Phát triển Kinh tế tập thể bền vững thúc đẩy thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia

0
272

Để thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia (Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi) trong từng giai đoạn. Tỉnh Yên Bái xác định đây là những chủ trương, chính sách quan trọng, có tác động sâu, rộng, trực tiếp và toàn diện đến mọi mặt đời sống của Nhân dân, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có khu vực Kinh tế tập thể, Hợp tác xã.

Đồng chí Nguyễn Văn Thưởng – Thường trực Ban Bí thư  và đồng chí Đỗ Đức Duy – Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái  và lãnh đạo tỉnh Yên Bái tại Gian trưng bày và tiêu thụ các sản phẩm từ Quế của các HTX, DN trên địa bàn tỉnh Yên Bái

 

 

 

 

Hợp tác xã, Tổ hợp tác là công cụ giảm nghèo hiệu quả

Khu vực Kinh tế tập thể (KTTT), HTX những năm gần đây có bước phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Từng bước khẳng định vị trí, vai trò “Cùng Kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền Kinh tế quốc dân” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 Khóa XIII của Đảng.

 

Tính đến hết tháng 6 năm 2022, toàn tỉnh Yên Bái có 610 HTX, với 30.544 thành viên, doanh thu bình quân 945 triệu đồng/HTX; lợi nhuận bình quân 203 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân người lao động gần 5 triệu đồng/người/tháng; nộp Ngân sách Nhà nước 19,4 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số Tổ hợp tác hiện có 5.930 THT với trên 29.600 thành viên; doanh thu bình quân đạt 300 triệu đồng/THT; lợi nhuận bình quân khoảng 75 triệu đồng/THT; thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.

 

Mô hình Kinh tế hợp tác, HTX của tỉnh trong thời gian qua đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế – xã hội nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng của tỉnh. Bởi vậy, tại hai huyện vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tiêu biểu của tỉnh Yên Bái là Trạm Tấu và Mù Cang Chải số lượng HTX, THT những năm gần đây tăng nhanh, đến nay huyện Mù Cang Chải có 45 HTX, gần 500 THT, huyện Trạm Tấu có 21 HTX và hơn 400 THT sản xuất, kinh doanh các ngành nghề đa dạng như: Vật liệu xây dựng, sản xuất nông lâm nghiệp, thương mại, hoạt động dịch vụ, du lịch…

 

Một số HTX, THT tiêu biểu hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động có thể kể đến như: HTX nông nghiệp sạch T and D, HTX Hoa Nậm Khắt, HTX cộng đồng Màng Mủ, HTX dịch vụ và du lịch Dế Xu Phình (huyện Mù Cang Chải), HTX kinh doanh sản xuất tổng hợp Hưng Thùy, HTX Hương Chanh, HTX du lịch – nông nghiệp xanh (huyện Trạm Tấu)…

 

“Khi chưa có hợp tác xã, hàng năm mỗi ha lúa gia đình tôi thu về 30 triệu đồng, nay HTX thuê 35 triệu đồng/ha/năm, tôi lại được làm công nhân cho HTX, mỗi tháng cũng được trả 3- 4 triệu đồng, cuộc sống khá hơn nhiều rồi” – chị Giàng Thị Ca – người H’Mông xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải đã nói lên tâm tư, nguyện vọng chung của người dân khi tham gia vào mô hình KTTT để cùng nhau hợp tác làm giàu chính đáng trên quê hương mình.

 

 

 

Chung tay giải quyết việc làm, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực tiễn thời gian qua, các tổ chức Kinh tế tập thể đã tích cực chung tay cùng cả hệ thống chính trị của tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi thông qua giải quyết việc làm, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào, đồng thời giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số.

 

Những năm qua, HTX Suối Giàng, huyện Văn Chấn vẫn được bà con tin yêu gọi là “Hợp tác xã đồng bào” bởi 20 thành viên của HTX chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, với 16 đồng bào dân tộc H’Mông, còn lại là các dân tộc Kinh, Dao, Tày. HTX Suối Giàng ra đời đã tập hợp đồng bào các DTTS trên địa bàn tham gia HTX để sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè sạch theo tiêu chuẩn. Tham gia vào HTX, đồng bào các DTTS thoát ra khỏi hình thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự cấp, tự túc, hiệu quả thấp; chuyển sang hình thức sản xuất hợp tác, sản xuất thương mại với quy mô lớn theo chuỗi giá trị. Đến nay HTX Suối Giàng đã có 4 dòng sản phẩm mang tên “Tuyết Sơn Trà”, đây cũng là sản phẩm OCOP 4 sao đầu tiên của huyện Văn Chấn, hiện HTX đã xuất hàng chè mẫu sang Nhật Bản để tiến tới xuất khẩu sản phẩm Chè cao cấp sang thị trường khó tính này.

