Sáng 2/6, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức tọa đàm với chủ đề “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”. Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dự và chỉ đạo tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Đồng chí Bùi Mai Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì tọa đàm. Cùng dự có đồng chí: Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển Kinh tế tập thể của tỉnh.
Cùng dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị- xã hội của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố; lãnh đạo Ban Tuyên giáo các huyện, thành ủy; các chuyên gia, các nhà khoa học, quản lý về lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Trung ương; các HTX, Liên hiệp HTX tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Đề dẫn tọa đàm nêu rõ: Đảng và Nhà nước ta luôn xác định kinh tế tập thể (KTTT) là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước, trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; đồng thời đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển thành phần kinh tế tập thể. Trong đó, ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Trên địa bàn tỉnh ta, trong thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp tham mưu, triển khai thực hiện của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các HTX trên địa bàn tỉnh được củng cố, đổi mới và hoạt động đảm bảo đúng theo Luật HTX năm 2012, doanh thu, thu nhập khu vực kinh tế tập thể tăng dần, chất lượng hoạt động trên các lĩnh vực được nâng lên…
Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm các gian hàng
Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể, HTX tỉnh ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Phần lớn các HTX còn có quy mô nhỏ, thậm chí rất nhỏ, thiết bị, công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý thấp, khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư còn kém…
Nhằm khắc phục những hạn chế trên, tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu đã chia sẻ, thảo luận, trao đổi, đề xuất các vấn đề lý luận, thực tiễn liên quan đến vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Từ thực tiễn và lý luận, nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp tạo động lực, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho phát triển kinh tế tập thể của tỉnh thời gian tới. Trong đó, tiếp tục bám sát các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 20 đã đề ra.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, trong bối cảnh mới đặt ra nhiều cơ hội, cũng như thách thức cho khu vực kinh tế tập thể, HTX, đòi hỏi khu vực này phải tự thay đổi cách thức hoạt động để phù hợp với yêu cầu và tận dụng được những cơ hội phát triển trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.
Để làm được điều này, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp tạo điều kiện của các cấp, ngành, khu vực kinh tế tập thể, HTX phải năng động, sáng tạo, nắm bắt thông tin, tiếp cận khoa học, công nghệ tiên tiến để áp dụng vào sản xuất, phù hợp với thực tiễn…
Đặc biệt, đối với Ninh Bình cần tận dụng lợi thế du lịch để phát triển, trong đó HTX tiêu dùng là khâu đột phá. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp để cơ cấu, củng cố, xây dựng HTX cho phù hợp với vùng sinh thái nông nghiệp. Đồng thời thu hút đầu tư cho nông nghiệp, góp phần cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tỉnh tiếp tục có chính sách giải quyết khó khăn về đất đai, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất cho các tổ chức kinh tế tập thể. Đồng bộ, cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy để tạo lập môi trường cho HTX phát triển bền vững…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn ghi nhận, đánh giá cao sự chuẩn bị, tổ chức buổi tọa đàm- đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 20. Ghi nhận các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu đã giúp có cách nhìn toàn diện về thực tiễn, lý luận của vấn đề phát triển kinh tế tập thể.
Liên hệ thực tiễn phát triển KTTT trong nước và một số nước trên thế giới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng phát triển KTTT là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng gợi mở, định hướng phát triển kinh tế tập thể của tỉnh trong thời gian tới.
Theo đó, để phát triển KTTT cần xác định phương châm phát triển hướng tới thúc đẩy các giá trị nhân văn, giá trị sinh thái, giá trị văn hóa. Tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP theo hướng tìm ra các giá trị khác biệt, giá trị so sánh, có tính cạnh tranh.
Đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần xây dựng định hướng phát triển KTTT, quy hoạch đất đai, rà soát những vướng mắc trong thực thi chính sách tín dụng để kịp thời có giải pháp tháo gỡ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phát triển KTTT…
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Mai Hoa phát biểu kết luận buổi tọa đàm.
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trân trọng cảm ơn, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các sở ngành, hợp tác xã và đặc biệt là những định hướng chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy để đưa kinh tế tập thể trên địa bàn phát triển xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo đề nghị thời gian tới tiếp tục quán triệt, tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hợp tác xã trong giai đoạn mới.
Đề nghị các sở, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất, chỉ đạo để có chính sách hỗ trợ, ưu đãi thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; tạo điều kiện hỗ trợ hợp tác xã về nguồn vốn, đất đai, nhà xưởng, vùng nhiên liệu, công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Đồng thời đổi mới phương thức quản lý, phát huy mạnh mẽ sự tham gia đóng góp công sức, trí tuệ của các thành viên trong hợp tác xã. Khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã chủ động tham gia chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm.
Xây dựng mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương, chương trình OCOP để nhân rộng; nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các hội, hiệp hội và trách nhiệm của Liên minh Hợp tác xã tỉnh trong phát triển kinh tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Theo Cổng TTĐT Liên minh HTX Việt Nam