 1.335,8 tỷ đồng, tăng 11,4% so với năm 2020 (1.198,6 tỷ đồng); nhiều HTX đã xây dựng được chuỗi sản phẩm, doanh thu hàng hóa và cung cấp dịch vụ của HTX đạt bình quân 2,05 tỷ đồng/HTX/năm. Thu nhập bình quân người lao động đạt 58,2 triệu đồng/người/năm. Nộp Ngân sách Nhà nước ước đạt 97,3 tỷ đồng. Hầu hết các HTX trong tỉnh hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX 2012 với bộ máy quản lý, điều hành tinh gọn và linh hoạt hơn, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống cho người lao động, nhiều HTX còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới và các hoạt động an sinh xã hội do địa phương và các cấp, ngành phát động. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy Kinh tế hợp tác ở Yên Bái đang phát triển đúng hướng.

 

Đa dạng hóa loại hình Hợp tác xã

Bên cạnh việc tăng nhanh về số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động, các HTX ở Yên Bái còn hoạt động đa dạng trong các ngành, nghề, lĩnh vực, nếu như trước đây các HTX hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: Nông nghiệp; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thương mại dịch vụ; xây dựng; quỹ tín dụng nhân dân. Song, trong thực tiễn hiện nay và xu hướng phát triển cách mạng công nghiệp 4.0, các HTX trên địa bàn tỉnh Yên Bái ngày càng mở rộng hoạt động trong nhiều ngành, nghề, lĩnh vực mới như: Công nghệ số; du lịch; bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại xử lý rác thải; dịch vụ vệ sinh điện nước, người giúp việc; cung cấp nước sạch…

Đơn cử như Hợp tác xã phát triển công nghệ số Hải Anh (Thành phố Yên Bái) là một trong những Hợp tác xã tiên phong trong đổi mới sáng tạo và công nghệ số, ngay sau khi thành lập, HTX đã bắt tay ngay vào hoạt động, đẩy mạnh makertiing để nắm bắt nhu cầu của các tổ chức và người dân cũng như xu thế phát triển kinh tế – xã hội công nghệ 4.0. HTX đã chủ động phát triển các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ về công nghệ thông tin, hạ tầng mạng, kĩ thuật số, các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh và đời sống hàng ngày đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

        Giữa núi rừng Tây Bắc, những thảm hoa đủ màu sắc, cùng các công trình phụ trợ được HTX dịch vụ du lịch Đại An (huyện Lục Yên) đầu tư đã đem lại diện mạo mới cho vùng đất này. Anh Đinh Văn An – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX đã quyết định đầu tư số vốn trên 10 tỷ đồng tích cóp được sau nhiều năm để trồng hoa, làm du lịch. Năm 2018 anh An thuê đất nông nghiệp của các hộ dân để trồng thử 4 sào hoa cánh bướm, hoa hồng cổ và nhiều loại hoa khác tại thôn Giáp Chảy, đồng thời, anh còn làm đường dẫn lên hang động ở thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên để người dân, du khách đến tham quan và chụp ảnh. Mong muốn có được sức mạnh về nguồn lực đầu tư bài bản, chất lượng hơn, thu hút được nhiều khách tham quan hơn thông qua tổ chức Hợp tác xã, anh đã tìm đến Liên minh HTX tỉnh để tư vấn, giúp đỡ, sau khi được tư vấn, Anh đã vận động các hộ dân nơi đây cùng tham gia HTX. Từ khi Hợp tác xã dịch vụ du lịch Đại An được thành lập và đi vào hoạt động, chỉ trong 01 năm đã có hàng chục nghìn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Doanh thu của Hợp tác xã ngày càng tăng, thu về gần 1 tỷ đồng doanh thu/năm. Không chỉ tạo điểm nhấn cho bình nguyên xanh Khai Trung, góp phần phát triển du lịch của địa phương, mà HTX dịch vụ du lịch Đại An còn tạo việc làm cho hơn chục lao động địa phương, với mức lương từ 3 đến hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Chị Phùng Thị Tiến (xã Khai Trung, huyện Lục Yên) chia sẻ: “Từ khi có Hợp tác xã Đại An, bản thân tôi cũng xin vào đây làm và tham gia thành viên HTX, có công việc ổn định, phù hợp mà lại được gần nhà.”

Thung lũng hoa rực rỡ sắc màu của HTX dịch vụ du lịch Đại An thu hút khách tham quan

 

 

Áp dụng công nghệ – nâng tâm giá trị sản phẩm

 

Những năm qua, các HTX trên địa bàn tỉnh đã áp dụng khoa học, công nghệ, thay đổi cách thức sản xuất độc canh đơn lẻ, sản xuất kinh doanh truyền thống, sang sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó nâng tầm sản phẩm, tạo hướng đi mới, hiện đại, hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh.