 

Thu nhập bình quân người lao động của HTX hiện nay đạt 5,7- 6,0 triệu đồng/người/tháng, đây là mức thu nhập cao hơn mức thu nhập chung của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Qua mô hình HTX Suối Giàng cho thấy đây là hướng đi phù hợp với điều kiện vùng miền, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống cho đồng bào các DTTS và miền núi.

Các thương gia Nhật Bản giao lưu văn hóa trà và đang thưởng thức Bạch Trà của Hợp tác xã Suối Giàng

 

 

 

Cùng HTX Suối Giàng, còn rất nhiều HTX với thành viên phần lớn là người DTTS như: HTX nông nghiệp và du lịch Nà Hẩu, HTX sản xuất dược liệu Viễn Sơn (Văn Yên), HTX dịch vụ tổng hợp Thiên An (Yên Bình), HTX dịch vụ tổng hợp Hồng Ca (Trấn Yên), HTX dịch vụ tổng hợp Nghĩa An (Ngĩa Lộ)… đã góp phần thay đổi tư duy và trình độ sản xuất của đồng bào các DTTS, nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

 

 

Phát triển mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị, góp phần xây dựng nông thôn mới.

 

Một trong 3 vấn đề mà Yên Bái xác định cần tập trung giải quyết để tạo sự đột phá trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đó là: “Đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị”. Do đó, cùng với thực hiện các nguồn lực, dự án khác của Chương trình, tỉnh Yên Bái đã phát triển và nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực: Quế, măng tre Bát độ, chè, dược liệu, phát triển du lịch gắn với quảng bá và tiêu thụ các đặc sản OCOP của tỉnh…

 

Nhận thấy điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu ở khu vực đèo Lũng Lô, HTX dược liệu Lũng Lô đã liên kết với các hộ dân xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn trồng trên 20 ha cây dược liệu các loại như đương quy, hoài sơn, sâm bố chính, hy thiêm… cho năng xuất vượt trội so với trồng nơi khác. Ông Đỗ Bảo Long, Giám đốc HTX dược liệu Lũng Lô chia sẻ “ HTX xã ký hợp đồng lâu dài với nông dân, chịu trách nhiệm cung ứng giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm thô cho người dân theo giá thị trường. Người dân chuyên vào thâm canh, chăm sóc theo hướng dẫn của HTX”. Mô hình liên kết đã tạo việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho người dân tham gia. Hiện thu nhập của thành viên và người lao động của HTX bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

 

 

Hợp tác xã 6/12 Đào Thịnh, huyện Trấn Yên ngoài việc liên kết với một số HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái phát triển chuỗi các sản phẩm từ cây Quế. Đến nay HTX đã liên kết với một số Hợp tác xã và doanh nghiệp tại Hà Nội để phân đoạn xuất khẩu sản phẩm tinh dầu quế. Năm 2021 HTX nộp Ngân sách Nhà nước trên 1,3 tỷ đồng, 6 tháng/2022 HTX đã nộp 1,1 tỷ đồng tiền thuế vào Ngân sách, thu nhập người lao động của HTX năm 2021 là 6 triệu đồng/người/tháng, cao hơn so với năm 2020 là 1 triệu đồng (năm 2020 là 5 triệu đồng/người).

 

 

Cùng với đó, các HTX hoạt động trong lịch vực du lịch trên địa bàn tỉnh đã chủ động hợp tác, liên kết với nhau để cung cấp các sản phẩm du lịch có chất lượng cho du khách như: Tổ chức Tour du lịch, Đại lý du lịch, Dịch vụ lưu trú, Vận tải hành khách, nhà hàng ăn uống, bán các loại thổ cẩm, bán buôn, bán lẻ các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền…điển hình như: HTX du lịch sinh thái Hồ Thác Bà, HTX dịch vụ và du lịch Trạm Tấu, HTX du lịch Mù Cang Chải, HTX nông nghiệp và du lịch Nà Hẩu (Văn Yên), HTX Hoa Ban trắng, Hợp tác xã du lịch Mường Lò (Nghĩa Lộ)…

Cửa hàng quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền của HTX dịch vụ và du lịch Trạm Tấu tại số nhà 79, Thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái

 

 

 

Việc phát triển du lịch gắn với quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm, đặc sản OCOP vừa góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, vừa tạo kênh quảng bá các giá trị kinh tế, văn hóa đặc sắc của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển du lịch hướng đến giá trị xanh, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc./.