Liên kết phát triển nông sản theo tiêu chuẩn VietGap giúp nông dân ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập.
Các mặt hàng rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGap là lựa chọn ưa thích của người tiêu dùng. Ảnh VGP/
Qua trao đổi với các DN tại Hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu quá trình phân phối và nhu cầu thị trường EU” vừa diễn ra tại TPHCM, đại diện của các nhà phân phối lớn đang hoạt động tại Việt Nam như Metro, Big C… bày tỏ mong muốn được hợp tác với các nhà cung ứng Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy nhiên, các nhà phân phối này cũng nhấn mạnh, nông sản, đặc biệt là các mặt hàng như rau, củ, quả… cần phải đạt được các yêu cầu về an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn cao như VietGAP, Global Gap…
Dưới góc độ một nhà phân phối hàng đầu tại Đức, bà Xuemei Tan, Trưởng đại diện Metro Group Buying cho rằng, Việt Nam nên hiện đại hóa nền nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trong chuỗi cung ứng bền vững nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn.
Theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta muốn nâng cao được giá trị, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu thì cần phải sản xuất theo chuẩn an toàn như VietGap, Global Gap…
Để làm được điều này, việc đẩy mạnh liên kết các hệ thống phân phối với các doanh nghiệp (DN), HTX cũng như mối liên kết giữa HTX, DN với người nông dân để tạo ra vùng sản phẩm an toàn là phương thức cần hướng tới, nhất là thực phẩm như rau, củ, quả.
Qua đó, nông dân ngày càng hướng tới sản xuất ra các sản phẩm an toàn, chất lượng, tạo nguồn hàng cung cấp cho các hệ thống phân phối lớn để tiêu thụ trong nước cũng như hướng tới xuất khẩu.
Theo ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, việc hợp tác này không chỉ giúp DN tiêu thụ sản phẩm, mà còn giúp nông dân thay đổi dần tập quán sản xuất. Từ đó, giảm thiểu tình trạng nông dân sản xuất chạy theo tâm lý đám đông, nhờ đó giảm thiệt hại do được mùa, mất giá.
Nhiều HTX đẩy mạnh phát triển theo VietGap, Global Gap
Hiện nay, trên cả nước đã có những HTX, đơn vị sản xuất trong nước được các nhà phân phối lớn như Saigon Co.op, Satra, Vissan… đầu tư hỗ trợ vốn để hiện đại hóa công nghệ, mở rộng sản xuất, mở rộng vùng chuyên canh theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm VietGap, Global Gap.
HTX nông nghiệp Anh Đào (tỉnh Lâm Đồng) là một trong những đơn vị được Saigon Co.op đầu tư hỗ trợ vốn suốt hơn 3 năm nay với số vồn vài chục tỉ đồng. Ông Nguyễn Công Thừa, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Anh Đào, cho biết hơn 80% sản lượng rau của HTX tiêu thụ ở TPHCM và chủ yếu thông qua hệ thống siêu thị Co.op Mart. Số còn lại HTX bán cho các chợ đầu mối và các hệ thống phân phối lớn khác trong cả nước.
Tại một số địa phương có thế mạnh về cây ăn quả như Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Lâm Đồng… đã hình thành nhiều vùng chuyên canh nông sản chất lượng cao, nhất là các mặt hàng rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGap, Global Gap phục vụ đơn đặt hàng của các DN trong nước hoặc nước ngoài. Nhờ đó, giúp nông dân ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Điển hình có thể kể đến như HTX sản xuất và tiêu thụ bưởi Năm Roi Mỹ Hòa với sản lượng 60 tấn/tháng, Tổ hợp tác thanh long Lương Phú đạt chất lượng VietGap bán theo các đơn đặt hàng 1 tháng khoảng 500 tấn, khóm dứa Tân Lập của HTX Quyết Thắng đạt chuẩn VietGap sản lượng 20 tấn/ngày…
Ông Trần Tấn Tài, Trợ lý Ban quản trị HTX sản xuất và tiêu thụ bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, cho biết sản phẩm bưởi Năm Roi của hợp tác xã vừa được tái công nhận đạt tiêu chuẩn Global Gap đến năm 2015. Với thương hiệu sẵn có của mình, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ với 3 siêu thị là Co.op Mart, Big C và Maximark với số lượng trên 200 tấn/năm.
Ông Tài cũng cho biết, do đạt được tiêu chuẩn Global Gap nên hiện nay, sản phẩm của HTX nhận được rất nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu đi các nước châu Âu, nhiều khi còn không có hàng nên đành từ chối nhận đơn hàng. Sau khi trừ các khoản chi phí công chăm sóc, thuốc trừ sâu… nông dân trong HTX thu về khoảng 200 triệu đồng một hecta mỗi năm.
Nguồn http://www.vca.org.vn/