Điển hình là HTX dịch vụ tổng hợp Thắng Lợi (huyện Văn Yên) áp dụng khoa học, công nghệ tái chế phế phẩm công nghiệp để sản xuất “vàng đen” – dầu FO. Năm 2019, HTX Thắng Lợi tiên phong và mạnh dạn đầu tư Nhà máy sản xuất dầu F0-R tại khu công nghiệp phía nam của tỉnh, với diện tích 10.000m. Dự án này có công suất xử lý trên 6.000 tấn phế phẩm công nghiệp các loại/năm như: Săm lốp ô tô, xe máy cũ, nhựa Palstic từ các cửa hàng, xưởng sửa chữa xe ô tô, xe máy…và các sản phẩm tận thu của các nhà máy sản xuất săm lốp ô tô, xe máy, các cơ sở chế biến giầy đế cao su; cung cấp cho thị trường khoảng 5000 tấn sản phẩm/năm, trong đó dầu F0-R là sản phẩm chính trong quá trình sản xuất nhiên liệu từ cao su phế liệu theo công nghệ nhiệt phân, đạt tiêu chuẩn nhiên liệu đốt theo quy chuẩn quốc gia, giá thành sản phẩm dầu F0-R do nhà máy của HTX Thắng Lợi sản xuất có giá thành giảm 30% so với sản phẩm nhập từ nước ngoài, ngoài ra còn thu hồi một số sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất như: Than Các bon, Thép, Gas (tái phục vụ sản xuất cho chính HTX). Với công suất và sản lượng như vậy, tổng doanh thu một năm đạt 30 tỷ, lợi nhuận khoảng 2 tỷ, tạo việc làm ổn định cho 50 lao động với thu nhập bình quân 07 triệu đồng/người/tháng, phấn đấu nộp Ngân sách nhà nước từ 2-3 tỷ đồng/năm.

Giám đốc HTX Thắng Lợi Nguyễn Hữu Ký (người đứng thứ 2 từ trái sang) cùng cán bộ kỹ thuật và lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Yên Bái tại Nhà máy sản xuất dầu FO-R của HTX.

 

 

Cũng như bao HTX khác trên địa bàn, khi mới thành lập, đi vào hoạt động HTX Thái Sơn (huyện Lục Yên) gặp không ít khó khăn. Song, với hướng đi đúng theo mô hình HTX kiểu mới, hoạt động theo Luật HTX năm 2012, HTX Thái Sơn đã quan tâm đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ cho hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm. Cùng với đó, HTX còn tích cực tổ chức thương thảo, liên doanh, liên kết và ký kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm lạc, vừng, đỗ tương cho bà con trong vùng; tiến hành đăng ký chất lượng sản phẩm; đồng thời xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Ngoài các sản phẩm chất lượng được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 – 4 sao, các sản phẩm của HTX Thái Sơn còn được bình chọn và đạt giải nhất, nhì cho sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Yên Bái các năm 2018 và năm 2021. Cho thấy, các sản phẩm ngày càng được nâng tầm do đáp ứng được thị trường và khả năng phát triển sản xuất, chỉ tiêu kinh tế – xã hội và môi trường, tính văn hóa và thẩm mỹ cùng một số tiêu chí khác, nên sản phẩm của HTX Thái Sơn ngày càng bay xa hơn đến các thị trường lớn trong và ngoài tỉnh.

 

 Tiếp sức để Kinh tế hợp tác, HTX vươn tầm

Để Kinh tế tập thể, hợp tác xã ngày càng khẳng định vị trí, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2021-2025 định hướng đến 2030, tỉnh Yên Bái tiếp tục quan tâm lãnh đạo, thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của KTTT, HTX thông qua việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các Nghị quyết, quyết định, kế hoạch, cơ chế, chính sách về phát triển KTTT để thực hiện như: Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh Yên Bái  ban hành một số chính sách về hỗ trợ phát triển Kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025…; Chương trình hành động số 07/Ctr-UBND ngày 23/11/2020 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 134/NQ – CP ngày 25/9/2020 của Chính Phủ về thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 9/3/2020 của Bộ Chính trị; Kế hoạch phát triển Kinh tế tập thể tỉnh giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch phát triển Kinh tế tập thể tỉnh từng năm…. Các nghị quyết, cơ chế, chính sách nêu trên được cụ thể hóa trên cơ sở phù hợp định hướng chính trị của Đảng và Nhà nước.

Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của KTTT, HTX, xây dựng và phát triển các HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh. Đồng thời, tăng cường huy động nguồn lực xã hội để phát triển KTTT, HTX. Bố trí kinh phí từ nguồn Ngân sách Trung ương và địa phương để hỗ trợ các địa phương thực hiện chính sách phát triển HTX. Nâng cao hiệu quả các hoạt động chuyển đổi số; đổi mới khoa học công nghệ trong sản xuất; tăng cường xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực… Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững, Chương trình mỗi xã một sản phẩm), bổ sung Vốn điều lệ cho Quỹ trợ phát triển HTX của tỉnh…, để hỗ trợ tích cực cho KTTT, HTX. Tranh thủ nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã ở Trung ương và nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, các Quỹ khác để hỗ trợ HTX. Phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh, trên cơ sở liên kết hộ sản xuất với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ hàng hóa, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường. Hỗ trợ, xây dựng các mô hình Kinh tế tập thể, HTX kiểu mới phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0…Đây được xem là những giải pháp căn cơ để Kinh tế tập thể tỉnh phát triển xứng tầm trong tình hình mới./.