Tổ hợp tác Cường Ly góp phần giải quyết việc làm tại địa phương

0
210

Cùng với các Hợp tác xã, các Tổ hợp tác (THT) trong tỉnh Yên Bái đã đóng vai trò quan trọng vào việc nâng cao năng lực phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước cải thiện đời sống của người dân, góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Những năm qua, Tổ hợp tác tại tỉnh Yên Bái ra đời và phát triển khá mạnh, góp phần không nhỏ vào giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 5.868 Tổ hợp tác, với gần 31.000 thành viên, doanh thu bình quân đạt 350 triệu đồng/THT, lợi nhuận bình quân 100 triệu đồng/THT, thu nhập bình quân tổ viên, lao động của THT khoảng 48 triệu đồng/người/năm.

 

 

 Ghi nhận ở Tổ hợp tác Cường Ly thuộc địa bàn xã Xuân Ái, huyện Văn Yên là một minh chứng điển hình với mô hình hoạt động hiệu quả, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. Hiện Tổ hợp tác Cường Ly đang hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành nghề như: Khai thác gỗ rừng trồng, chế biến lâm sản, chăn nuôi tổng hợp (chăn nuôi lợn, gà và ngan, vịt) và ươm cây giống. Năm 2022, Tổ hợp tác xuất bán Gỗ dán chủ yếu đi thị trường Hà Nội, Vĩnh Phúc với doanh thu trên 4 tỷ đồng và xuất 15 tấn lợn hơi dịp Tết Nguyên đán Quý Mão với giá 54 triệu đồng/tấn, mang lại doanh thu từ hoạt động chăn nuôi và chế biến lâm sản là gần 5 tỷ đồng.

 

Anh Nguyễn Văn Cường – Tổ trưởng Tổ hợp tác Cường Ly cho biết: “Tổ hợp tác đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập từ 5 – 9 triệu đồng/người/tháng. Thời điểm nhiều đơn hàng, Tổ hợp tác tạo thêm nhiều việc làm thời vụ cho 70 – 80 người lao động không chỉ ở địa bàn xã Xuân Ái mà còn ở các xã lân cận là Yên Thái, Ngòi A, Quang Minh”.

Anh Nguyễn Văn Cường – Tổ trưởng Tổ hợp tác Cường Ly (người mặc áo phông đứng giữa) và các đồng chí Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Yên Bái tại xưởng sản xuất của Tổ hợp tác

 

 

Thời gian tới, để tiếp tục hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, Tổ hợp tác Cường Ly đề nghị với các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện cho các THT tiếp tục được tiếp cận và thụ hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ ưu đãi về chăn nuôi, thị trường, đất đai, công nghệ…của Trung ương và tỉnh Yên Bái, để THT mở rộng sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng và tiếp tục tạo việc làm, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.