YBĐT – Khẩu hiệu “Hãy là người tiêu dùng thông thái” cho thấy những khó khăn trong công tác quản lý, còn người tiêu dùng hàng ngày vẫn gắng phải lựa chọn bằng cảm quan để mua cho mình những mớ rau, cân thịt, con cá mà họ chưa dám chắc là sạch, an toàn… Để người tiêu dùng được thường xuyên sử dụng rau, thịt an toàn vẫn đang là bài toán khó.
Vậy tại sao hiện nay trên thị trường lại đang tràn lan rau, thịt không an toàn? Điều dễ nhận thấy là Yên Bái cũng như các địa phương khác trong cả nước, việc trồng rau, quả cũng như chăn nuôi lợn và gia cầm, thủy sản đều do các hộ gia đình thực hiện.
Quá trình trồng trọt, chăn nuôi cũng như chăm sóc cây trồng vật nuôi của các hộ gia đình đều mang tính tự giác. Do đó không ít hộ dân không phải không hiểu qui trình chăn nuôi, trồng trọt để tạo ra thực phẩm an toàn nhưng vì lợi nhuận, họ sẵn sàng nuôi lợn, gia cầm bằng chất cấm để tăng trưởng nhanh. Khi giá thị trường lên cao xuất chuồng gia súc, gia cầm chưa kịp thanh thải; rau, quả vừa phun thuốc trừ sâu và thuốc kích thích sinh trưởng chưa hết thời gian phân hủy đã xuất chuồng, thu hái đi tiêu thụ. Còn hậu quả các vụ ngộ độc rau quả chết tức thì và chết từ từ, người tiêu dùng phải gánh chịu.
Ngộ độc đã khiến người tiêu dùng phải “thông thái” chuyển hướng bằng cách mua rau của người quen, hoặc tự trồng nếu có đất, không thì trồng bằng hộp xốp để trên sân thượng hay hiên nhà… Còn thịt thì mua gà, đụng lợn của người nhà, người quen ở quê về để tủ lạnh ăn dần.
Nắm bắt được nhu cầu bức thiết với rau, thịt sạch, cá, ở thành phố Yên Bái đã có những người về nông thôn, vùng cao, vùng sâu đặt mua lợn, gà, rau của các hộ chuyên nuôi lợn, gà, rau sạch về bán tại tổ dân phố. Đầu tiên một người ăn thấy đảm bảo, sau đó thì rất đông người dân quanh phố tới mua và coi đây là nguồn cung cấp rau thịt an toàn thường xuyên của gia đình mình. Bên cạnh những người giữ chữ tín ổn định lâu dài, có những người ban đầu cũng bán thịt sạch, rau sạch sau vì lợi nhuận trà trộn thịt bẩn, rau bẩn vào tức khắc mất khách, mất làm ăn.
Thực trạng trên, cùng câu chuyện kinh doanh thịt sạch, rau sạch của những người buôn bán nhỏ trong Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm từ 15/4 đến 15/5/2016 với chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn” khiến người tiêu dùng có thể hoàn toàn hy vọng có được những địa chỉ cung cấp rau, thịt an toàn. Nhưng để có được rau, thịt an toàn bên cạnh việc tuyên truyền kêu gọi nâng cao ý thức, thay vì việc hô khẩu hiệu mong thức tỉnh lương tâm.
Để có được sản phẩm sạch hiện nay, giải pháp tạm thời mỗi thôn, tổ dân phố nên thống kê số hộ trồng rau, nuôi lợn, gia cầm, thủy sản cung cấp ra thị trường, cùng với ký cam kết sản xuất rau, thịt sạch với chính quyền xã, phường thông qua trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Mỗi sản phẩm của hộ sản xuất cung cấp ra thị trường có mã số của ngành chức năng hoặc chính quyền địa phương, để khi bán trên thị trường cần đến có thể truy được tới gốc của sản phẩm và biết được nguyên nhân. Nhưng giải pháp này vẫn thiếu khả quan nếu không có sự hướng dẫn, giám sát chặt chẽ quá trình trồng trọt, chăn nuôi của ngành liên quan với hộ dân theo đúng qui trình.
Muốn giải quyết triệt để, tận gốc để có rau thịt an toàn hiện nay có thể phát triển đồng bộ hai mô hình là hợp tác xã rau, thịt, thủy sản sạch và doanh nghiệp sản xuất rau, thịt, thủy sản sạch khép kín từ nuôi trồng đến tiêu thụ. Mô hình thứ nhất là đưa các hộ dân vào hợp tác xã sản xuất rau, thịt sạch, thủy sản sạch. Mỗi hộ dân sẽ trở thành thành viên, xã viên của hợp tác xã. Các hợp tác xã này sẽ thực hiện toàn bộ việc phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng cùng các trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố ký cam kết, hướng dẫn, quản lý người dân nuôi, trồng rau, thịt, thủy sản sạch theo đúng qui trình.
Quan trọng hơn cả là các hợp tác xã này sẽ đứng ra bao tiêu sản phẩm, mở các cửa hàng rau, thịt, thủy sản sạch cung cấp ra thị trường, mà chủ yếu là thị trường nông thôn. Mô hình thứ hai có thể xây dựng doanh nghiệp chuyên trồng rau quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản sạch dưới sự hướng dẫn và quản lý chăn nuôi, trồng trọt theo đúng qui trình chuyên phục vụ cho người tiêu dùng thành phố và thị xã, thị trấn đông dân cư. Doanh nghiệp này có cửa hàng cung cấp sản phẩm sạch do chính mình sản xuất đến người tiêu dùng. Như vậy chúng ta vừa mở rộng được sản xuất nông sản sạch, vừa tạo dựng được thị trường cho tiêu thụ sản phẩm an toàn.
Nhưng muốn phát triển bền vững thì các hợp tác xã và doanh nghiệp này cần có sự tạo điều kiện về cơ chế, chính sách ưu tiên của chính quyền các cấp; tuyên truyền tạo dựng thương hiệu của các cơ quan truyền thông. Nhưng vấn đề sống còn vẫn phải lấy chữ tín làm đầu, không vì lợi nhuận đưa rau, thịt bẩn vào tiêu thụ.
Cùng với đó, ngành chức năng cần thường xuyên giám sát, phát hiện xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản; thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hữu cơ, phân bón khác của người dân cũng như các hợp tác xã, doanh nghiệp, như vậy người tiêu dùng mới hy vọng có được địa chỉ của các sản phẩm rau, thịt an toàn.
Minh Đức
Nguồn http://www.baoyenbai.com.vn/