Nông dân Yên Bái ứng dụng công nghệ tưới nước tiên tiến

0
302

Thay vì tưới nước theo kiểu truyền thống, nhiều hộ nông dân, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp…

Một mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp.

Một mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp.

 

 

 

Hợp tác xã (HTX) Hoa hồng Nậm Khắt ở xã Nậm Khắt (Mù Cang Chải) đã ứng dụng hệ thống tưới phun mưa để cải tạo 33 ha đất vốn là ruộng cằn thiếu nước để trồng hoa hồng. Anh Trần Văn Vỹ – Giám đốc HTX cho biết: “Sau khi nghiên cứu về thời tiết, khí hậu cũng như trong quá trình trồng thử nghiệm, việc tưới thủ công ở cánh đồng hoa hồng này là bất khả thi. Vì vậy, chúng tôi đã đầu tư xây dựng 1 hệ thống tưới phun mưa gồm 3 bộ phận: bể chứa cung cấp nước, hệ thống ống dẫn dưới lòng đất và các vòi phun mưa xoay tự động, được kết nối với điều khiển thông minh để sử dụng”.
Hệ thống tưới của HTX giúp nước được dẫn trực tiếp đến hệ thống vòi phun qua đường ống nên đã giảm thiểu tối đa việc thất thoát nước, duy trì được độ ẩm thường xuyên, mùa đông thì có thể rửa trôi sương muối và đặc biệt là tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 50%, giảm chi phí công lao động từ 70-80%, tăng giá trị sản xuất từ 30-45%, tăng thu nhập từ 20-30%.
Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để cánh đồng vốn thiếu nước nay bạt ngàn thơm ngát bởi hoa hồng. Hoa hồng Nậm Khắt cũng được nhiều chủ vườn đánh giá có bông to và đẹp nhất nhì vùng Tây Bắc, được nhiều mối hàng dưới xuôi ưa chuộng. Mỗi năm, 1 ha hoa hồng cho thu từ 30 – 40 vạn bông, đem lại doanh thu khoảng 700 triệu đồng.
Chè là 1 trong 10 cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích trên 7.000 ha. Diện tích rộng, lại là cây cần ít nước nên rất ít đồi chè được trồng gần nguồn nước; hệ thống tưới tiêu cũng không mấy nơi có, việc tưới nước chủ yếu dựa vào thời tiết tự nhiên. Vào mùa nắng nóng kéo dài, cây chè có nguy cơ héo lá, cháy búp nếu không được cung cấp đủ nước.
Trước thực trạng đó, một số hộ dân trồng chè đã đầu tư hệ thống tưới phun mưa cố định cho đồi chè. Gia đình chị Nguyễn Thị Mai ở xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đã áp dụng hệ thống tưới phun mưa từ nhiều năm nay cho biết: “Từ khi có hệ thống tưới này, không những mùa hè nắng nóng oi ả, cây chè cũng được tưới mát mà ngay cả mùa đông sương giá, nguồn nước này cũng rửa đi sương muối là nguyên nhân khiến chè bị cháy ngọn. Nhờ đó, 0,6 ha chè của gia đình đạt năng suất trung bình mỗi năm trên 10 tấn/ha”.
Hiệu quả của hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là rõ ràng: tiết kiệm nước tưới, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, cải tạo đất, giảm sức lao động. Áp dụng kỹ thuật tưới này không chỉ là giải pháp quan trọng để chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài, thiếu nước mà còn nâng cao hiệu quả tưới phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo Báo Yên Bái