CTTĐT – Sáng ngày 15/12, Bộ Công Thương tổ chức diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu góp phần khôi phục và phát triển kinh tế” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Dự tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Ngô Hạnh Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Tại điểm cầu Yên Bái.
Tác động tiêu cực của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã khiến xuất khẩu giảm sút mạnh trong các tháng quý 3. Tuy nhiên, từ tháng 10, hoạt động sản xuất đã bắt đầu hồi phục, tạo đà xuất khẩu tăng trở lại. Tính đến hết tháng 11 năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước đạt trên 600 tỷ USD, tăng gần 23% so với cùng kỳ; gần 30 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 4 nhóm so với năm 2020; cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm công nghiệp chế biến; nhóm hàng nông, lâm, thủy sản giảm đều qua các năm; nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản hạn chế về nguồn cung giảm mạnh. Thị trường xuất khẩu được duy trì và mở rộng.
Tại Yên Bái, trong năm 2021 các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Dự ước cả năm tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh đạt 226,2 triệu USD, vượt 3% so với kế hoạch giao, tương đương 6,2 triệu USD so với kế hoạch. Trong đó, nhóm hàng may mặc và khoáng sản tăng, nhóm hàng nông sản và nông lâm sản chế biến như (chè, quế và các sản phẩm từ quế, tinh bột sắn…) bị sụt giảm do thị trường Trung Quốc hạn chế nhập khẩu vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2021 đã diễn ra 2 phiên thảo luận chính. Phiên thứ nhất, các đại biểu đã thảo luận về triển vọng của một số khu vực thị trường xuất khẩu giai đoạn sau COVID-19; Chiến lược quốc gia của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) giai đoạn 2021-2025 và định hướng phối hợp với các đối tác về lĩnh vực thương mại tại Việt Nam. Trong phiên thứ 2, các đại biểu thảo luận định hướng một giải pháp để cải thiện hiệu quả xúc tiến thương mại; đề xuất nhu cầu hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu của doanh nghiệp địa phương…
Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn diến biến rất phức tạp, khó lường, nhưng tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU… đã mở cửa trở lại; đặc biệt là khi Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ đầu năm tới sẽ tiếp tục tạo đà thuận lợi cho xuất khẩu. Do vậy, để tận dụng cơ hội từ phục hồi của thị trường xuất khẩu sau dịch COVID-19, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành địa phương tiếp tục đánh giá thực tiễn, sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách, định hướng hoạt động xúc tiến thương mại; chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại trung và dài hạn đối với một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn; đẩy mạnh các hoạt động thông tin, quảng bá về tiềm năng xuất khẩu sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia; triển khai các chương trình nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam,…
Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm là hoạt động thường niên do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi giữa cơ quan điều phối hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các chủ thể tham gia hoạt động xuất khẩu; là kênh đối thoại chính sách, tạo thuận lợi cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu; nhận định các cơ hội, triển vọng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu và khả năng chủ động của doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu.
Theo Cổng TTĐT tỉnh Yên Bái