Phát triển kinh tế tập thể trong nông dân Yên Bái

0
232

Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã chú trọng thực hiện nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT). Đây là yêu cầu đặt ra cấp thiết bởi nếu không có sự hợp tác, liên kết thì kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún khó có thể cạnh tranh và tiếp cận thị trường khi quá trình hội nhập kinh tế phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Thành viên Tổ hợp tác Mảng Ngóc, thôn 7, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên khai thác quế hữu cơ.

Thành viên Tổ hợp tác Mảng Ngóc, thôn 7, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên khai thác quế hữu cơ.

 

Đồng chí Nguyễn Thị Phương Đông – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cho biết: “Hội Nông dân tỉnh đã quan tâm nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, hành động của cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong giai đoạn mới. Đồng thời tập trung quán triệt, nêu cao tinh thần quyết tâm chính trị của các cấp hội nông dân để thực hiện Chương trình hành động số 118-CT/TU ngày 30/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới”.
Trên cơ sở đó, Hội Nông dân tỉnh đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo các cấp hội tập trung xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Đến thời điểm ngày 19/4/2024, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã vận động, hướng dẫn, thành lập 71 HTX, trong đó quý I/2024, thành lập mới 2 HTX. Về các THT do hội viên nông dân làm chủ, từ năm 2019 đến nay đã thành lập 542 THT, trong đó riêng năm 2023 thành lập mới 41 THT và quý I/2024 thành lập mới 4 THT nông nghiệp.
Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, các mô hình HTX, THT do hội viên nông dân làm chủ đã có chuyển biến cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và đã xuất hiện những mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả theo Luật HTX năm 2012, Luật HTX năm 2023. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX, THT là đa ngành nghề, thích ứng với cơ chế thị trường.
Đặc biệt, một số HTX mở rộng quy mô, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, cung cấp sản phẩm có chất lượng cho thị trường và xuất khẩu. Đồng thời hoạt động liên doanh, liên kết, sản xuất gắn với chuỗi giá trị của các mô hình KTTT bước đầu có những hiệu quả nhất định.
Các khâu trong chuỗi trước đây tập trung chủ yếu ở khâu trồng trọt, chăn nuôi cung cấp nguyên liệu thô thì đến nay đã tham gia vào các khâu chế biến, tiêu thụ hàng hóa thành phẩm có địa chỉ, tem, mã theo quy chuẩn chất lượng được cấp phép. Hình thức sản xuất có hợp đồng ký kết giữa HTX với doanh nghiệp, hộ nông dân, hộ kinh doanh được hình thành. HTX, THT do nông dân làm chủ đã tạo được giá trị gia tăng trong sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho các thành viên.
Ở thôn 7, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên có THT Mảng Ngóc thành lập năm 2020 do ông Nguyễn Chí Thuân là tổ trưởng. THT Mảng Ngóc có 12 thành viên, trồng 11 ha quế hữu cơ và sản xuất, chế biến các sản phẩm từ quế. Hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả đã giúp mỗi thành viên có thu nhập bình quân khoảng 150 triệu đồng mỗi năm.
Đồng chí Phạm Văn Tiến – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đào Thịnh chia sẻ: “Quá trình tuyên truyền, vận động thành lập HTX, THT có khó khăn là người nông dân vốn quen cách làm ăn nhỏ lẻ, ngại thay đổi. Vì vậy, Hội đã tuyên truyền để hội viên nông dân thay đổi nhận thức rằng muốn gia tăng giá trị sản phẩm thì phải sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết để phát triển. Những năm qua, Hội Nông dân xã đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập 4 HTX, 21 THT. Trong đó, có một số mô hình hoạt động hiệu quả như: HTX Quế hồi Việt Nam, HTX Tiến Thành T&T, THT thôn 5, THT Mảng Ngóc…  Hiện nay, các HTX, THT mong muốn có cơ chế hỗ trợ về mặt bằng để xây dựng trụ sở, kho bãi”.
Nhìn nhận khách quan về những khó khăn, hạn chế của các HTX, THT do nông dân làm chủ trên địa bàn tỉnh, đó là đa số các mô hình có quy mô sản xuất nhỏ, cơ sở vật chất và trang thiết bị còn lạc hậu; việc làm cho xã viên, người lao động chưa ổn định, nhiều sản phẩm mang tính thời vụ, thiếu bền vững. Điều đó đồng nghĩa doanh thu của các mô hình còn thấp, không có tích lũy, khả năng đóng góp cho ngân sách Nhà nước chưa có…
Nhìn nhận rõ những khó khăn và hạn chế, xác định rõ nguyên nhân của các khó khăn và hạn chế là cơ sở quan trọng để các HTX, THT do hội viên nông dân làm chủ tập trung khắc phục. Với tinh thần nỗ lực của các HTX, THT cùng sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan chức năng sẽ giúp nông dân Yên Bái tham gia phát triển KTTT ngày càng hiệu quả.
Theo Báo Yên Bái

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here